Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Học trò đánh giá xác thực nhất

Đăng lại từ báo Tuổi Trẻ.

TTO - Là người trong cuộc, tôi hiểu rõ sự khổ sở của người dạy “biểu diễn”. Hằng năm, vào đầu năm học, mỗi tổ chuyên môn thường được ấn định phải có bao nhiêu giáo viên đăng ký thi đua cấp cơ sở, cấp thành, cấp tỉnh, đồng thời gắn liền với tỉ lệ bao nhiêu giáo viên phải được thanh tra chuyên môn, thanh tra toàn diện.

Học sinh dự thi môn nông nghiệp phân loại phân bón bằng phương pháp hóa học - Ảnh tư liệu

Những giáo viên nào được nằm trong diện thanh tra hoặc đăng ký danh hiệu thi đua đều phải có hai tiết dạy “biểu diễn”.

Nói dạy “biểu diễn” quả thật không sai. Những tiết dạy chỉ nằm gói gọn trong thời lượng 45 phút nhưng giáo viên đứng lớp phải hoàn thành những yêu cầu cơ bản của một giờ dạy học. Phải có đầy đủ các thành phần của giờ học, từ khâu kiểm tra bài cũ, truyền đạt bài mới, phát huy tính chủ động của học sinh bằng cách làm việc theo nhóm, phát huy vai trò hỗ trợ của công nghệ thông tin bằng cách sử dụng các thiết bị máy móc…

Để chuẩn bị một tiết dạy thành công, thời gian bỏ ra của người giáo viên trước đó có khi phải hàng tuần.

Đến tiết mục lên lớp, cả người dạy lẫn người học luôn rơi vào tình trạng căng thẳng của sự đối phó. Đứng trên bục giảng nhìn xuống, ánh mắt của người dạy nhìn vào học trò mình khích lệ bao nhiêu thì khi chạm phải cái nhìn dự giờ của đồng nghiệp lại vướng vào sự lấn cấn khó chịu bấy nhiêu.

Lúc đó, tâm thế của một người đứng lớp không còn chuyên chú cho sự truyền đạt kiến thức đến với học sinh nữa mà rơi vào sự lo lắng không biết có bị đồng nghiệp “bắt lỗi” hay không, nhất là trong những môn học rất cần đến cảm xúc như môn văn và một số môn xã hội khác.

Ngay cả học sinh cũng vậy, nếu những giờ học bình thường các em sôi nổi bao nhiêu thì giờ có người dự, các em lại trở nên lúng túng dè dặt bấy nhiêu. Dù các em đã nỗ lực hợp tác với thầy cô giáo đến đâu thì cảm giác sợ sai trước người lạ cũng khiến các em chùn tay khi muốn phát biểu.

Đã rất nhiều lần, sau mỗi giờ thao giảng, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của trò khiến mình muốn rớt nước mắt: “Cô ơi, tụi em học vậy được chưa cô?”. Các em cũng biết dù các em yêu quý cô của chúng bao nhiêu thì sự đánh giá của những người dự trong vỏn vẹn hai tiết học kia cũng uy lực hơn cả.

Có lần trong khuôn khổ trao đổi hợp tác với một trường phổ thông của Pháp, có một số giáo viên người Pháp đã dạy ở trường chúng tôi. Lần đó, theo yêu cầu, cô giáo dạy ngôn ngữ đã dạy cho chúng tôi dự giờ một tiết.

Dù đồng ý nhưng sau đó cô ấy đã rất ngạc nhiên bởi ở xứ cô chưa bao giờ cô phải làm việc đó. Hỏi cảm giác thế nào thì chỉ nhận được nụ cười đáp trả và cái nhún vai khó hiểu. Ở xứ họ, người khác tham gia vào lớp học là một sự xúc phạm người dạy.

Vai trò của người dạy không chỉ được thể hiện và khẳng định trong một vài tiết dạy học. Để tạo được niềm tin cho học trò, người thầy/cô giáo đôi khi phải đi một quãng dài với từng thế hệ học trò mà mình đưa qua sông. Không ai khác, chính họ là người chịu trách nhiệm cuối cùng với kết quả giảng dạy của mình.

Và cũng chính học trò mới là người đánh giá thầy/cô dạy của mình một cách xác thực nhất.

ĐÔNG HÀ (GV Trường Quốc Học - Huế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét