Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Thầy không ra thầy, trò không ra trò, ai trách ai?


Diễn đàn:

Thầy không ra thầy, trò không ra trò, ai trách ai?

TTO - Hơn 100 email bạn đọc tiếp tục “đổ” về Tuổi Trẻ Online xoay quanh câu chuyện học sinh tung lên mạng đoạn ghi âm cô giáo dùng lời lẽ không phù hợp mắng nhiếc học trò.

Bên cạnh những ý kiến lên án việc học sinh ghi âm cô giáo là việc làm không thể chấp nhận được, không chấp nhận việc ghi âm trong môi trường giáo dục, TTO còn nhận được nhiều ý kiến trái chiều khác. Những ý kiến nhiều chiều gặp nhau ở một điểm chung: đây là một câu chuyện đáng buồn của tình thầy trò, và đằng sau nó là một sự báo động về đạo đức học đường.

TTO tiếp tục trích đăng các ý kiến:

Nếu thầy trò đối xử bằng sự yêu thương

Chuyện vô lễ với thầy cô chỉ là hiện tượng quá cá biệt của 1 vài học sinh. Và nếu thầy cô dùng tình thương yêu thật sự của 1 người cha, người mẹ để trò chuyện tình cảm với những em cá biệt này thì chắc chắn sẽ cảm hóa được các em.

Tôi hiện cũng đang là 1 giáo viên, có con gái đang học lớp 11- độ tuổi mà một số người lớn chúng ta xem là "khó trị, hư hỏng, mất dạy..." . Tôi xin kể các bạn nghe về con gái tôi và lớp bạn của chúng: Trước đây khi nghe con kể về những lời trêu chọc qua lại trong đám bạn , tôi hay bảo: "tụi con toàn nhảm nhí, con toàn kể chuyện chơi không mà chẳng nghe con nói về bài học...." thế là con phản ứng ngay: "con chẳng bao giờ kể mẹ nghe nữa" và nó im từ đó.

Tôi rút ra được 1 bài học, nếu con cảm thấy cha mẹ không thể là nơi tâm sự được thì sự xa cách giữa cha mẹ và con cái là tất yếu. Chuyện vui đùa của con trẻ là nhu cầu mà người lớn lại dập tắt nhu cầu đó. Thế là tôi tập lắng nghe con, tôi không hỏi 'hôm nay con có bị điểm xấu không?" mà tôi gợi ý: "Hôm nay ở trường có gì vui không con?"

Một câu chuyện của con mà tôi đã nhớ “Mẹ ơi! Năm nay con có cô Văn mới hay lắm! Cô tếu lắm, có bạn nam mặc áo phanh ngực, cô bảo: Anh này, bao giờ tôi đi dạy mà mặc váy, áo hai dây, bạn hãy khoe hàng nhé. Còn hôm nay tôi mặc áo dài, đàng hoàng nghiêm túc là tôi tôn trọng các bạn, các bạn phải tôn trọng tôi chứ.... hắn đỏ mặt, bọn con cười bể bụng.”

Lắng nghe con kể chuyện bè bạn thầy cô mà tôi phải ôm bụng cười và nhận ra rõ ràng rằng, chúng sẽ rất vui, rất thích học những thầy cô hay chuyện trò thân mật với chúng... Qua lời con kể tôi rất quí một số thầy cô biết làm cho việc học của các em vui, nhẹ nhàng, dễ có được điểm tốt.

Nhưng cũng thấy không ít giáo viên luôn có thành kiến với học sinh, trước những sai phạm của các em, họ có những biện pháp trừng phạt hơn là khuyến khích như: bắt học sinh không thuộc bài đứng tại bục giảng học (4 trang?), phạt đứng nghe giảng, học sinh học thuộc bài để trả nợ lần trước , thầy không đồng ý bài đó, bảo học bài khác...

Nhưng tội nghiệp lũ trẻ: không có nơi, có quyền bày tỏ ý kiến của mình (quyền trẻ em thì được viết mấy trang rồi đấy)... đành phải hỗn, phải nghịch ngầm thôi. Chúng ta chê chúng hư hỏng, hay chính chúng ta làm chúng phải hư? Là giáo viên, trước 1 thái độ vô lễ, không thuộc bài, không làm bài của các em, chúng ta hãy thật bình tĩnh tìm ra giải pháp.

Bạn có để ý không, ngay từ khi còn ở bậc tiểu học, đối với học trò đã hình thành tư tưởng: “cô con nói vậy, mẹ nói không đúng”. Lời dạy của thầy cô nặng ký hơn cha mẹ đó. Chúng sẽ ghi nhận và thần tượng, nghe lời bạn nếu bạn cư xử mẫu mực, anh minh và tình cảm với chúng.

Lớp tôi đang dạy là lớp mà nhiều giáo viên từ chối. Lúc đầu tôi cũng từ chối, nhưng nhờ sự động viên quá hay của thầy hiệu trưởng, hiệu phó tôi đã nhận với quyết tâm chinh phục tình cảm các em bằng những khen thưởng, khuyến khích, tình yêu thương thật sự.

Chúng tôi đã rất quí mến nhau, học ra học, chơi ra chơi. Một vị giáo viên nước ngoài bảo: tôi rất thích lớp cô, chúng ồn ào nhưng học tích cực. Tôi cười bảo ông ấy nói chuyện, ồn ào là bản chất tự nhiên của lũ trẻ, ta nên hiểu và yêu tính năng động đó. Và ông đồng ý với quan điểm của tôi. Buồn một điều là chỉ có người giáo viên nước ngoài đó cùng tư tưởng với tôi.

Một câu kết, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn giáo viên: Nếu các em ngủ gục, nói chuyện, quậy phá trong giờ học, là do bài giảng của mình chưa lôi cuốn các em tham gia, hãy xem lại bài giảng , cách giảng, cách thu hút các em.

Mỗi giờ lên lớp ta phải xem bản thân như là 1 diễn viên, phải đẹp từ ngoại hình, diễn xuất cho thật hay... thì sẽ làm cho khán giả (học sinh) chăm chú, yêu mến mình thôi.

Diễn dở thì chúng ngủ, hoặc nói chuyện. Ép chúng im lặng, lắng nghe, coi chừng phản tác dụng. Chúng không thuộc bài , làm bài , đừng bực dọc, tức giận, hãy cho chúng cơ hội, khuyến khích sự sửa chữa của chúng, cho chúng thấy mình rất vui khi chúng có cố gắng. Khen chúng thật nhiều. Chắc chắn chúng sẽ tốt lên.

Hãy hiểu và thương tình trạng học tập của bọn trẻ hiện nay: học sáng trưa chiều tối, thời gian đâu làm bài, học bài ở nhà. Bạn làm được không?

Cả chuyện đi học thêm học bớt đó đâu phải do chúng muốn, thầy cô mở lớp và chính thức hay không chính thức là đều buộc chúng phải đi học đó thôi. Không đi không làm được những bài mà các bạn trong lớp học thêm đã được cô chỉ trước, điểm thấp hơn thì sao....?

Chúng ta cư xử không đúng mực là THẦY thì không thể trách trò không giữ đạo TRÒ, chính xác, hiển nhiên là như vậy. Tôi chỉ tha thiết 1 điều nếu ai cảm thấy mình không thể yêu những đứa học trò như con mình thì xin hãy đừng làm thầy, làm cô để "hành hạ " chúng.

Hãy chọn nghề khác để mưu sinh đi. Vì đây không chỉ đơn thuần như những môi trường kinh tế khác mà là 1 sự nghiệp trồng người.

THU THẢO

Tình cảm thầy trò thiêng liêng lắm

Thật sự sau khi nghe đoạn thu âm, tôi cảm thấy rất buồn. Buồn vì tình cảm thầy trò ngày nay sao mà xa cách quá. Ngày xưa, khi còn học phổ thông, cũng có lúc học sinh chúng tôi cảm thấy bất bình với thầy cô, nhưng cũng chỉ dám nghĩ, rồi để đó, rồi lại quên, đến ngày ra trường đứa nào cũng ôm thầy cô mà khóc nức nở.

Tôi còn nhớ năm lớp 9, cô chủ nhiệm của tôi rất nghiêm khắc. Mỗi khi cô trách mắng cả lớp đều im lặng mà cúi mặt xuống bàn. Đứa nào phạm lỗi được cô hỏi thăm đều mặt mày xanh lét. Dù cô không bao giờ đánh chúng tôi, cô chỉ dùng lời thôi, nhưng chúng tôi vẫn thấy rất sợ cô.

Sau này lớn lên, hiểu được những sai phạm của mình, chúng tôi mang ơn cô rất nhiều và vẫn luôn kính trọng cô. Tình cảm thầy trò thiêng liêng lắm!

Nguyễn Phú Cường

Thầy cô là tấm gương của trò

Mỗi lời nói của thầy, cô khi đứng lớp sẽ đi theo học sinh đến suốt đời. Họ lấy lời thầy cô làm lẽ sống, lấy tấm gương thầy cô làm mục tiêu noi theo. Thế hệ chúng tôi khi bồng súng đứng gác nơi tuyến đầu tổ quốc nghỉ về lời khuyên của thầy cô để ấm lòng mà vững chắc tay súng.

Bây giờ sự xuống cấp đạo đức của xã hội khiến cho thầy, cô cũng có nhiều người không thực sự xứng đáng vẫn được đứng lớp, khi việc đào tạo thầy cô cũng dễ dãi hơn, việc quản lý giáo dục lại ngày càng nhiều bất cập.

Bởi vậy, học sinh ghi âm, ghi hình những thầy, cô có những biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo để cho mọi người biết cũng dẫu là điều bất đắc dĩ, nhưng cũng có khi là điều nên làm, để người khác biết mà tự răn mình khi đứng lớp, khi xử sự với học sinh của mình.

Hãy làm sao để có được sự dân chủ trong giáo dục, để các nhà sư phạm phải hiểu rằng đừng tưởng mình làm thầy, cô rồi muốn nói, muốn xử sự với học sinh thế nào cũng được. Muốn chấn hưng nền văn hóa, cần phải xây dựng một đội ngũ thầy, cô trở thành những nhà văn hóa thực sự.

Ngô Đức Chiến

Nền giáo dục Việt Nam nên cởi mở, thẳng thắn và bình đẳng

Không phủ nhận rằng hành động "dè bĩu" cô giáo của em học sinh đó là sự đi ngược lại đạo đức lễ nghĩa. Nhưng một người giáo viên, là tấm gương nhân cách cho học sinh soi theo lại có những cách ứng xử sư phạm như thế thì cũng không thể được.

Chúng ta cần sự tôn trọng từ cả hai phía: thầy và trò. Nền giáo dục Việt Nam nên cởi mở, thẳng thắn và bình đẳng hơn. Như có thể đưa ra những hộp thư ý kiến. Hành động ghi âm của các em như thế cũng là một sự thỏa đáng. Giả sử, nếu không ghi âm, khi các em kiến nghị việc đó lên nhà trường, ai sẽ tin các em.

Nguyễn Thị Trâm Anh

Dân chủ và bình đẳng hơn trong giáo dục

Việc ghi âm trong lớp và trong giờ học nên coi là bình thường. Tôi cũng có nhiều lần dạy chuyên nghề, các học viên ghi âm thoải mái. Mong là họ sẽ nghe lại khi học bài ở nhà. Có trường hợp vì lí do nào đó, học viên không đến lớp được, gửi máy nhờ bạn ghi lời giảng, tôi thấy còn hơn là không quan tâm đến giờ học, bài học.

Đành là không phải câu nào giáo viên, giảng viên nói cũng hoàn toàn chính xác, nhưng khi chịu trách nhiệm, tự tin sau khi nghiêm túc chuẩn bị về những gì giảng hay trao đổi trong lớp thì không có gì phải ngại. Dân chủ và bình đẳng hơn trong giáo dục luôn chỉ tốt hơn. Có bạn viết việc làm này là vô lễ, e quá lời.

Chỉ rất vô lễ và không chấp nhận được khi học sinh ghi âm lén giáo viên ngoài giờ học.

Nguyễn Phước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét