Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Internet không là nơi giải quyết quan hệ thầy - trò


TTO - Việc học sinh ghi âm, quay hình lại hành động của thầy cô rồi tung lên mạng đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng với nhiều tranh cãi trái chiều. Mời bạn đọc đến với hai chia sẻ của thầy cô về vấn đề này.
Cô và trò - Ảnh mang tính minh họa của Benny Phan
* Cô Chương Thị Mỹ Lệ (Trường THPT Châu Thành 2, Châu Thành, Đồng Tháp):
Thầy không thấy lỗi của mình, làm sao trò thấy lỗi của trò?
Nếu tôi là nhân vật chính thể hiện sự nóng giận trong các clip mà học trò quay lại rồi tung lên mạng thì điều đầu tiên tôi sẽ tự hỏi: “Tôi đã làm gì? Tại sao tôi không thể kềm chế sự nóng giận để ra nông nổi này?”.
Nếu tôi có lỗi để đưa đến sự việc thế này, tôi mạnh dạn nhận lỗi, vì người thầy không thấy được lỗi của mình thì trò làm sao thấy được lỗi của trò?
Ở các nước tiên tiến, trường học thường có người trợ giáo - có thể ví như “trợ lý thanh niên” trong trường học ở nước ta. Họ được học về môn tâm lý để giúp học sinh giải quyết những khúc mắc, những khó khăn trong quan hệ bạn bè, trong việc học tập…
Trường học ở nước ta nói chung không có hoặc ít có người giúp học sinh giải quyết các vấn đề này, dù trong chương trình học có đủ thứ: hoạt động ngoài giờ lên lớp, tư vấn cho học sinh…
Thật ra, những hoạt động đó chỉ có những ảnh hưởng nhất thời trong giờ học, ảnh hưởng của các bài học không nhiều, không thiết thực. Có thể mục đích của chương trình là tốt nhưng do giáo viên không có thời gian hoặc không nghiên cứu kỹ để biến tiết học thành bài học có những ảnh hưởng thiết thực đến học sinh.
Học sinh ngày nay thật sự có nhiều vấn đề rất nhạy cảm. Tôi từng lắng nghe học sinh chia sẻ về hoàn cảnh, những thắc mắc trong cuộc sống, kể cả chuyện tình cảm riêng tư. Tôi luôn sẵn lòng nghe các em tâm sự, lời khuyên của tôi cũng giúp được các em này hiểu vấn đề.
Chúng ta nên có những giáo viên phụ trách giải quyết và giúp đỡ về mặt tinh thần cho các em. Thậm chí giáo viên cũng nên nắm bắt sự việc, tìm hiểu vấn đề ngay cả khi các em chưa nói. Điều đó sẽ rất hay và rất cần thiết.
* Thầy Phạm Hải Việt (Trường THCS Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM): 
Internet không là nơi giải quyết mọi vấn đề
Quay clip về hành động không hay của giáo viên, chứng tỏ các em đã bày tỏ quan điểm của mình trong việc bảo vệ quyền chăm sóc giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, khi đưa những hình ảnh đó lên chứng tỏ học sinh đó chưa suy nghĩ hết những hậu quả.
Các em cứ nghĩ đó là giãi bày để mọi người cùng đồng cảm nhưng thật ra các em đang bôi xấu đi hình ảnh trường mình đang học, đang làm mất vẻ đẹp của học sinh, của những tâm hồn mới lớn.
Ở trường, khi thật sự có những khó khăn, chính các em phải là người báo cho ban giám hiệu, những thầy cô mà các em tin tưởng hay trò chuyện với thầy cô tổng phụ trách, giáo viên tâm lý... để có hướng giải quyết. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần giúp đỡ các em giải tỏa những vấn đề bức xúc. Chính các em phải tự đặt mình vào vị trí thầy cô để nghĩ xem trong hoàn cảnh đó mình sẽ làm gì?
Thật sự Internet không phải là nơi thuận tiện để bày tỏ những thái độ, suy nghĩ về thầy cô, bởi tốc độ lây lan và xuyên tạc nhiều khi không thay đổi kịp.
HỒNG THẮM thực hiện


Ý KIẾN BẠN ĐỌC:


(10)
Ai kiềm chế đuợc chắc đã thành thầy tu rồi
Xin hãy khoan khoan bàn luận về hình ảnh của nguời thầy. Tôi nói đơn giản, nếu ở nhà các bạn đang nói chuyện nghiêm túc với ngùơi thân :anh, chị, em, cô, dì, thậm chí là ba mẹ bạn nhưng họ không chú ý lắng nghe bạn, mà đọc báo, xem phim, nhắn tin hay có điện thoại liên tục thì bạn có bực mình không?
Cảm giác của bạn như thế nào? Nếu là nói với mấy đứa em, cháu thì tôi nghĩ bạn sẽ cho chúng một trận hoặc chửi rủa um sùm rồi. GV cũng vậy thôi. Các bạn bảo GV phải tạo hình tuợng tốt vậy làm cha, mẹ, anh, chị thì không phải tạo hình tuợng tốt, guơng sáng cho con em mình noi theo sao?Vậy có bao giờ bạn bị đòn hoặc nghe la mắng từ họ chưa?
Có bao giờ bạn quay lại clip tung lên mạng và nói anh chị, ba, mẹ tôi đã đánh mắng tôi thế này chưa? Tôi còn nhớ hoài hình ảnh thầy dạy Toán năm 12, cây thuớc to, dài vác ngang trên vai, đi tới đi tui, chỉ chực chờ phết vào mông đứa nào không làm đuợc bài tập, đám con trai sợ chết khiếp, con gái thì không dám thở mạnh nữa.
Thầy xưng là tao và gọi chúng mày, "ngu lắm con ạ", "ngơ ngơ như bò đội nón", "ngố tàu", " thằng kia lên đây tao bảo" "tao quất một cái chết tuơi bây giờ "... Các bạn nghe có thấy sợ, lo lắng gì cho đạo đức GV không? Chúng tôi thì không vì chúng tôi hiểu sau những hành động và lời nói đó là sự lo lắng, tâm huyết của thầy dành cho chúng tôi và xen lẫn trong sự khắt khe cũng có những tràng cuời thoải mái và niềm vui từ thầy. Chúng tôi đã TN hơn 10 năm rồi nhưng chưa ai quên đuợc thầy!
VIETHOANG
Giáo dục học sinh có ý thức, trách nhiệm trước cộng đồng
Do cơ chế thị trường tạo ra mặt trái của xã hội , giáo dục hiện nay có những nơi ,những nơi,những lúc thầy không ra thầy và trò không ra trò mới có chuyện,trong lúc chúng ta đang lúng túng chưa có biện pháp giải quyết hợp lí tình trạng quan hệ thầy và trò như trên thì ắt điều đến phải đến mà thôi,nhưng chúng ta cũng phải khách quan, không nên bao che cho cái xấu và giáo dục học sinh phải có ý thức,trách nhiệm trứơc cộng đồng ,xã hội về hành động của mình.
THANH THUẬN
Có qua có lại!
R - Vào năm lớp 10, tôi thấy em này mặt mày mơ màng, thường xuyên ngủ gục trong lớp, nhắc mãi mà cũng chẳng thay đổi được bao nhiêu, báo với giáo viên chủ nhiệm để tìm cách giải quyết. Lên lớp 11, tiếp tục dạy và chủ nhiệm lớp này, em này lại tiếp tục như vậy. Các giáo viên khác đều than phiền về em.
Lần này tôi đi báo phụ huynh, mới biết mẹ em này bị ung thư giai đoạn cuối, vì học trò và vì mẹ em tôi bắt em về nhà dạy kèm miễn phí mục đích là quản lí và năn nỉ em, tôi không ngờ là em này cực kì thông minh, thời gian đầu em cũng thay đổi, đi học đều, điểm số vượt bậc, cả tôi và mẹ em đều vui, mẹ em là 1 giáo viên giỏi.
Không may tôi bệnh phải đi nằm viện gần 2 tháng, bỏ lớp cho người khác dạy và chủ nhiệm luôn. Trở về, tôi gọi em đi học lại nhưng em không đi học đều nữa, lên thăm mẹ em thì mẹ em nói chỉ còn nhờ cô nói giùm chứ ở nhà chẳng làm được gì. Một ngày nọ em viết giấy phép nghỉ học, hôm sau mẹ em gọi điện xin cho em nghỉ nữa vì bệnh, ngày thứ 3 em lại nghỉ không phép, ngày thứ 4 lớp thông báo em không đi học, tôi nghĩ không biết em bệnh gì, chắc cũng nặng nên mua sữa lên thăm em.
Mẹ em nói: nó đi học 2 ngày nay mà cô! Tôi tức điên lên và đi khắp các tiệm internet gần trường để tìm em nhưng không thấy, chạy đến trường hỏi bạn cùng lớp xem em hay chơi tiệm nào và tôi chạy lên gần nhà em để tìm em lần nữa, tôi thấy em đang say mê chiến đấu bên màn hình, chẳng có dấu hiệu mệt mỏi, bệnh tật.
Nói thật, lúc đó tôi chỉ muốn thẳng tay tát cho nó vài cái ngay giữa tiệm net cho hả giận nhưng may mà tôi bình tĩnh được, gọi nó, nó thấy tôi mà mặt không còn giọt máu. Tôi chỉ ra lệnh: bỏ áo vào quần và xuống trường ngay! Nó xuống trường học và sau đó gửi tôi thư xin lỗi gần hai đôi giấy, em bảo "vì bất lực trước tình cảnh của mẹ nên muốn quên đi"...
Cuối năm học, lớp liên hoan, hôm đó em không đi học, tôi phải đến nhà gọi em đi chơi. Tiền liên hoan đều do tôi trả,.. vì sang năm tôi đi học không dạy lớp nữa. Nhưng em về và nói với mẹ là xin tiền để góp tiền liên hoan, cả 150.000đ. Tôi nghe mẹ em nói lại mà tức muốn chết! Vậy đấy, trong khi mẹ em sắp chết, (cô ấy ra đi vào mùa hè ấy) nhưng em này lại hư hết chỗ nói, em bị đuổi ra khỏi lớp chuyên! Tôi buồn vì chẳng giúp em tiến bộ được, thất hứa với mẹ em!
Nếu gặp một học trò như vậy liệu các giáo viên có bình tĩnh nổi không? Đó là tôi đã hết lòng với nó mà nó còn thế, nếu tôi cứ la mắng thì em đó sẽ như thế nào? Những ai không làm giáo viên thì không thể nào hiểu hết nỗi khổ của chúng tôi đâu! Tôi cũng có lần nổi nóng đến mức đập gãy một compa giữa lớp học vì học trò quá hỗn! ... Nhưng, chỉ cần mỗi giáo viên có lòng một chút thì cũng không nên sợ những học trò quá đáng! Có qua có lại!


NGUYỄN VÂN
Thày trò & pháp luật
Tất cả đều là cảm tính. Clip chưa được cơ quan chức năng giám định chưa phải là bằng chứng. Tôi là hiệu trưởng thì tôi trưng cầu giám định nếu các học sinh yêu cầu, còn không thì thì tôi phạt các em tội... cản trở thi hành công vụ.
TE
Internet không là nơi giải quyết quan hệ thầy - trò
Là một giáo viên - giảng viên mà có những thái độ như vậy đối với học sinh thì không chấp nhận được, dù ai cũng có lúc nóng giận nhưng phản ứng như vậy thì... giống ở chợ nhiều hơn. Hiện nay với trào lưu tung clip lên mạng đang thịnh hành thì không có gì ngạc nhiên khi học sinh chọn cách này để phản ứng, còn báo lên ban giám hiệu ư? Ai tin? Ai giải quyết? Tin một giáo viên hay tin học sinh? Chưa kể đến hậu quả sau đó vì biết rỏ đích danh người báo.Để tạo nên một hình ảnh ngôi trường thì trước tiên những người lãnh đạo (giáo viên) phải là người làm gương.Trước đây hai chử "Thầy - Cô" rất thiêng liêng, còn hiện nay như thế nào?Ttại sao?
NGUYỄN TẤN ĐẠT
Giáo viên cần gương mẫu
Nghề giáo đòi hỏi tính mô phạm cao. Vì vậy không thể đổ lỗi vì học trò thế này thế nọ nên thầy cô có quyền nóng giận và phát ngôn bừa bãi. Gần đây các vụ bê bối của ngành giáo dục lại tập trung vào các giáo viên lớn tuổi, như vậy đúng ra họ phải hiểu mình có kinh nghiệm nên càng mẫu mực. Ngôn ngữ của hai cô giáo tại Hải Phòng, rồi vụ bê bối về tình dục của các giáo viên với học trò .v.v... Vì vậy theo tôi cứ để các em mạnh dạn tung các clip về các thầy cô không mẫu mực lên internet, như vậy các thầy cô khác sợ thì phải gờm tay, lo sữa chữa chính bản thân mình. Chứ nói rằng phản ảnh với ban giám hiệu thì liệu mọi vấn đề sẹ bị chìm xuồng, bao che và rồi đâu lại vào đó, cùng lắm kiểm điểm mà mọi người ai cũng biết rồi. Phụ huynh thì sợ con bị đì nên càng khó phản ảnh. Thầy cô giáo nếu mẫu mực thì sợ gì học trò quay lén chứ. Nói như ông bà ta ngày xưa ấy: "cây ngay không sợ chết đứng!"
HANG
Là người ai không phạm sai lầm!
Trong cuộc sống chúng ta không thể tránh khỏi những sai lầm, có những sai làm cố thể sửa chữa, nhưng có những sai lầm sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Thầy cô là những nhà giáo dục là người giúp hình thành nhân cách cho học sinh, tuy nhiên không vì thế mà thầy cô luôn luôn đúng, luôn luôn đạt chuẩn trong cách ứng xử. Nếu những hành động không hay xuất phát từ đạo đức yếu kém thì cần lên án nhưng có những hành động vì một phút không kiềm chế thì cần được thông cảm. Khi vấn đề này rộ lên vô tình sẽ khuyến khích cho những học sinh cá biệt (thường gây rối trong lớp) theo dõi thầy cô để "bắt" những lỗi sai rồi tung lên mạng. Bạn hãy là người công minh và vị tha khi thấy người khác phạm lỗi.
ELKIN
Hãy nhìn từ hai phía
Rõ ràng đây là một vấn đề không chỉ nhìn vào một phía. Mình không thể đổ lỗi hay cho rằng việc học sinh quay lén những hành động hay những lời phát ngôn thiếu "sư phạm" của thầy cô giáo mình rồi úp lên mạng là việc không nên làm, mà đội ngủ thầy cô giáo cũng phải "tự soi" lại mình. Dẫu biết rằng công việc giảng dạy cũng như giáo dục học sinh ngày càng đòi hỏi cao, áp lực nhiều, nhưng không vì thế mà mình làm mất đi " hình tượng" đẹp trong mắt học trò. Hãy thật sự bình tĩnh, hết sức khôn khéo trong cách ứng xử với học trò dù trong mọi tình huống. Dung hòa được điều này tôi nghĩ sẽ không có chuyện "lùm xùm" xảy ra. Học trò bây giờ "không hiền" như trước đây. Song, nếu người giáo viên biết kiềm chế bản thân mình, biết thể hiện sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề và đặc biệt là đến với các em bằng tất cả tình thương yêu, chắc chắn sẽ không còn bận tâm đến những chuyện mà mọi người đang bận tâm.
ĐOÀN VĂN TỐ
Sức công phá
Sẽ phải thích nghi dần với hiện tượng này. Đuổi theo vụ việc chỉ là giải quyết cái ngọn, và sẽ đuối hơi. Cái chính là phải nhìn nhận rằng đạo đức học đường đang có diễn biến xấu, tạm coi như xuống cấp từ cả hai phía thầy và trò dù chỉ là một bộ phận nhỏ, nhưng sức công phá của nó rất gớm ghê. Cả xã hội, gia đình, nhà trường phải xúm tay vào chấn hưng giáo dục. Thầy phải ra thầy làm gương trước thì mới có trò ra trò. Làm sao người giáo viên là người thật sự thầy, chứ không chỉ là thợ dạy. Báo chí cũng bớt đưa những hiện tượng này một cách quá nóng, cũng không hay. Bạn trẻ bây giờ một số em sớm nhiễm thói háo danh, các cô cậu ấy sẵn sàng làm mấy việc lùm xùm để được đưa lên báo đấy. Thật là đáng lo ngại!
THU HƯƠNG



  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét