Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Thư tịch Trung Hoa thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam

Theo chính sử Trung Hoa, trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần, Hán đến sau Thế chiến thứ II, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng Biển Đông (Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa) với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

(Xem thêm bài: Thêm một bàn đồ cổ xác định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa)


Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại trong lịch sử đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Một tài liệu đáng tin cậy về chính sử Trung Hoa là cuốn "Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ” do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, học giả Hsieh Chiao-Min trong bài "Nghiên cứu về lịch sử và địa lý” nhận định về cuộc thám hiểm của Trung Hoa tại đại dương như sau: "Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”. Theo các tài liệu lịch sử chính thống "thảng hoặc triều đình Trung Hoa cũng gửi những đoàn thám hiểm đến Nhật Bản trong các thế kỷ thứ III và thứ II (TCN) và tại Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư và Phi Châu trong thế kỷ XV. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có, những vụ xâm nhập quy mô của Trung Hoa” suốt chiều dài lịch sử (từ đời nhà Tần thế kỷ thứ III TCN đến nhà Thanh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX).

Dưới đời nhà Minh, Minh Thành Tổ cử Đô đốc Thái Giám Trịnh Hòa chỉ huy những đoàn thám hiểm đến Ấn Độ Dương và Biển Ả Rập nhằm thiết lập bang giao với trên 30 quốc gia duyên hải, triển khai Con đường Tơ Lụa tại Ấn Độ, Phi Châu và Trung Đông. Những chuyến hải hành của phái bộ Trịnh Hòa không phải để chinh phục Biển Đông nơi có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế đoàn thuyền chỉ đi ngang qua Biển Đông nhằm khai phá Ấn Độ Dương. Trạm trú chân duy nhất của đoàn trong khu vực này là Đồ Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành bấy giờ. Sau khi Minh Thành Tổ mất, triều đình nhà Minh đã phê phán những cuộc hải trình nặng phần trình diễn của Trịnh Hòa đã góp phần làm suy yếu nền kinh tế quốc gia.
Sử gia Triệu Nhữ Quát đời nhà Tống trong cuốn Chư Phiên Chí đã xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 TCN, sau khi thôn tính Nam Việt "Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam). Trong thế kỷ thứ I TCN, Hán Nguyên Đế đã rút quân khỏi đảo Hải Nam. Mãi tới đời nhà Lương và nhà Tùy (cuối thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ VII) mới đặt lại quyền cai trị”. Triệu Nhữ Quát cũng cho biết vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Hoa không nên đến gần vì chỉ đi sai một tí là có thể chìm đắm. Nhan đề sách là Chư Phiên Chí, có nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, có nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên Biển Đông của Trung Hoa vào đời nhà Hán chỉ tới đảo Hải Nam.

Một trang trong cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán, một nhà sư Trung Quốc đời Khang Hy, thuật lại chuyến du hành tới xứ Đàng Trong, thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Đại Việt.
Đời nhà Đường có sách Đường Thư Nghệ Văn Chí đề cập tới cuốn Giao Châu Dị Vật Chí của Dương Phu chép những chuyện kỳ dị và những nơi kỳ dị tại Giao Châu (Việt Nam). Sách này chép, tại Thất Châu Dương (nhóm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa) là nơi có nhiều đá nam châm khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt đi qua không được. Điều này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu xưa (nay là Việt Nam). Trong đời Nam Tống, cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương”. Chư Phiên Đồ đời Tống cũng xác định giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương). Giao Chỉ Dương hay Biển Giao Chỉ là Vịnh Bắc Bộ ngày nay, trong khi Hoàng Sa và Trường Sa lại cách xa Vịnh Bắc Bộ hàng trăm dặm về phía nam. Như vậy, các thư tịch cổ Trung Hoa từ đời nhà Tống đã cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc mà thuộc về nước khác mà Trung Quốc gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ.
Vào đời nhà Nguyên, quân và dân Đại Việt đã 3 lần đánh tan quân Nguyên – Mông xâm lược và góp phần phá tan kế hoạch Đông Tiến (đánh Nhật Bản) của đoàn quân Mông Cổ nổi danh là bách chiến bách thắng từ đời Thành Cát Tư Hãn. Sau 3 phen thất bại, nhà Nguyên không còn dòm ngó Đại Việt cả trên lục địa đến các hải đảo. Trong suốt các thế kỷ XIII và XIV, theo chính sử Trung Hoa, quân Mông Cổ không hề có ý định xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong Dư Địa Đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng Dư Đồ của La Hồng Tiên thực hiện năm 1561 phần cực nam lãnh thổ Trung Hoa là đảo Hải Nam.
Đời nhà Minh, Thiên Hạ Thống Nhất Chi Đồ trong Đại Minh Nhất Thống Chí (1461), Hoàng Minh Đại Thống Nhất Tổng Đồ trong Hoàng Minh Chức Phương Địa Đồ (1635) đã vẽ phần cực nam Trung Hoa là đảo Hải Nam. Trong khi cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi gọi Biển Đông là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hoà Hạ Tây Dương, Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa (hay theo cách gọi của Trung Hoa là Tây Sa, Nam Sa, Tuyên Đức, Vĩnh Lạc) trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương (Tây Dương). Nhiều tài liệu chính sử nhà Minh cho biết, từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt. Lưu ý rằng từ năm 1427 Lê Lợi đã đánh thắng quân Minh để giành lại chủ quyền cho Đại Việt bị Minh Thành Tổ chiếm đoạt từ 20 năm trước (1407).

Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, đảo nhỏ ở phía dưới là Hải Nam, gần đó bên trái là Giao Chỉ, đảo lớn hơn bên phải là Đài Loan.
Đời nhà Thanh, từ thế kỷ thứ XVII đến XX, theo bản đồ Hoàng Thanh Nhất Thống Dư Địa Bản Đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 thì đến cuối thế kỷ XIX "lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Qua thế kỷ XX, sự kiện này còn được xác nhận trong cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư xuất bản năm 1906 với đoạn như sau: "Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”. Các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam kéo dài từ vĩ tuyến 20 (ngang Thanh Hoá) đến vĩ tuyến 18 (ngang Nghệ An – Hà Tĩnh). Trong khi quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía nam, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 15 (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi) và quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 8 (Cam Ranh – Cà Mau). Bản đồ Đại Thanh Đế Quốc do triều đình nhà Thanh ấn hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (cũng không thấy ghi theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa, Nam Sa, Vịnh Lạc, Tuyên Đức...). Hơn nữa, trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) chép: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Trong bộ sách địa lý Đại Thanh Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán nhà Thanh biên soạn năm 1842 với lời tựa của hoàng đế Thanh Tuyên Tông, không có chỗ nào ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa). Trong cuốn Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (1744), vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông được ghi bằng các danh xưng Việt Hải và Việt Dương. Trong vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp tàu chở đồng bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của Chính phủ Anh, Tổng đốc Lưỡng Quảng Trung Hoa đã phủ nhận trách nhiệm với lý do: "Hoàng Sa không liên hệ gì tới Trung Quốc”. Ngoài ra cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán một nhà sư thời Khang Hy đã đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn ngày 29 tháng giêng năm Ất Hợi (13-3-1695) thuật lại chuyến hải hành này và ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong việc chiếm hữu, kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII.
Các tài liệu cổ của Trung Hoa rõ ràng cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) đã được người Việt Nam phát hiện, sử dụng trong nhiều thế kỷ một cách hoà bình và liên tục không có sự phản đối của bất cứ quốc gia nào kể cả của Trung Quốc. Điều đó được minh chứng từ tư liệu chính sử của nhiều triều đại Trung Quốc trong đó đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt hơn 22 thế kỷ từ thời Tần, Hán cho đến đầu thế kỷ XX.
Theo http://www.dienmayquangduy.com/

Nhà báo Nga: Việt Nam có chủ quyền ở Biển Đông

Nhà báo nổi tiếng của Nga, Sergey Aphonin trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Mátxcơva ngày 23/6 cho biết ông hy vọng các bên tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ ký được một Thỏa thuận giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Theo nhà báo Aphonin, nếu nhìn trên bản đồ thế giới thì quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa rõ ràng có liên hệ với Việt Nam. Chủ quyền của Việt Nam đối với những hòn đảo này đã được chứng mình từ lâu bằng nhiều bằng chứng và tư liệu khác nhau. Những hòn đảo này tự nhiên đã được ghi vào thành phần của hai tỉnh tương ứng của Việt Nam.

Theo quan sát của nhà báo Nga, Việt Nam hiện vẫn tỏ ra bình tĩnh và kiềm chế trước các sự kiện vừa qua tại Biển Đông. Tuy nhiên, sức chịu đựng nào cũng có giới hạn của nó. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh Việt Nam luôn biết cách đứng vững. Nếu ai đó hy vọng vào sự yếu mềm của Việt Nam thì họ đã nhầm.

Trên thế giới, đối với nhiều thế hệ, Việt Nam từng là ngọn đuốc đấu tranh chống xâm lược, vì nền độc lập, tự do của đất nước, với sự ủng hộ của những người bạn chân chính và dư luận quốc tế. Không lẽ có ai đó đang muốn dập tắt ngọn đuốc ấy?

Từng là phóng viên thường trú của hãng thông tấn TASS và báo Sự thật Đoàn viên ở miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, sau đó nhiều lần đến thăm Việt Nam trong thời bình, ông Aphonin tỏ ra khâm phục nhân dân Việt Nam - một quốc gia đang có một vị trí xứng đáng trên diễn đàn khu vực và quốc tế - trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tại Liên hợp quốc và những tổ chức quốc tế khác.

Cuối cùng, nhà báo Nga khẳng định: “Việc sử dụng sức mạnh để giải quyết vấn đề lãnh thổ là hành động vô nghĩa! Cần giải quyết vấn đề một cách văn minh. Và điều quan trọng nhất là các bên cần tránh một cuộc xung đột quân sự. Điều này chỉ có lợi cho hoà bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á và toàn thế giới.”.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Thơ: TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN

TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN


Tác giả: Nguyễn Việt Chiến
Nghe ca khúc: Tổ Quốc nhìn từ biển



Gần đây, nhà cầm quyền Bắc Kinh cho tàu giám hải xâm phạm chủ quyền biển Đông của nước ta. Nhân dân Việt nam căm phẫn trước hành động ngang ngược "vừa ăn cướp, vừa la làng" của phía Trung Quốc... Biển Đông đang dậy sóng...



Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không.

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình goá phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thủa trước
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Giết Bin Laden có triệt tiêu luôn Al Qaeda?


Nguồn: Việt Nam Nét. vn 

Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng mạng lưới khủng bố Al Qaeda sẽ phải trải qua một thời gian hồi phục khó khăn sau cái chết của lãnh đạo là Osama bin Laden.

Tác động mạnh về tâm lý

Xét cho cùng, người kế nhiệm hiển nhiên của Bin Laden - Ayman al-Zawahri là một nhân vật tàn nhẫn, hay gây bất đồng, thiếu uy tín và sự thần bí mà Bin Laden vốn sử dụng để đoàn kết các phe phái trong mạng lưới Al Qaeda. Thiếu một nhân vật mang tính biểu tượng như Bin Laden để điều hành Al Qaeda, mạng lưới này sẽ bị chia rẽ và suy yếu, các quan chức tình báo nhận định.

Tuy nhiên, có một thứ mà Al Qaeda có thể chứng minh là tổ chức này làm được. Đó là thích ứng với nghịch cảnh. Các binh sĩ chân đất của mạng lưới này sẽ học được cách không dùng điện thoại di động để tránh bị Mỹ nghe trộm. Các chuyên gia kỹ thuật của Al Qaeda sẽ tạo ra những phần mềm mã hóa tinh vi khiến những chuyên gia phá mã của Mỹ phải bối rối. Và, một kẻ đánh bom liều chết chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ sẽ đánh bại hệ thống an ninh của ngành hàng không, vốn trị giá hàng tỷ USD, bằng chất nổ được giấu trong quần lót.

Cái chết của Bin Laden diễn ra 15 năm sau khi nhân vật này tuyên chiến với Mỹ và gần một thập niên sau vụ tấn công kinh hoàng nhất trên đất Mỹ. Tuy nhiên, mạng lưới Al Qaeda mà Bin Laden để lại hiện nay khác xa so với tổ chức đứng sau vụ tấn công Trung tâm Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc hồi 2001. Bin Laden bị trúng một phát đạn vào đầu khi quân Mỹ tiến hành vụ đột kích vào nơi ẩn náu của hắn ở Pakistan hôm 1/5.

Hiện nay, thành phần chủ chốt của Al Qaeda ở Pakistan vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thoát khỏi tầm truy sát của các máy bay không người lái Predator của Mỹ. Việc giao tiếp của mạng lưới này được tiến hành ở mức độ hạn chế. Khả năng lên kế hoạch, cung cấp tài chính và tiến hành các vụ tấn công của Al Qaeda cũng đã suy giảm mạnh. Các chi nhánh của mạng lưới khủng bố này đã nảy nòi ở Yemen, Iraq và Algeria, nơi bọn khủng bố hoạt động dưới danh nghĩa thánh chiến.

Liên quan tới việc này, cái chết của Bin Laden chỉ gây tác động mạnh về mặt tâm lý thay vì ảnh hưởng tới hoạt động của mạng lưới. Al-Zhawahri đã điều hành các hoạt động của Al Qaeda từ nhiều năm nay khi mà Bin Laden tách mình khỏi thế giới bên ngoài. Trong khu nhà Bin Laden ẩn náu không có điện thoại hay đường Internet và tên này sử dụng hệ thống đưa thư tầng tầng lớp lớp để chuyển tải thông điệp. Bin Laden chỉ là người đứng đầu về danh nghĩa vào thời điểm Mỹ tiêu diệt hắn, các chuyên gia chống khủng bố nói.

Làm những gì Bin Laden không thể

Hiện nay, mối đe dọa khủng bố lớn nhất đối với Mỹ là chi nhánh Al Qaeda tại Yemen thay vì bộ phận chủ chốt của mạng lưới khủng bố này ở Pakistan. Chi nhánh ở Yeman gần như đã hạ gục được một máy bay Mỹ vào Giáng sinh năm 2009 và kích nổ trên hai chuyến bay chở hàng của Mỹ vào mùa thu năm ngoái. Các chiến dịch này được tiến hành mà không có sự chỉ đạo trực tiếp của Bin Laden.

Lãnh đạo chi nhánh Al Qaeda ở Yemen cũng tìm cách làm được những gì Bin Laden không thể. Đó là sửa các thông điệp cho phù hợp với độc giả phương Tây và viết nó bằng tiếng Anh. Tạp chí "Inspire" của bọn khủng bố cũng hướng dẫn những tên đánh bom liều chết cách làm bom như thế nào. Tạp chí này dạy các tên khủng bố tập sự rằng họ không cần phải tới trại huấn luyện ở Pakistan hay Yemen, nơi sẽ bị điệp viên Mỹ chặn đường. Thay vào đó, tạp chí chỉ dẫn một kẻ khủng bố có thể chọn mục tiêu và tấn công mà không cần có bất cứ chỉ dẫn nào từ bộ phận chỉ huy chủ chốt của Al Qaeda.

Bin Laden chỉ là một biểu tượng không hơn, Qaribut Ustad Saeed - một thành viên lâu năm của nhóm khủng bố Hezb-e-Islami do Gulbuddin Hekmatyar, nhân vật bị Mỹ gọi là khủng bố từ nhiều năm nay, cho biết. Saeed hiện là một thành viên của Hội đồng hòa bình Afghanistan - vốn được lập nên để thương thuyết giải pháp hòa bình với Taliban. Sự ra đi của Bin Laden không gây tác động thực tế nhiều, nhân vật này nhận xét. Tuy nhiên, Al Qaeda đã trở thành một phong trào toàn cầu, lớn hơn nhiều so với trước kia.

Cho dù Mỹ có tìm và tiêu diệt được Al-Zawahri, thì nó cũng không có nghĩa là Al Qaeda sẽ rơi vào bước đường cùng. Giống như Hamas và Hezbollha, hai tổ chức mà lãnh đạo của nó cũng bị tiêu diệt, Al Qaeda có lẽ vẫn tiếp tục tồn tại, các chuyên gia về khủng bố nhận xét. Ví dụ, trong vòng vài giờ sau khi Bin Laden thiệt mạng, các thành viên của nhóm Haqqani, có liên quan với Al Qaeda, tại Pakistan đã cam kết rằng các sứ mệnh hàng ngày sẽ không thay đổi.
Hoài Linh (Theo AP)

Nứt đất tại cao nguyên Di Linh


Nứt đất tại cao nguyên Di Linh
Nguồn Tuổi tre.vn 

TT - Hiện tượng nứt đất ở cao nguyên Di Linh đã xảy ra suốt bảy ngày qua. Địa điểm xuất hiện vết nứt trên thuộc khu I, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Theo nhiều người dân tại đây, vết nứt nhỏ cắt ngang nhà và vườn cà phê, sau đó ngày một dài thêm và to ra. Hiện dải nứt kéo dài khoảng 200m, xuyên qua ít nhất 20 căn nhà, vườn cà phê và ngang qua đường Nguyễn Văn Trỗi của thị trấn Di Linh, với độ rộng bề mặt nhiều đoạn khoảng 5cm. Trong đó, một căn nhà đã bị nứt sập ngày 1-5 và đến chiều 2-5 thêm một căn nữa nứt rệu nghiêm trọng. Ngoài ra, một loạt căn nhà nằm trên chiều dài vệt nứt đều rơi vào tình trạng xê dịch hoặc nứt chân móng, tường, mặt nền ngoài sân lẫn trong nhà...

Đến cuối ngày 2-5, vẫn chưa có cơ quan nào ở Lâm Đồng đưa ra nhận định chính thức về hiện tượng trên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Canh - chủ tịch UBND huyện Di Linh - xác nhận: “Thật sự bà con ở khu vực đất nứt có dao động trước hiện tượng trên. Sau khi sơ bộ đánh giá hiện trạng, chúng tôi thấy chưa đến mức nguy hiểm phải di dời đồng loạt. Hôm nay 3-5, thường trực UBND sẽ họp và xin ý kiến xử lý”.

N.H.T. - D.Đ.ĐẠT - B.B.VÂN

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Tỉ lệ học sinh Tây nguyên bỏ học giảm


Tỉ lệ học sinh Tây nguyên bỏ học giảm
TT - Ngày 2-3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết trong ngày 4-3, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết việc phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng Tây nguyên giai đoạn 2006-2010.
Theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, trong năm năm triển khai nhiều giải pháp, giáo dục - đào tạo và dạy nghề ở Tây nguyên đã có những chuyển biến rõ rệt.
Tình trạng học sinh bỏ học, học sinh yếu kém, “ngồi nhầm lớp”, tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên đã được cải thiện. Từ 1,25% học sinh bỏ học trong năm học 2007-2008 đã giảm còn 0,7% vào năm học 2009-2010.
So với cả nước, Tây nguyên cũng là khu vực có tỉ lệ học sinh bỏ học giảm mạnh.
Sau năm năm, Bộ GD-ĐT cũng đã mở rộng mạng lưới trung tâm giáo dục thường xuyên ở 70 huyện, phối hợp với các địa phương mở gần 600 trung tâm học tập cộng đồng để triển khai nhiệm vụ chống tái mù chữ, duy trì kết quả phổ cập giáo dục và nâng cao dân trí.
Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng khẳng định tuy có chuyển biến nhưng Tây nguyên vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Hiện vẫn còn trên 100 xã chưa có trường mầm non. So với quy định về định mức biên chế tại thông tư 35, vẫn thiếu trên 4.700 giáo viên các cấp.
Chất lượng giáo dục có nâng lên nhưng chậm và không đồng đều, tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng không đáng kể. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.
VĨNH HÀ
Theo tuổi trẻ

Malaysia: Bắt giữ thầy giáo “quấy rối” 11 nữ sinh


Malaysia: Bắt giữ thầy giáo “quấy rối” 11 nữ sinh
(Dân trí) - 11 nữ sinh một trường trung học ở Ampang, bang Selangor, Malaysia vừa đệ đơn lên cảnh sát kiện một thầy giáo vì thầy đã quấy rối các em. Hiện nay thầy giáo này đã bị cảnh sát bắt giữ.
Trong đơn kiện, các em nữ sinh cho biết thầy giáo đã chạm vào ngực các em trong vụ việc xảy ra hôm thứ 6 tuần trước.
Hôm đó, 11 nữ sinh và 2 nam sinh đã bị giữ lại trong một phòng học để phạt vì các em đã vắng mặt trong một cuộc họp buổi sáng.
Sau khi các em bị phạt, thầy giáo đã lấy cớ kiểm tra nhịp tim của các em để chạm vào ngực các em nữ.
Các nữ sinh cho biết thêm là thầy giáo không chỉ chạm vào người các em một lần. Thậm chí thầy còn cho tay vào trong túi áo các em với lý do kiểm tra xem các em có mang điện thoại di động đến trường hay không.
Xuân Vũ
Theo THE STAR/ANN
Theo dân trí.

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

LẠI VỤ NỮ SINH BỊ ĐÁNH HỘI ĐỒNG


Nữ sinh bị đánh hội đồng giữa trời lạnh giá
(Dân trí) - Một đoạn clip có độ dài hơn 9 phút ghi lại một nữ sinh bị nhiều nữ sinh khác giật tóc, liên tục dùng chân đạp vào đầu và mặt vừa được đăng tải lên trang chia sẻ video Youtube.
Trong clip, nữ sinh bị đánh mặc quần bò, áo đông màu trắng, bị đánh đập ngay ven đường. Sau trận đòn, 4 nữ sinh bắt người bị đánh quỳ xuống xin lỗi. Lúc đầu, nữ sinh bị đánh không xin lỗi nhưng sau một hồi bị đánh đạp dã man, nữ sinh này vừa khóc vừa ôm mặt quỳ.
Mặc dù đã cất lời xin lỗi nhưng nữ sinh này vẫn tiếp tục bị đòn vào chân và tay như nắm tóc kéo lê trên đất, đạp chân vào mặt… Thấy sự việc trở nên nghiêm trọng, một giọng nam đã lên tiếng can ngăn nhưng bị một nữ sinh lớn tiếng “Tao đánh cả mày bây giờ”. Sau khi bị “hạ gục” bên vệ đường, nữ sinh này tiếp tục bị đánh cùng những lời văng tục và nhục mạ.
Khi thấy nữ sinh này nằm bên vệ đường, một số người đi đường đã lên tiếng nhưng ngay lập tức được trấn an: “Chú ơi, không sao đâu”. Điều đáng nói ở clip này là ngoài việc tham gia đánh bạn các nữ sinh còn cười cợt, tạo dáng trước máy quay.
 
Clip nữ sinh bị đánh hội đồng giữa trời lạnh giá trên trang chia sẻ video Youtube:
 
 
Theo Dân Việt thì nữ sinh bị đánh tên là Thư, học sinh khối 10, Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Vụ đánh nhau này xảy ra vào chiều hôm 12/1/2011.
Tuy nhiên trao đổi qua điện thoại với Dân trí sáng nay 17/1, ông Lương Đình Hợi - hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc khá bất ngờ trước thông tin cho rằng nữ sinh trong clip là học sinh của trường. Ông Lương Đình Hợi cho biết trong khối 10 của trường không có học sinh nào tên là Thư.
Nguyễn Hùng

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Giáo dục dưới mắt mọi người

Theo Tuổi trẻ

Ôi thi đua!

TT - 1. Một cuộc cãi vã quyết liệt đã xảy ra giữa giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn của một trường đến mức sau đó họ “không thèm nhìn mặt nhau”. Lý do là một người bị cắt thi đua vì không bảo đảm chỉ tiêu duy trì sĩ số HS lớp mình chủ nhiệm. 

Giáo viên này cho rằng sở dĩ HS mình bỏ học là do vị giáo viên bộ môn kia đòi hỏi quá cao đối với HS trong quá trình giảng dạy, rằng không biết giúp đỡ đồng nghiệp...

Vị giáo viên bộ môn lại giải thích mình đã làm đúng chức trách, HS không chịu học đành phải chịu và không chịu trách nhiệm về chuyện HS bỏ học. Nếu không có đòi hỏi cao, bộ môn sẽ không đạt chỉ tiêu, bản thân cũng bị cắt thi đua.

2. Để bảo đảm tỉ lệ duy trì sĩ số của lớp theo chỉ tiêu đã được khoán, một giáo viên chủ nhiệm đã đi năn nỉ, thỏa thuận với các giáo viên bộ môn ưu ái cho một HS cá biệt của lớp mình bằng cách dành riêng cho em này một bàn ở cuối lớp để... nằm ngủ trong giờ học, đừng đụng chạm tới, nếu không em sẽ bỏ học. Chỉ cần em bỏ học thì vị giáo viên chủ nhiệm này sẽ bị cắt thi đua vì không bảo đảm chỉ tiêu duy trì sĩ số.

3. Để đạt chỉ tiêu về tỉ lệ HS lớp 9 bảo đảm tiêu chuẩn trường “tiên tiến”, hiệu trưởng đã yêu cầu giáo viên phải “tạo điều kiện” cho 100% HS được tốt nghiệp. Kết quả như mong muốn nhưng sau đó chỉ có không đến 70% số HS này trúng tuyển vào lớp 10 và tai hại hơn cho chính ngôi trường này là HS lớp 9 ở năm học sau rất mê chơi, lười học, HS kháo nhau: vô tư đi, đừng lo không tốt nghiệp, có hiệu trưởng lo rồi (!).

Có những tập thể hoặc cá nhân trong ngành giáo dục đạt các danh hiệu thi đua thật sự là những nhân tố tích cực, tiên phong gương mẫu ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp là "con bệnh thành tích”, mục đích việc thi đua của họ là danh hiệu và quyết đạt cho được danh hiệu bằng mọi giá.

Thực tế phong trào thi đua trong các trường có khuynh hướng càng nhiều cá nhân hoặc tập thể đạt các danh hiệu càng tốt. Có những trường 80-90% cá nhân đạt danh hiệu lao động tiên tiến và hàng chục chiến sĩ thi đua, 60-70% các tập thể đạt danh hiệu tổ tiên tiến, xuất sắc...nhưng hiệu quả đào tạo của đơn vị vẫn không hề có sự chuyển biến tích cực nào.

LÊ MINH HOÀNG (Tiền Giang)

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Dạy kỹ năng giao tiếp cho học sinh nghề

Theo Tuổi trẻ.

TT - Ngày 10-1 tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về chương trình dạy kỹ năng giao tiếp và khởi tạo doanh nghiệp cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp. 

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT: "Dự kiến năm học 2011-2012 Bộ GD-ĐT sẽ đưa ba học phần mới vào chương trình đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp: kỹ năng giao tiếp (cung cấp những kiến thức cơ bản về giao tiếp, những rào cản trong giao tiếp, kỹ năng phát biểu trước đám đông, kỹ năng ứng xử với đồng nghiệp, kỹ năng phỏng vấn xin việc...), khởi tạo doanh nghiệp (xây dựng kế hoạch phát triển bản thân, xây dựng kế hoạch kinh doanh...) và sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả (trong nghề nghiệp và cuộc sống). 

Mỗi học phần gồm 30 tiết và bước đầu sẽ đưa vào dạng học phần tự chọn (học viên được chọn một trong ba)".

Ý kiến của THCSQO:
Một nhiệm vụ Bất khả thi vì: 
1. Bản thân nhà giáo  cũng phải học "kỹ năng giao tiếp", "kỹ năng sống";
2. Đồng lương "suy dinh dưỡng"
Một khi nhà giáo chưa được trong bị tốt "kỹ năng giao tiếp", "kỹ năng sống"thì cũng giống như Anh cụt tay tham gia đội tuyển đánh bóng chuyền (Xin lỗi các bạn khuyết tật)- chỉ muốn dùng hình ảnh ví von thôi.


ĐIỂM NÓNG GIÁO DỤC LÂM ĐỒNG


Xử lý nghiêm người xúi giục học sinh nghỉ học 
10/01/2011 22:58 
Ngày 10.1, ông Phùng Ngọc Hạp - Phó chủ tịch UBND TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra ai là người chủ mưu kích động hơn 150 HS trường THCS ĐamB’ri (xã ĐamB’ri, Bảo Lộc) nghỉ học vào ngày 6.1.
Theo ông Hạp, sự việc xảy ra sau khi có quyết định bổ nhiệm ông Võ Văn Q. về làm Phó hiệu trưởng trường THCS ĐamB’ri, nhưng một số giáo viên ở trường này không đồng tình nên kích động HS nghỉ học khi ông Q. đến nhận nhiệm vụ.
Ông Q. trước đó từng làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (Bảo Lộc) nhưng có sai phạm trong công tác quản lý, thu chi tài chính và bị xử lý kỷ luật cảnh cáo. Ông Phùng Ngọc Hạp khẳng định, khi có kết quả, dứt khoát sẽ xử lý nghiêm người vi phạm, không thể chấp nhận việc lợi dụng HS để làm chuyện của người lớn.       
Gia Bình
Theo báo Thanh niên

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Quan tâm nhiều hơn đến giáo dục


Thứ hai, 10/01/2011 | 00:46GMT+7
email  in  comment
Quan tâm nhiều hơn đến giáo dục (Theo báo Người lao động)

Những ngày đầu năm mới 2011, trong không khí mừng Xuân và mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ngành giáo dục đã đón nhận nhiều tin vui từ các địa phương trong cả nước

HĐND TP Hà Nội vừa phê duyệt định mức ngân sách năm 2011 cho các bậc học cao hơn so với năm trước. Cụ thể, với giáo dục mầm non, mức cũ là 2 triệu đồng/học sinh (HS)/năm, nay tăng lên mức 3,4 triệu đồng/HS/năm.
 
Tăng định mức ngân sách
 
Tại cuộc giao ban với các ban, ngành và quận, huyện mới đây về chuyên đề GD-ĐT, UBND TP Hà Nội cho biết đã giao cho Sở Nội vụ bàn bạc với Sở GD-ĐT khẩn trương giải quyết cho giáo dục mầm non được tuyển 5.000 biên chế phục vụ kế hoạch phổ cập mầm non 5 tuổi.
 
 
TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Trong ảnh: Các bé tại Trường Mẫu giáo dân lập Nhà Thiếu nhi TP. Ảnh: TẤN THẠNH


26.000 giáo viên hợp đồng cũng sẽ được hưởng chế độ mọi mặt như giáo viên biên chế. Tiếp đó là quyết định phê duyệt phương án chuyển khoảng  500 trường mầm non bán công sang trường công lập tự chủ.
 
UBND TP Hà Nội cho biết tỉ lệ đầu tư từ ngân sách TP cho giáo dục trong 2 năm qua đã đạt 25% tổng ngân sách. Có nhiều quận, huyện đầu tư cao hơn mức này, như: quận Hoàn  Kiếm 40%, quận Cầu Giấy 37%.
Đối với bậc tiểu học, định mức ngân sách cũ là 1,35 triệu đồng/HS/năm tăng lên mức 3 triệu đồng/HS/năm. Mức cũ của cấp THCS  là 1,75 triệu đồng/HS/năm sẽ tăng lên 3,7 triệu đồng/HS/năm.
 
Đối với cấp THPT, mức cũ là 1,88 triệu đồng/HS/năm, nay sẽ là 4 triệu đồng/HS/năm. Riêng đối với khối trường chuyên có định mức khá cao: Định mức đối với Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là 15 triệu đồng/HS/năm; các trường chuyên khác là 10 triệu đồng/HS/năm; giáo dục thường xuyên là 1,8 triệu đồng/HS/năm.
 
100% trẻ mầm non học 2 buổi/ngày
 
UBND TPHCM vừa kết luận về đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi với quyết tâm cao đứng vào hàng đầu cả nước. Mục tiêu đến năm 2013, tỉ lệ trẻ em 5 tuổi sẽ được tới trường mầm non học 2 buổi/ngày đạt 100%. Đề án được triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2011.
 
Miễn, giảm học phí cho con hộ nghèo
UBND TPHCM sẽ miễn, giảm học phí, tiền cơ sở vật chất, hỗ trợ chi phí học tập cho HS là con của các hộ nghèo giai đoạn 2010-2015. Theo đó,  con của hộ nghèo có mức thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/người/năm trở xuống được miễn học phí, tiền cơ sở vật chất và hỗ trợ chi phí học tập (70.000 đồng/tháng); trường hợp hộ nghèo có con thứ 3 trở lên đi học thì chỉ được giảm 50% học phí, tiền cơ sở vật chất và chi phí học tập theo quy định. Con của hộ nghèo có mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng/người/năm được giảm 50% học phí, tiền cơ sở vật chất; trường hợp có con thứ 3 trở lên đi học sẽ không giảm học phí, tiền cơ sở vật chất. UBND TP chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH, Sở GD-ĐT, Sở Tài chính và Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh nghèo theo đúng quy định, bắt đầu từ năm học 2010-2011. 
L.Sơn
Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, UBND TPHCM cũng yêu cầu việc đào tạo giáo viên mầm non phải đủ về số lượng và đạt chuẩn chất lượng; hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; tạo điều kiện cho các giáo viên chưa có hộ khẩu...
 
TP cũng vừa triển khai xây dựng trường chất lượng cao theo mô hình của Trường Singapore Polytechnic (Singapore) tại 4 trường: CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn và Trung cấp Kỹ thuật Kinh tế Nguyễn Hữu Cảnh.
 
Nhiều trường bán công thành công lập
 
Tại tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đã quyết định chuyển 369 trường bán công sang hệ công lập, trong đó có 296 trường bán công sẽ chuyển thành loại hình công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động; xây dựng 16 trường công lập trọng điểm và 20 trường thành trường công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ kinh phí hoạt động.
 
UBND TP Đà Nẵng cho hay năm 2011, TP sẽ xây dựng thêm 10 trường học mới.  Tỉnh Phú Yên sẽ đầu tư 670 tỉ đồng để xây dựng 3 ký túc xá sinh viên cho các trường trên địa bàn tỉnh, gồm: ĐH Phú Yên, CĐ Công nghiệp Tuy Hòa và Trường Công nghiệp Xây dựng số 3. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa quyết định hỗ trợ 2,2 tỉ đồng cho học sinh nghèo 7 huyện miền núi của tỉnh đi học nghề khuyến nông.
 
Ở khu vực ĐBSCL, Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết chương trình vận động mỗi sở, ban, ngành, doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh đỡ đầu một trường học đã khởi động và nhận được đồng thuận cao. Bước đầu, hơn 200 trường học đã nhận được sự cam kết hỗ trợ vật chất và tinh thần.
Trần Hữu Trù






ĐIỂM NÓNG CỦA GIÁO DỤC LÂM ĐỒNG


Học sinh nghỉ học để phản đối thầy
Sáng 7-1, tin từ Phòng Giáo dục TP Bảo Lộc - Lâm Đồng cho biết nhiều học sinh Trường THCS Đam Bri bỏ học hôm 6-1 để phản đối thầy vẫn chưa đi học dù chính quyền và ngành giáo dục đã xuống tận trường để giải thích, vận động.

Trước đó, sáng 6-1, nhiều học sinh Trường THCS Đam Bri (xã Đam Bri -TP Bảo Lộc) đã nghỉ học để phản đối việc bố trí phó hiệu trưởng mới cho nhà trường. Số liệu nhà trường thống kê cho thấyđến 9 giờ sáng, chỉ có 55 em trong tổng số 209 học sinh toàn trường ở lại lớp học.
Ông Kim Tiến Phả - bảo vệ nhà trường, kể lại: “Học sinh đến trường ít hơn mọi ngày. Khi đánh trống vào học thì nhiều em không chịu vào lớp mà đồng loạt bỏ về. Dù cổng trường đã đóng nhưng nhiều em vẫn vác xe đạp và leo rào về”.
Phụ huynh học sinh đến trường để tìm hiểu vụ việc.
Ông Phạm Văn Sinh – Hội phó Hội phụ huynh học sinh nhà trường, cho biết: “Từ khi biết ông Quảng được điều về Trường THCS Đam Bri để làm hiệu phó, nhiều phụ huynh đã không đồng ý. Mấy năm gần đây, Trường THCS Đam Bri đang ngày phát triển nên chúng tôi lo lắng khi đưa một người thầy không đủ điều kiện về làm hiệu phó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Hội phụ huynh nhà trường đã họp và có văn bản gởi Thành ủy, Phòng Giáo dục Bảo Lộc phản đối việc bố trí này nhưng khi chưa có ý kiến trả lời của cấp có thẩm quyền thì học sinh đã phản ứng bằng cách tự bỏ học”.
Ông Võ Văn Quảng trước đây từng làm Hiệu trưởng Trường cấp I, II Lý Tự Trọng (xã Đam Bri), sau đó được thuyên chuyển làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (TP Bảo Lộc). Do một số sai phạm trong quản lý và có khuyết điểm trong việc thanh quyết toán tiền làm thêm giờ của giáo viên nên ông đã bị kỷ luật về Đảng và có quyết định bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng Trường THCS Đam Bri từ ngày 15-12-2010.
Khi quyết định này được gởi về trường, cả ban giám hiệu và tập thể giáo viên nhà trường phản đối. Lý do được nhà trường đưa ra là do quy trình bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ đã bị kỷ luật là chưa đúng và ông Quảng không được sự tín nhiệm của tập thể nhà trường, phụ huynh và cả học sinh.

Khi thấy con mình bỏ học về nhà, nhiều phụ huynh đã tìm đến trường để tìm hiểu nguyên do. Chị Đặng Thị Cẩm Hà – phụ huynh của một học sinh lớp 7A1, bày tỏ lo lắng: “Khi hỏi con vì sao nghỉ học thì nó bảo hôm nay thầy Quảng về trường nên tụi con không đi học nữa. Tôi không biết thầy mới về trường như thế nào nhưng nếu các em học sinh không đồng tình và tình trạng này cứ tiếp diễn thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc học của các em.”
Chiều cùng ngày, UBNDTP và Phòng Giáo dục Bảo Lộc đã làm việc với Ban Giám hiệucùng tập thể giáo viên nhà trường. Theo UBND TP Bảo Lộc, việc bổ nhiệm ông Quảng về làm phó hiệu trưởng Trường THCS Đam Bri đã được UBND TP cân nhắc nhiều lần mới ra quyết định.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND và phòng giáo dục cho biết việc nhà trường để cho học sinh nghỉ học như vậy là không được. Trước những phản ứng của tập thể giáo viên và học sinh, UBND TP Bảo Lộc sẽ xem xét, tìm hướng giải quyết tốt nhất để học sinh yên tâm đến trường.
Theo Đông Anh (NLĐ)

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

10 vấn đề giáo dục nổi bật 2010


(Dân trí) - Năm 2010 là một năm đáng nhớ của ngành giáo dục với nhiều sự kiện trọng đại gây tiếng vang lớn trên thế giới; nhiều chương trình, đề án được Chính phủ phê duyệt nhằm tập trung nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng quốc tế hóa...
Dân trí xin điểm lại 10 vấn đề giáo dục nổi bật trong năm 2010.
1. Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020
 
Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng nhằm đưa Việt Nam lên hàng thứ 40 thế giới về Toán học.

Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 có đủ đội ngũ giảng viên Toán có trình độ ở các trường đại học, cao đẳng, trong đó trên 70% giảng viên ở các trường đại học lớn có bằng tiến sĩ. Bên cạnh đó, xây dựng Viện Toán học và 1-2 khoa Toán ở các trường đại học lớn trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo Toán của khu vực.

Trong 7 nội dung và giải pháp thực hiện chương trình trọng điểm được đưa ra, trong đó, giải pháp đầu tiên là xây dựng "Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán". Đây sẽ là một cơ sở hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo đỉnh cao về Toán học cho các giảng viên đại học, các nhà toán học, các tân tiến sĩ, các nghiên cứu sinh đến thực hiện các ý tưởng, các đề tài nghiên cứu toán học xuất sắc, có ý nghĩa khoa học và ứng dụng cao.

Bên cạnh đó, hoàn thiện lại hệ thống các lớp chuyên Toán theo chủ trương mới của Bộ GD-ĐT, thi học sinh giỏi, cấp học bổng, ưu tiên tuyển chọn vào đại học, đào tạo giáo viên. Khuyến khích giảng viên Toán ở các trường đại học đẩy mạnh công tác nghiên cứu.
 
Đội tuyển thi Olympic Toán quốc tế IMO 2010.
 
2. Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV
Ngày 29/9, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cho biết, 14 năm xây dựng và phát triển, 14 năm phấn đấu không mệt mỏi với tâm huyết và ý thức trách nhiệm cao, Hội đã thực sự trở thành một tổ chức xã hội đặc thù, một tổ chức quần chúng sâu rộng có mặt tại 100% tỉnh, thành, huyện, thị, xã, phường và nhanh chóng lan tỏa xuống tận thôn, làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang... với hơn 200.000 chi hội và hàng nghìn cụm dân cư khuyến học. Tổng số hội viên hiện lên tới hơn 7,5 triệu người; 3,5 triệu gia đình được công nhận là “gia đình hiếu học, khoảng 4 vạn dòng họ được công nhận là “dòng họ hiếu học” và hàng vạn cụm dân cư khuyến học được xây dựng.
Đặc biệt, Hội đã phối hợp với ngành giáo dục xây dựng được hơn 9.600 Trung tâm Học tập cộng đồng, chiếm hơn 90% tổng số xã, phường trong cả nước - một thiết chế giáo dục cộng đồng, cơ sở học tập thường xuyên ngoài xã hội cho người lớn.
Đặc biệt trong năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Hội Khuyến học Việt Nam trở thành Hội đặc thù, có biên chế hoạt động riêng.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Hội Khuyến học Việt Nam tại Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV. 
3. Lần đầu tiên Việt Nam đoạt giải thưởng toán học Fields
Ngày 19/8/2010, tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ, huy chương Fields - giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học - đã được trao cho GS Ngô Bảo Châu. Trong lịch sử hơn 70 năm của giải thưởng Fields, đây là lần đầu tiên một người có quốc tịch Việt Nam đoạt giải thưởng này. GS Ngô Bảo Châu đã dành toàn bộ phần thưởng bằng tiền của giải thưởng Fields cho Quỹ Khuyến học “Vì tinh thần hiếu học” - Quỹ được xây dựng theo sáng kiến của GS Ngô Bảo Châu.
 
Bà Pratibha Patil - Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới cho GS Ngô Bảo Châu.
 
GS Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, khẳng định: “Giải thưởng Fields mà GS Ngô Bảo Châu đạt được không chỉ có ý nghĩa ở Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn trong khu vực và thế giới. Việt Nam là một đất nước nghèo, không có truyền thống về khoa học, về Toán lại được giải thưởng Fields. Nó đã chứng minh, nếu có cách làm đúng thì những người từ vùng lạc hậu như đất nước chúng ta cũng có thể đạt được đỉnh cao trong khoa học. Đó là ý nghĩa sâu sắc đối với quốc tế”. 
 
4. Năm 2011, bắt đầu thực hiện thí điểm dạy học môn Toán, Tin bằng tiếng Anh
Theo kế hoạch triển khai đề án dạy học ngoại ngữ ở bậc trung học do Bộ GD-ĐT công bố tháng 12/2010, sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm dạy học bằng tiếng Anh trong năm học 2011- 2012 để đến năm 2020 mở rộng quy mô các trường thực hiện dạy học ngoại ngữ theo chương trình của Bộ GD-ĐT.
Chương trình này sẽ liên thông giữa các bậc học, tiến tới triển khai dạy bằng tiếng Anh với một số môn khoa học ở các trường THPT chuyên (Toán, Vật lý, Tin học...).
Việc từ năm 2011, học sinh trường chuyên học môn Toán, Tin bằng tiếng Anh đã thu hút nhiều ý kiến của các giáo viên, học sinh và người dân. Nhiều ý kiến chung quan điểm rằng việc dạy và học ngoại ngữ trong trường học, trong đó có cả các trường chuyên hiện còn yếu. Đồng thời, chính các giáo viên Toán, Tin cũng khó đáp ứng được yêu cầu dạy bộ môn này bằng tiếng Anh. Vì vậy, đa số ý kiến cho rằng khó có thể triển khai việc dạy và học toán, tin bằng tiếng Anh trong năm học 2011 - 2012.
5. Thủ tướng phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015.
Mục tiêu chung của Đề án là bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ 1 năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm sinh lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng trẻ em vào lớp 1.
Cụ thể, sẽ củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp bảo đảm đến năm 2015 có 95% số trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non 5 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, phấn đấu đến năm 2015 có 100% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học Chương trình giáo dục mầm non mới, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp 1.
Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mầm non 5 tuổi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các huyện nghèo làm mô hình mẫu và là nơi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ giáo dục. Đưa số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ 55% năm 2010 lên 85% năm 2012 và 100% vào năm 2015…
 
Các cháu Trường mầm non 1/6 (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhận quà tặng của bạn đọc báo Dân trí.
 
6. Đà Nẵng nói “không” với sinh viên tại chức
 
Tại kỳ họp thứ 17 hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VII diễn ra từ ngày 1-3/12/2010, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng có tờ trình về kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp. Theo đó, từ năm 2011, TP Đà Nẵng sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước của TP. Công bố này của Đà Nẵng thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân cũng như tạo nhiều diễn đàn tranh luận của các chuyên gia giáo dục. Các ý kiến xung quanh quyết định này của Đà Nẵng có thể chia làm 2 nhóm chính: nhóm một ủng hộ và hoan nghênh quyết định dũng cảm của Đà Nẵng; nhóm thứ hai cho rằng đây là sự kỳ thị với các sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức, điều quan trọng là năng lực của người học chứ không phải ở tấm bằng. Nhìn chung các ý kiến đều thống nhất rằng cần có kỳ thi sát hạch năng lực nghiêm túc để chọn ra những người có năng lực khi tuyển dụng nhân sự.
 
7. Đề án 2.300 tỷ đồng phát triển trường chuyên
Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 với tổng số kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng vừa được Bộ GD-ĐT khởi động thực hiện. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo bày tỏ băn khoăn về đề án này, cho rằng đây là sự đầu tư chưa công bằng: số lượng trường chuyên chiếm con số rất ít trong hệ thống các trường THPT, trong khi đó nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa hiện nay rất khó khăn.
8. Nan giải việc di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành
 
Trong cuộc họp bàn về xây hệ thống trường ĐH, CĐ vào đầu tháng 12/2010, đa số hiệu trưởng các trường tán đồng việc cần thiết di dời các trường ra ngoại thành để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm tải cho giao thông thành phố. Tuy vậy, để thực hiện việc này thì còn nhiều vướng mắc, trong đó có những khó khăn về kinh phí, thủ tục xây dựng... Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết việc di dời các trường ra ngoại thành là không thể không làm vì quyết định di dời các trường ra ngoại thành không phải vì quá tải cơ sở hạ tầng ở thành phố mà là sự sống còn của ngành giáo dục. Lý do là một trong các tiêu chí nâng chất lượng đào tạo là diện tích/sinh viên, trong khi đó nhiều trường có diện tích khiêm tốn.
 
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thuộc diện di dời ra ngoại thành.
 
9. Vấn nạn học sinh quay/ghi âm về thầy cô và tung lên mạng Internet
Trong năm 2010 trên mạng Internet xuất hiện nhiều clip audio và video không hay về thầy cô do học sinh ghi âm và quay. Nổi bật như vụ ngày 25/9/2010, nhóm học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Trần Phú (TP Hải Phòng) đã thu âm lén những lời lẽ xỉ vả của cô giáo dạy tiếng Anh với một học sinh trong lớp rồi phát tán lên mạng. Đầu tháng 12/2010, học sinh cũng quay clip một giáo viên thỉnh giảng bộ môn tin họccủa Trường THPT Hàng Hải, Hải Phòng chửi mắng học trò và tung lên mạng.
Sau khi các clip này xuất hiện, các giáo viên có hành vi không đẹp với học trò đã bị nhà trường kỷ luật. Tuy vậy, dư luận đặt ra câu hỏi liệu học sinh có được phép/nên hay không quay clip về thầy cô trong giờ học.
Sau khi các vụ việc trên xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế những vụ việc đáng tiếc tương tự, các trường cần nghiêm khắc thực hiện điều lệ trường phổ thông, trong đó có việc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại, máy ghi âm, ghi hình trong giờ học và trong các hoạt động giáo dục tại trường.
 
10. Khánh thành trường chuyên hiện đại nhất Việt Nam chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Sáng 4/9/2010, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tổ chức lễ khai giảng tại ngôi trường hiện đại nhất Hà Nội và cũng là trường chuyên hiện đại nhất của cả nước ngang tầm khu vực và quốc tế với diện tích gần 5 ha, tọa lạc tại khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Được khởi công từ tháng 1/2009, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có tổng mức đầu tư 429 tỉ đồng. Cơ sở vật chất của nhà trường ấn tượng với những nhà thi đấu quy mô lớn, bể bơi nước nóng sử dụng vào mùa đông, khán phòng lớn 700 chỗ, khu vực căng tin rộng rãi, hệ thống bãi đỗ xe và các sân thể thao tiêu chuẩn…
Đây là ngôi trường Hà Nội chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Học sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam trong lễ khai giảng tại ngôi trường mới. 
Nhóm PV