Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Những chuyện đình đám của giáo dục 2010

Theo Việt Nam Net
Cập nhật lúc 31/12/2010 06:55:00 AM (GMT+7)
- Câu chuyện cái danh trong xã hội, sự biến đổi những mối quan hệ trong nhà trường và tác động không thể chối bỏ của mạng internet với các hành vi... là những vấn đề giáo dục vẫn làm nóng dư luận năm 2010.

Phần 1: Những sự kiện hút nhiều giấy mực

GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields
Năm nay đánh dấu làn sóng hâm mộ nhà Toán học, thay vì một ngôi sao điện ảnh hay ca nhạc, đến mức dù không muốn, GS. Ngô Bảo Châu (ĐH Chicago) đã trở thành "nhân vật của năm 2010" ở Việt Nam (mà kết quả danh từ "Ngô Bảo Châu" được tìm kiếm nhiều nhất trên Yahoo Việt Nam là một chỉ báo).

Thật lạ, cho dù hầu như không có ai ở Việt Nam, kể cả các nhà toán học, có thể hiểu về công trình Bổ đề cơ bản - tác phẩm toán học được trao Giải thưởng Fields (ngày 19/8/2010 tại Ấn Độ) nhưng đâu đâu, cũng thấy nhắc tới tác giả.

Kết quả công trình toán học của GS Ngô Bảo Châu là kết tinh từ những nỗ lực cá nhân, nền tảng của một gia đình trí thức, hạnh phúc, tâm huyết của một thế hệ những người thầy không màng vật chất đã dạy cho GS suốt thời phổ thông, nhất là nền giáo dục của Pháp và Mỹ. Cho dù mang quốc tịch Việt Nam, Pháp nhưng bên trong GS.Ngô Bảo Châu là nơi hội tụ của những giá trị quốc tế.

Phải thật lắng nghe, mới thấy từ trong cơn bão thông tin đó lời nhắn nhủ: Người Việt muốn thành công trên thế giới thì phải biết yêu khoa học thật sự, không làm khoa học vì danh hay lợi. Náo nức với cái danh của GS.Ngô Bảo Châu là chủ yếu mà quên một điều, trong mỗi người Việt, khi đã thực sự cầu thị và khát khao hiểu biết, bỏ qua cái danh thì đều có thể đạt tới thành công.

Trong bài phát biểu tại lễ chào mừng GS đoạt giải, nhà toán học Ngô Bảo Châu đã viết rất giản dị mà thấm thía: "Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành rất được coi trọng, nhưng tình yêu tri thức, yêu khoa học, thì, theo ý kiến chủ quan của tôi, vẫn là chuyện hiếm."

Phát tán clip cô chửi trò

Một đoạn băng ghi âm dài 18 phút đã bị học sinh tung lên mạng, lột tả chân thực lời lẽ chửi học trò của cô giáo dạy tiếng Anh của Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng. Cô đã mạt sát, "mày, tao" và dọa tát học sinh khiến cho người nghe không tưởng tượng được, đây là lời lẽ của một người trong ngành giáo dục.

Sau vụ việc này, Sở GD-ĐT Hải Phòng, nhiều trường học khác đã cấm học sinh quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại trường. Còn ngành giáo dục ra dự thảo không cho phép đưa những thông tin nhạy cảm lên mạng. Điều này đã gây nên hai luồng tranh luận trái chiều.

Chưa kịp nguôi, một nhóm học sinh khác đã tung tiếp video quay cảnh cô giáo của Trường THPT Hàng Hải, Hải Phòng, vừa chấm bài tại lớp, vừa trợn trừng mắt mắng chửi học sinh - độ dài và tính chất "chợ búa" chưa thể sánh với trường hợp được dẫn ở trên.

Chuyện khủng khiếp khó tưởng tượng như cô giáo chửi học trò đủ đau lòng để cả thầy cô lẫn học trò đều phải xem lại những nguyên tắc ứng xử học đường, trong đó có nguyên tắc ứng xử với cái Đúng và cái Sai.

Các sự việc (vô tình đều xảy ra ở Hải Phòng) là một chỉ báo đủ rõ ràng để các thầy cô giáo và nhà trường phải dũng cảm thừa nhận một thực tế mới trong giáo dục Việt Nam: khi nhà trường cổ xuý cho phương châm giáo dục “lấy học sinh làm trung tâm” thì cũng phải mặc nhiên chấp nhận một hệ quả – học sinh CÓ QUYỀN ĐÚNG.

Đúng hay Sai là chuyện logic, nhưng cuộc sống không chỉ cần có mỗi chuyện logic. Cuộc sống còn có nhiều điều khác vượt lên trên logic, như tình yêu, sự hy sinh, lòng nhân ái, đức bao dung, đạo nghĩa thầy trò.
Bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non

Năm 2010 không chỉ chứng kiến hiện tượng "bạo hành bằng lời" được phô bày qua các clip mắng chửi học sinh, hiện tượng bảo mẫu hành hạ thân thể trẻ mầm non vẫn tái diễn với 2 sự kiện đưa ra công chúng: Bé Lê Quang Vinh, 4 tuổi, ở TP.HCM bị thương tích nặng nền khi cô giáo Trần Thị Xuân Nữ (nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, quận Tân Phú) nhốt trong thang máy chở thức ăn. Cô giáo giải thích đó chỉ là hành động dọa vì bé không chịu ăn, nhưng hậu quả gây ra là bé bị chấn thương quá nặng, máu ướt đẫm từ đầu đến chân; đầu, mặt và toàn thân bầm dập, sưng húp; mắt trái bị lồi ra.

Câu chuyện khiến các bậc cha mẹ giật mình vì những "bạo lực" nhỏ hơn đối với con mình vẫn thường diễn ra, nhưng biết kêu ai khi gửi con cả ngày ở trường, tất cả chỉ trông chờ vào lương tâm của giáo viên mầm non. Từ đây, một vấn đề cũng mở ra: Áp lực trong công việc khi các lớp học hầu hết là quá tải, thu nhập rất thấp so với mức thu nhập trong ngành,v.v...Chưa hết bàng hoàng chuyện cô Nữ, bảo mẫu Trần Thị Phụng (52 tuổi, xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Đồng Nai) lại gây phẫn nộ khi vừa tắm vừa hành hạ cháu bé mới chỉ có 3 tuổi với những hành vi như: đạp, túm tóc, dội ngược nước vào mặt bé. Câu chuyện bảo mẫu hành hạ trẻ đã dấy lên mối lo ngại về những cơ sở trông giữ trẻ cho người nghèo, không có giấy phép. Câu hỏi cho những nhà quản lý địa phương đã ở đâu khi hàng ngày, những nhóm nhà trẻ tự phát thế này vẫn tồn tại?

Nữ sinh trở thành "đầu gấu"

Hành vi bạo lực không phải "sở hữu" riêng của những người giữ trẻ đặc biệt trên, mà lan tràn tới các nữ sinh. Nếu tìm kiếm cụm từ "nữ sinh đánh nhau" bằng tiếng Việt, Google sẽ cho ra 5 triệu kết quả, hơn cả việc tìm kiếm cụm từ "Ngô Bảo Châu".

Hiện tượng này nổi mạnh khi đầu tháng 3 năm nay, clip có độ dài gần một phút ghi lại cảnh nhóm học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) mặc đồng phục, đeo cặp xách thản nhiên ngồi xem bạn túm tóc, đấm đá, chửi mắng một nữ sinh khác được tung lên mạng và báo chí khai thác triệt để.

Người lớn càng ngỡ ngàng, trẻ con càng muốn "chứng tỏ bản thân". Không chịu kém cạnh, rải rác cho đến tận cuối năm, những clip nữ sinh đánh nhau tương tự được phát lộ ở Nghệ An, Quảng Ninh, rồi Hà Giang. Thậm chí, "hung thủ" không chỉ là học sinh cấp 3 hay đã tốt nghiệp phổ thông tham gia hội nhóm, mà còn "trẻ hóa" ở độ tuổi cấp 2, với sự kiện nữ sinh lớp 8 đánh nhau ở cầu thang của khu thương mại hiện đại bậc nhất Thủ đô - tòa nhà Vincom.

Cùng với hiện tượng "khoe thân thể", hiện tượng đánh nhau rồi đua nhau đưa clip là một chỉ dấu cho thấy xu hướng nổi loạn của một bộ phận vị thành niên thiếu một mục đích sống dài hạn, điên cuồng với việc thể hiện bản thân chớp nhoáng.

Những phản hồi xôn xao của cộng đồng, những con mắt chú ý khiến họ cảm thấy bản thân có ý nghĩa hơn và bớt cô đơn hơn. Việc thiếu niềm tin vào những giá trị sâu sắc hơn của giới trẻ cũng phản ánh những thực tại đáng lo ngại về văn hóa "lối sống nổi" (lối sống bề mặt) hay những nhầm tưởng về giá trị của thân xác và bạo lực.


Thầy giáo "yêu râu xanh"

Khá phức tạp và gắn với những nhân vật liên đới "cộm cán", vụ án mua dâm người chưa thành niên lại nổi bật lên các nhân vật trong trường học: Hiệu trưởng và nữ sinh. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Giang vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án đối tượng Sầm Đức Xương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Vinh (Bắc Quang, Hà Giang) trong vụ án mua dâm người chưa thành niên. Tài liệu của cơ quan này cho thấy, những đối tượng trong tầm ngắm của ông thầy này là các học trò trong trường mình.

Những ngày cuối năm, Trường THPT Bến Tre, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc trở nên nổi tiếng - cái sự nổi tiếng chẳng học trò nào đủ dũng cảm để tự hào, nhất là khi được khai thác thông tin quá nhiều.

Một câu chuyện chưa có hồi kết liên quan tới mối quan hệ tình ái: Gia đình một học sinh tố cáo thầy hiệu phó "có quan hệ tình dục” với con cháu họ - cô học sinh lớp 9. Sự vụ mỗi lúc lại có thêm những tình tiết mới mà chẳng ai chịu thua kém ai.

Những câu chuyện "lộ ra ánh sáng" này cho thấy sự biến đổi mạnh mẽ trong các mối quan hệ ở môi trường học đường, đòi hỏi người đầu tiên cần phải đổi thay chính mình. Biến đổi một học sinh từ trạng thái tiêu cực sang tích cực chính là nhiệm vụ của thầy cô, rất cần cái tâm của người làm thầy, vượt lên trên trách nhiệm giảng dạy thông thường.

Một vấn đề nữa, cần sự phối hợp giữa gia đình là nên thay cấm đoán bằng việc chuẩn bị cho các em kiến thức cơ bản và các kỹ năng trước những tình huống nhạy cảm như quấy rối tình dục và rất nhiều kỹ năng thiết thực khác.

Đà Nẵng "tẩy chay" bằng tại chức

Một quyết định "gây sốc" của Đà Nẵng, thành phố luôn có nhiều chính sách trọng người tài khiến cho người phản đối thì ít, người đồng tình lại nhiều. Đông đảo dư luận cho rằng về lý, Sở Nội vụ đã sai khi trình kế hoạch biên chế lên HĐND thành phố hồi đầu tháng 12: “Từ năm 2011, Đà Nẵng sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước”.

Tuy nhiên, bạn đọc lại ngầm ủng hộ quyết định này với thực tế, nhìn chung, chất lượng hệ đào tạo tại chức nhận tiếng xấu nhiều hơn. Có một điều toát lên từ hiện tượng này, đó là hai cái lợi gặp nhau nên hệ đào tao này bị "biến tướng": Trường ĐH cần tiền để bù đắp cho thâm hụt chi phí từ hệ chính quy, người học thì cần có một tấm bằng nhiều hơn là cần kiến thức thực sự.


Hiện nay, chưa thể kiểm định chất lượng hệ đào tạo, nhưng người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sự kiện Đà Nẵng "nói không” với bằng tại chức làm tăng thêm quyết tâm cho việc giảm chỉ tiêu hệ đào tạo này.

Không nên "vơ đũa cả nắm", tuy nhiên, nếu như hệ tại chức chỉ là nơi "hữu danh" vô thực thì thật lãng phí tiền của cho xã hội, lãng phí thời gian đi học của người học. Lại một câu chuyện rõ ràng về cái danh, nhưng ở đây, là "danh hão" đã chi phối và làm biến tướng giáo dục đại học Việt Nam như thế nào.

Phần 2: Cuộc khảo sát lịch sử và những dự án nghìn tỉ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét