Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

LẠI VỤ NỮ SINH BỊ ĐÁNH HỘI ĐỒNG


Nữ sinh bị đánh hội đồng giữa trời lạnh giá
(Dân trí) - Một đoạn clip có độ dài hơn 9 phút ghi lại một nữ sinh bị nhiều nữ sinh khác giật tóc, liên tục dùng chân đạp vào đầu và mặt vừa được đăng tải lên trang chia sẻ video Youtube.
Trong clip, nữ sinh bị đánh mặc quần bò, áo đông màu trắng, bị đánh đập ngay ven đường. Sau trận đòn, 4 nữ sinh bắt người bị đánh quỳ xuống xin lỗi. Lúc đầu, nữ sinh bị đánh không xin lỗi nhưng sau một hồi bị đánh đạp dã man, nữ sinh này vừa khóc vừa ôm mặt quỳ.
Mặc dù đã cất lời xin lỗi nhưng nữ sinh này vẫn tiếp tục bị đòn vào chân và tay như nắm tóc kéo lê trên đất, đạp chân vào mặt… Thấy sự việc trở nên nghiêm trọng, một giọng nam đã lên tiếng can ngăn nhưng bị một nữ sinh lớn tiếng “Tao đánh cả mày bây giờ”. Sau khi bị “hạ gục” bên vệ đường, nữ sinh này tiếp tục bị đánh cùng những lời văng tục và nhục mạ.
Khi thấy nữ sinh này nằm bên vệ đường, một số người đi đường đã lên tiếng nhưng ngay lập tức được trấn an: “Chú ơi, không sao đâu”. Điều đáng nói ở clip này là ngoài việc tham gia đánh bạn các nữ sinh còn cười cợt, tạo dáng trước máy quay.
 
Clip nữ sinh bị đánh hội đồng giữa trời lạnh giá trên trang chia sẻ video Youtube:
 
 
Theo Dân Việt thì nữ sinh bị đánh tên là Thư, học sinh khối 10, Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Vụ đánh nhau này xảy ra vào chiều hôm 12/1/2011.
Tuy nhiên trao đổi qua điện thoại với Dân trí sáng nay 17/1, ông Lương Đình Hợi - hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc khá bất ngờ trước thông tin cho rằng nữ sinh trong clip là học sinh của trường. Ông Lương Đình Hợi cho biết trong khối 10 của trường không có học sinh nào tên là Thư.
Nguyễn Hùng

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Giáo dục dưới mắt mọi người

Theo Tuổi trẻ

Ôi thi đua!

TT - 1. Một cuộc cãi vã quyết liệt đã xảy ra giữa giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn của một trường đến mức sau đó họ “không thèm nhìn mặt nhau”. Lý do là một người bị cắt thi đua vì không bảo đảm chỉ tiêu duy trì sĩ số HS lớp mình chủ nhiệm. 

Giáo viên này cho rằng sở dĩ HS mình bỏ học là do vị giáo viên bộ môn kia đòi hỏi quá cao đối với HS trong quá trình giảng dạy, rằng không biết giúp đỡ đồng nghiệp...

Vị giáo viên bộ môn lại giải thích mình đã làm đúng chức trách, HS không chịu học đành phải chịu và không chịu trách nhiệm về chuyện HS bỏ học. Nếu không có đòi hỏi cao, bộ môn sẽ không đạt chỉ tiêu, bản thân cũng bị cắt thi đua.

2. Để bảo đảm tỉ lệ duy trì sĩ số của lớp theo chỉ tiêu đã được khoán, một giáo viên chủ nhiệm đã đi năn nỉ, thỏa thuận với các giáo viên bộ môn ưu ái cho một HS cá biệt của lớp mình bằng cách dành riêng cho em này một bàn ở cuối lớp để... nằm ngủ trong giờ học, đừng đụng chạm tới, nếu không em sẽ bỏ học. Chỉ cần em bỏ học thì vị giáo viên chủ nhiệm này sẽ bị cắt thi đua vì không bảo đảm chỉ tiêu duy trì sĩ số.

3. Để đạt chỉ tiêu về tỉ lệ HS lớp 9 bảo đảm tiêu chuẩn trường “tiên tiến”, hiệu trưởng đã yêu cầu giáo viên phải “tạo điều kiện” cho 100% HS được tốt nghiệp. Kết quả như mong muốn nhưng sau đó chỉ có không đến 70% số HS này trúng tuyển vào lớp 10 và tai hại hơn cho chính ngôi trường này là HS lớp 9 ở năm học sau rất mê chơi, lười học, HS kháo nhau: vô tư đi, đừng lo không tốt nghiệp, có hiệu trưởng lo rồi (!).

Có những tập thể hoặc cá nhân trong ngành giáo dục đạt các danh hiệu thi đua thật sự là những nhân tố tích cực, tiên phong gương mẫu ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp là "con bệnh thành tích”, mục đích việc thi đua của họ là danh hiệu và quyết đạt cho được danh hiệu bằng mọi giá.

Thực tế phong trào thi đua trong các trường có khuynh hướng càng nhiều cá nhân hoặc tập thể đạt các danh hiệu càng tốt. Có những trường 80-90% cá nhân đạt danh hiệu lao động tiên tiến và hàng chục chiến sĩ thi đua, 60-70% các tập thể đạt danh hiệu tổ tiên tiến, xuất sắc...nhưng hiệu quả đào tạo của đơn vị vẫn không hề có sự chuyển biến tích cực nào.

LÊ MINH HOÀNG (Tiền Giang)

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Dạy kỹ năng giao tiếp cho học sinh nghề

Theo Tuổi trẻ.

TT - Ngày 10-1 tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về chương trình dạy kỹ năng giao tiếp và khởi tạo doanh nghiệp cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp. 

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT: "Dự kiến năm học 2011-2012 Bộ GD-ĐT sẽ đưa ba học phần mới vào chương trình đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp: kỹ năng giao tiếp (cung cấp những kiến thức cơ bản về giao tiếp, những rào cản trong giao tiếp, kỹ năng phát biểu trước đám đông, kỹ năng ứng xử với đồng nghiệp, kỹ năng phỏng vấn xin việc...), khởi tạo doanh nghiệp (xây dựng kế hoạch phát triển bản thân, xây dựng kế hoạch kinh doanh...) và sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả (trong nghề nghiệp và cuộc sống). 

Mỗi học phần gồm 30 tiết và bước đầu sẽ đưa vào dạng học phần tự chọn (học viên được chọn một trong ba)".

Ý kiến của THCSQO:
Một nhiệm vụ Bất khả thi vì: 
1. Bản thân nhà giáo  cũng phải học "kỹ năng giao tiếp", "kỹ năng sống";
2. Đồng lương "suy dinh dưỡng"
Một khi nhà giáo chưa được trong bị tốt "kỹ năng giao tiếp", "kỹ năng sống"thì cũng giống như Anh cụt tay tham gia đội tuyển đánh bóng chuyền (Xin lỗi các bạn khuyết tật)- chỉ muốn dùng hình ảnh ví von thôi.


ĐIỂM NÓNG GIÁO DỤC LÂM ĐỒNG


Xử lý nghiêm người xúi giục học sinh nghỉ học 
10/01/2011 22:58 
Ngày 10.1, ông Phùng Ngọc Hạp - Phó chủ tịch UBND TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra ai là người chủ mưu kích động hơn 150 HS trường THCS ĐamB’ri (xã ĐamB’ri, Bảo Lộc) nghỉ học vào ngày 6.1.
Theo ông Hạp, sự việc xảy ra sau khi có quyết định bổ nhiệm ông Võ Văn Q. về làm Phó hiệu trưởng trường THCS ĐamB’ri, nhưng một số giáo viên ở trường này không đồng tình nên kích động HS nghỉ học khi ông Q. đến nhận nhiệm vụ.
Ông Q. trước đó từng làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (Bảo Lộc) nhưng có sai phạm trong công tác quản lý, thu chi tài chính và bị xử lý kỷ luật cảnh cáo. Ông Phùng Ngọc Hạp khẳng định, khi có kết quả, dứt khoát sẽ xử lý nghiêm người vi phạm, không thể chấp nhận việc lợi dụng HS để làm chuyện của người lớn.       
Gia Bình
Theo báo Thanh niên

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Quan tâm nhiều hơn đến giáo dục


Thứ hai, 10/01/2011 | 00:46GMT+7
email  in  comment
Quan tâm nhiều hơn đến giáo dục (Theo báo Người lao động)

Những ngày đầu năm mới 2011, trong không khí mừng Xuân và mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ngành giáo dục đã đón nhận nhiều tin vui từ các địa phương trong cả nước

HĐND TP Hà Nội vừa phê duyệt định mức ngân sách năm 2011 cho các bậc học cao hơn so với năm trước. Cụ thể, với giáo dục mầm non, mức cũ là 2 triệu đồng/học sinh (HS)/năm, nay tăng lên mức 3,4 triệu đồng/HS/năm.
 
Tăng định mức ngân sách
 
Tại cuộc giao ban với các ban, ngành và quận, huyện mới đây về chuyên đề GD-ĐT, UBND TP Hà Nội cho biết đã giao cho Sở Nội vụ bàn bạc với Sở GD-ĐT khẩn trương giải quyết cho giáo dục mầm non được tuyển 5.000 biên chế phục vụ kế hoạch phổ cập mầm non 5 tuổi.
 
 
TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Trong ảnh: Các bé tại Trường Mẫu giáo dân lập Nhà Thiếu nhi TP. Ảnh: TẤN THẠNH


26.000 giáo viên hợp đồng cũng sẽ được hưởng chế độ mọi mặt như giáo viên biên chế. Tiếp đó là quyết định phê duyệt phương án chuyển khoảng  500 trường mầm non bán công sang trường công lập tự chủ.
 
UBND TP Hà Nội cho biết tỉ lệ đầu tư từ ngân sách TP cho giáo dục trong 2 năm qua đã đạt 25% tổng ngân sách. Có nhiều quận, huyện đầu tư cao hơn mức này, như: quận Hoàn  Kiếm 40%, quận Cầu Giấy 37%.
Đối với bậc tiểu học, định mức ngân sách cũ là 1,35 triệu đồng/HS/năm tăng lên mức 3 triệu đồng/HS/năm. Mức cũ của cấp THCS  là 1,75 triệu đồng/HS/năm sẽ tăng lên 3,7 triệu đồng/HS/năm.
 
Đối với cấp THPT, mức cũ là 1,88 triệu đồng/HS/năm, nay sẽ là 4 triệu đồng/HS/năm. Riêng đối với khối trường chuyên có định mức khá cao: Định mức đối với Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là 15 triệu đồng/HS/năm; các trường chuyên khác là 10 triệu đồng/HS/năm; giáo dục thường xuyên là 1,8 triệu đồng/HS/năm.
 
100% trẻ mầm non học 2 buổi/ngày
 
UBND TPHCM vừa kết luận về đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi với quyết tâm cao đứng vào hàng đầu cả nước. Mục tiêu đến năm 2013, tỉ lệ trẻ em 5 tuổi sẽ được tới trường mầm non học 2 buổi/ngày đạt 100%. Đề án được triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2011.
 
Miễn, giảm học phí cho con hộ nghèo
UBND TPHCM sẽ miễn, giảm học phí, tiền cơ sở vật chất, hỗ trợ chi phí học tập cho HS là con của các hộ nghèo giai đoạn 2010-2015. Theo đó,  con của hộ nghèo có mức thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/người/năm trở xuống được miễn học phí, tiền cơ sở vật chất và hỗ trợ chi phí học tập (70.000 đồng/tháng); trường hợp hộ nghèo có con thứ 3 trở lên đi học thì chỉ được giảm 50% học phí, tiền cơ sở vật chất và chi phí học tập theo quy định. Con của hộ nghèo có mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng/người/năm được giảm 50% học phí, tiền cơ sở vật chất; trường hợp có con thứ 3 trở lên đi học sẽ không giảm học phí, tiền cơ sở vật chất. UBND TP chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH, Sở GD-ĐT, Sở Tài chính và Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh nghèo theo đúng quy định, bắt đầu từ năm học 2010-2011. 
L.Sơn
Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, UBND TPHCM cũng yêu cầu việc đào tạo giáo viên mầm non phải đủ về số lượng và đạt chuẩn chất lượng; hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; tạo điều kiện cho các giáo viên chưa có hộ khẩu...
 
TP cũng vừa triển khai xây dựng trường chất lượng cao theo mô hình của Trường Singapore Polytechnic (Singapore) tại 4 trường: CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn và Trung cấp Kỹ thuật Kinh tế Nguyễn Hữu Cảnh.
 
Nhiều trường bán công thành công lập
 
Tại tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đã quyết định chuyển 369 trường bán công sang hệ công lập, trong đó có 296 trường bán công sẽ chuyển thành loại hình công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động; xây dựng 16 trường công lập trọng điểm và 20 trường thành trường công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ kinh phí hoạt động.
 
UBND TP Đà Nẵng cho hay năm 2011, TP sẽ xây dựng thêm 10 trường học mới.  Tỉnh Phú Yên sẽ đầu tư 670 tỉ đồng để xây dựng 3 ký túc xá sinh viên cho các trường trên địa bàn tỉnh, gồm: ĐH Phú Yên, CĐ Công nghiệp Tuy Hòa và Trường Công nghiệp Xây dựng số 3. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa quyết định hỗ trợ 2,2 tỉ đồng cho học sinh nghèo 7 huyện miền núi của tỉnh đi học nghề khuyến nông.
 
Ở khu vực ĐBSCL, Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết chương trình vận động mỗi sở, ban, ngành, doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh đỡ đầu một trường học đã khởi động và nhận được đồng thuận cao. Bước đầu, hơn 200 trường học đã nhận được sự cam kết hỗ trợ vật chất và tinh thần.
Trần Hữu Trù






ĐIỂM NÓNG CỦA GIÁO DỤC LÂM ĐỒNG


Học sinh nghỉ học để phản đối thầy
Sáng 7-1, tin từ Phòng Giáo dục TP Bảo Lộc - Lâm Đồng cho biết nhiều học sinh Trường THCS Đam Bri bỏ học hôm 6-1 để phản đối thầy vẫn chưa đi học dù chính quyền và ngành giáo dục đã xuống tận trường để giải thích, vận động.

Trước đó, sáng 6-1, nhiều học sinh Trường THCS Đam Bri (xã Đam Bri -TP Bảo Lộc) đã nghỉ học để phản đối việc bố trí phó hiệu trưởng mới cho nhà trường. Số liệu nhà trường thống kê cho thấyđến 9 giờ sáng, chỉ có 55 em trong tổng số 209 học sinh toàn trường ở lại lớp học.
Ông Kim Tiến Phả - bảo vệ nhà trường, kể lại: “Học sinh đến trường ít hơn mọi ngày. Khi đánh trống vào học thì nhiều em không chịu vào lớp mà đồng loạt bỏ về. Dù cổng trường đã đóng nhưng nhiều em vẫn vác xe đạp và leo rào về”.
Phụ huynh học sinh đến trường để tìm hiểu vụ việc.
Ông Phạm Văn Sinh – Hội phó Hội phụ huynh học sinh nhà trường, cho biết: “Từ khi biết ông Quảng được điều về Trường THCS Đam Bri để làm hiệu phó, nhiều phụ huynh đã không đồng ý. Mấy năm gần đây, Trường THCS Đam Bri đang ngày phát triển nên chúng tôi lo lắng khi đưa một người thầy không đủ điều kiện về làm hiệu phó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Hội phụ huynh nhà trường đã họp và có văn bản gởi Thành ủy, Phòng Giáo dục Bảo Lộc phản đối việc bố trí này nhưng khi chưa có ý kiến trả lời của cấp có thẩm quyền thì học sinh đã phản ứng bằng cách tự bỏ học”.
Ông Võ Văn Quảng trước đây từng làm Hiệu trưởng Trường cấp I, II Lý Tự Trọng (xã Đam Bri), sau đó được thuyên chuyển làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (TP Bảo Lộc). Do một số sai phạm trong quản lý và có khuyết điểm trong việc thanh quyết toán tiền làm thêm giờ của giáo viên nên ông đã bị kỷ luật về Đảng và có quyết định bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng Trường THCS Đam Bri từ ngày 15-12-2010.
Khi quyết định này được gởi về trường, cả ban giám hiệu và tập thể giáo viên nhà trường phản đối. Lý do được nhà trường đưa ra là do quy trình bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ đã bị kỷ luật là chưa đúng và ông Quảng không được sự tín nhiệm của tập thể nhà trường, phụ huynh và cả học sinh.

Khi thấy con mình bỏ học về nhà, nhiều phụ huynh đã tìm đến trường để tìm hiểu nguyên do. Chị Đặng Thị Cẩm Hà – phụ huynh của một học sinh lớp 7A1, bày tỏ lo lắng: “Khi hỏi con vì sao nghỉ học thì nó bảo hôm nay thầy Quảng về trường nên tụi con không đi học nữa. Tôi không biết thầy mới về trường như thế nào nhưng nếu các em học sinh không đồng tình và tình trạng này cứ tiếp diễn thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc học của các em.”
Chiều cùng ngày, UBNDTP và Phòng Giáo dục Bảo Lộc đã làm việc với Ban Giám hiệucùng tập thể giáo viên nhà trường. Theo UBND TP Bảo Lộc, việc bổ nhiệm ông Quảng về làm phó hiệu trưởng Trường THCS Đam Bri đã được UBND TP cân nhắc nhiều lần mới ra quyết định.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND và phòng giáo dục cho biết việc nhà trường để cho học sinh nghỉ học như vậy là không được. Trước những phản ứng của tập thể giáo viên và học sinh, UBND TP Bảo Lộc sẽ xem xét, tìm hướng giải quyết tốt nhất để học sinh yên tâm đến trường.
Theo Đông Anh (NLĐ)

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

10 vấn đề giáo dục nổi bật 2010


(Dân trí) - Năm 2010 là một năm đáng nhớ của ngành giáo dục với nhiều sự kiện trọng đại gây tiếng vang lớn trên thế giới; nhiều chương trình, đề án được Chính phủ phê duyệt nhằm tập trung nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng quốc tế hóa...
Dân trí xin điểm lại 10 vấn đề giáo dục nổi bật trong năm 2010.
1. Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020
 
Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng nhằm đưa Việt Nam lên hàng thứ 40 thế giới về Toán học.

Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 có đủ đội ngũ giảng viên Toán có trình độ ở các trường đại học, cao đẳng, trong đó trên 70% giảng viên ở các trường đại học lớn có bằng tiến sĩ. Bên cạnh đó, xây dựng Viện Toán học và 1-2 khoa Toán ở các trường đại học lớn trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo Toán của khu vực.

Trong 7 nội dung và giải pháp thực hiện chương trình trọng điểm được đưa ra, trong đó, giải pháp đầu tiên là xây dựng "Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán". Đây sẽ là một cơ sở hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo đỉnh cao về Toán học cho các giảng viên đại học, các nhà toán học, các tân tiến sĩ, các nghiên cứu sinh đến thực hiện các ý tưởng, các đề tài nghiên cứu toán học xuất sắc, có ý nghĩa khoa học và ứng dụng cao.

Bên cạnh đó, hoàn thiện lại hệ thống các lớp chuyên Toán theo chủ trương mới của Bộ GD-ĐT, thi học sinh giỏi, cấp học bổng, ưu tiên tuyển chọn vào đại học, đào tạo giáo viên. Khuyến khích giảng viên Toán ở các trường đại học đẩy mạnh công tác nghiên cứu.
 
Đội tuyển thi Olympic Toán quốc tế IMO 2010.
 
2. Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV
Ngày 29/9, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cho biết, 14 năm xây dựng và phát triển, 14 năm phấn đấu không mệt mỏi với tâm huyết và ý thức trách nhiệm cao, Hội đã thực sự trở thành một tổ chức xã hội đặc thù, một tổ chức quần chúng sâu rộng có mặt tại 100% tỉnh, thành, huyện, thị, xã, phường và nhanh chóng lan tỏa xuống tận thôn, làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang... với hơn 200.000 chi hội và hàng nghìn cụm dân cư khuyến học. Tổng số hội viên hiện lên tới hơn 7,5 triệu người; 3,5 triệu gia đình được công nhận là “gia đình hiếu học, khoảng 4 vạn dòng họ được công nhận là “dòng họ hiếu học” và hàng vạn cụm dân cư khuyến học được xây dựng.
Đặc biệt, Hội đã phối hợp với ngành giáo dục xây dựng được hơn 9.600 Trung tâm Học tập cộng đồng, chiếm hơn 90% tổng số xã, phường trong cả nước - một thiết chế giáo dục cộng đồng, cơ sở học tập thường xuyên ngoài xã hội cho người lớn.
Đặc biệt trong năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Hội Khuyến học Việt Nam trở thành Hội đặc thù, có biên chế hoạt động riêng.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Hội Khuyến học Việt Nam tại Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV. 
3. Lần đầu tiên Việt Nam đoạt giải thưởng toán học Fields
Ngày 19/8/2010, tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ, huy chương Fields - giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học - đã được trao cho GS Ngô Bảo Châu. Trong lịch sử hơn 70 năm của giải thưởng Fields, đây là lần đầu tiên một người có quốc tịch Việt Nam đoạt giải thưởng này. GS Ngô Bảo Châu đã dành toàn bộ phần thưởng bằng tiền của giải thưởng Fields cho Quỹ Khuyến học “Vì tinh thần hiếu học” - Quỹ được xây dựng theo sáng kiến của GS Ngô Bảo Châu.
 
Bà Pratibha Patil - Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới cho GS Ngô Bảo Châu.
 
GS Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, khẳng định: “Giải thưởng Fields mà GS Ngô Bảo Châu đạt được không chỉ có ý nghĩa ở Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn trong khu vực và thế giới. Việt Nam là một đất nước nghèo, không có truyền thống về khoa học, về Toán lại được giải thưởng Fields. Nó đã chứng minh, nếu có cách làm đúng thì những người từ vùng lạc hậu như đất nước chúng ta cũng có thể đạt được đỉnh cao trong khoa học. Đó là ý nghĩa sâu sắc đối với quốc tế”. 
 
4. Năm 2011, bắt đầu thực hiện thí điểm dạy học môn Toán, Tin bằng tiếng Anh
Theo kế hoạch triển khai đề án dạy học ngoại ngữ ở bậc trung học do Bộ GD-ĐT công bố tháng 12/2010, sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm dạy học bằng tiếng Anh trong năm học 2011- 2012 để đến năm 2020 mở rộng quy mô các trường thực hiện dạy học ngoại ngữ theo chương trình của Bộ GD-ĐT.
Chương trình này sẽ liên thông giữa các bậc học, tiến tới triển khai dạy bằng tiếng Anh với một số môn khoa học ở các trường THPT chuyên (Toán, Vật lý, Tin học...).
Việc từ năm 2011, học sinh trường chuyên học môn Toán, Tin bằng tiếng Anh đã thu hút nhiều ý kiến của các giáo viên, học sinh và người dân. Nhiều ý kiến chung quan điểm rằng việc dạy và học ngoại ngữ trong trường học, trong đó có cả các trường chuyên hiện còn yếu. Đồng thời, chính các giáo viên Toán, Tin cũng khó đáp ứng được yêu cầu dạy bộ môn này bằng tiếng Anh. Vì vậy, đa số ý kiến cho rằng khó có thể triển khai việc dạy và học toán, tin bằng tiếng Anh trong năm học 2011 - 2012.
5. Thủ tướng phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015.
Mục tiêu chung của Đề án là bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ 1 năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm sinh lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng trẻ em vào lớp 1.
Cụ thể, sẽ củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp bảo đảm đến năm 2015 có 95% số trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non 5 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, phấn đấu đến năm 2015 có 100% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học Chương trình giáo dục mầm non mới, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp 1.
Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mầm non 5 tuổi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các huyện nghèo làm mô hình mẫu và là nơi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ giáo dục. Đưa số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ 55% năm 2010 lên 85% năm 2012 và 100% vào năm 2015…
 
Các cháu Trường mầm non 1/6 (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhận quà tặng của bạn đọc báo Dân trí.
 
6. Đà Nẵng nói “không” với sinh viên tại chức
 
Tại kỳ họp thứ 17 hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VII diễn ra từ ngày 1-3/12/2010, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng có tờ trình về kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp. Theo đó, từ năm 2011, TP Đà Nẵng sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước của TP. Công bố này của Đà Nẵng thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân cũng như tạo nhiều diễn đàn tranh luận của các chuyên gia giáo dục. Các ý kiến xung quanh quyết định này của Đà Nẵng có thể chia làm 2 nhóm chính: nhóm một ủng hộ và hoan nghênh quyết định dũng cảm của Đà Nẵng; nhóm thứ hai cho rằng đây là sự kỳ thị với các sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức, điều quan trọng là năng lực của người học chứ không phải ở tấm bằng. Nhìn chung các ý kiến đều thống nhất rằng cần có kỳ thi sát hạch năng lực nghiêm túc để chọn ra những người có năng lực khi tuyển dụng nhân sự.
 
7. Đề án 2.300 tỷ đồng phát triển trường chuyên
Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 với tổng số kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng vừa được Bộ GD-ĐT khởi động thực hiện. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo bày tỏ băn khoăn về đề án này, cho rằng đây là sự đầu tư chưa công bằng: số lượng trường chuyên chiếm con số rất ít trong hệ thống các trường THPT, trong khi đó nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa hiện nay rất khó khăn.
8. Nan giải việc di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành
 
Trong cuộc họp bàn về xây hệ thống trường ĐH, CĐ vào đầu tháng 12/2010, đa số hiệu trưởng các trường tán đồng việc cần thiết di dời các trường ra ngoại thành để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm tải cho giao thông thành phố. Tuy vậy, để thực hiện việc này thì còn nhiều vướng mắc, trong đó có những khó khăn về kinh phí, thủ tục xây dựng... Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết việc di dời các trường ra ngoại thành là không thể không làm vì quyết định di dời các trường ra ngoại thành không phải vì quá tải cơ sở hạ tầng ở thành phố mà là sự sống còn của ngành giáo dục. Lý do là một trong các tiêu chí nâng chất lượng đào tạo là diện tích/sinh viên, trong khi đó nhiều trường có diện tích khiêm tốn.
 
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thuộc diện di dời ra ngoại thành.
 
9. Vấn nạn học sinh quay/ghi âm về thầy cô và tung lên mạng Internet
Trong năm 2010 trên mạng Internet xuất hiện nhiều clip audio và video không hay về thầy cô do học sinh ghi âm và quay. Nổi bật như vụ ngày 25/9/2010, nhóm học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Trần Phú (TP Hải Phòng) đã thu âm lén những lời lẽ xỉ vả của cô giáo dạy tiếng Anh với một học sinh trong lớp rồi phát tán lên mạng. Đầu tháng 12/2010, học sinh cũng quay clip một giáo viên thỉnh giảng bộ môn tin họccủa Trường THPT Hàng Hải, Hải Phòng chửi mắng học trò và tung lên mạng.
Sau khi các clip này xuất hiện, các giáo viên có hành vi không đẹp với học trò đã bị nhà trường kỷ luật. Tuy vậy, dư luận đặt ra câu hỏi liệu học sinh có được phép/nên hay không quay clip về thầy cô trong giờ học.
Sau khi các vụ việc trên xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế những vụ việc đáng tiếc tương tự, các trường cần nghiêm khắc thực hiện điều lệ trường phổ thông, trong đó có việc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại, máy ghi âm, ghi hình trong giờ học và trong các hoạt động giáo dục tại trường.
 
10. Khánh thành trường chuyên hiện đại nhất Việt Nam chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Sáng 4/9/2010, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tổ chức lễ khai giảng tại ngôi trường hiện đại nhất Hà Nội và cũng là trường chuyên hiện đại nhất của cả nước ngang tầm khu vực và quốc tế với diện tích gần 5 ha, tọa lạc tại khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Được khởi công từ tháng 1/2009, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có tổng mức đầu tư 429 tỉ đồng. Cơ sở vật chất của nhà trường ấn tượng với những nhà thi đấu quy mô lớn, bể bơi nước nóng sử dụng vào mùa đông, khán phòng lớn 700 chỗ, khu vực căng tin rộng rãi, hệ thống bãi đỗ xe và các sân thể thao tiêu chuẩn…
Đây là ngôi trường Hà Nội chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Học sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam trong lễ khai giảng tại ngôi trường mới. 
Nhóm PV

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Giáo dục Việt Nam một năm nhìn lại


Theo báo giáo dục TPHCM
Thứ Sáu, 31 Tháng mười hai 2010, 08:12 GMT+7


Năm 2010 kết thúc. Nhìn lại một năm qua có thể thấy, giáo dục Việt Nam có nhiều niềm vui nhưng cũng chất chứa không ít nỗi buồn.
Lần đầu tiên một công dân Việt Nam đoạt giải thưởng Fields
Ngày 19-8-2010, tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ, huy chương Fields - giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học - đã được trao cho GS. Ngô Bảo Châu. Trong lịch sử hơn 70 năm của giải thưởng Fields, đây là lần đầu tiên một người có quốc tịch Việt Nam đoạt giải thưởng này. Cũng từ sự kiện này, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020 với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng nhằm đưa Việt Nam lên hàng thứ 40 thế giới về toán học.
Nhiều đề án đi vào thực tế
Năm học 2010-2011 là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT triển khai thực hiện một loạt đề án lớn: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 đối với học sinh tiểu học; bắt đầu triển khai đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên... Trong đó, Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 đã được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký quyết định phê duyệt với tổng kinh phí lên đến 2.300 tỷ đồng. Dự kiến hơn 1.600 tỷ đồng sẽ được sử dụng để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; hơn 600 tỷ đồng để phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; hơn 27 tỷ đồng để phát triển chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục. Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như ưu tiên mở rộng diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15m2/học sinh, các trường đều có đủ phòng học 2 buổi/ngày, có hội trường, nhà tập đa năng.
Riêng tại TP.HCM, UBND TP đã chỉ đạo các sở - ngành, quận - huyện cấp bách quy hoạch xây dựng trường lớp, đào tạo giáo viên mầm non để hoàn thành chủ trương trên vào năm 2013.
Xây dựng trường chất lượng cao
“Xây dựng trường học chất lượng cao vì một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc trong xu thế hội nhập” được Sở GD-ĐT TP.HCM đề ra để thực hiện trong những năm tới. Sau nhiều tháng nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo khắp các tỉnh thành trên cả nước, ngày 27-12, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề trên.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, để xây dựng được một trường chất lượng cao, các trường phải đảm bảo 5 yếu tố cơ bản như đủ thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh, phòng chức năng đạt chuẩn, sĩ số lớp học đạt 30 HS/lớp, tổ chức 2 buổi/ngày và giáo viên phải có năng lực chuyên môn. Ngoài ra, yếu tố tư tưởng nhận thức của xã hội cũng góp phần quan trọng trong việc tổ chức được một trường chất lượng cao, nhất là vấn đề công bằng trong giáo dục, học phí và ngân sách đầu tư.
Tham dự hội thảo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Việc xây dựng trường chất lượng cao là vấn đề cấp bách.
Quốc hội giám sát chất lượng ĐH
Năm 2010, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức một chuyên đề giám sát chung về chất lượng giáo dục ĐH trên quy mô toàn quốc. Mục tiêu của đoàn giám sát là đánh giá tổng thể về các vấn đề: thành lập trường, đầu tư cho giáo dục ĐH và thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Báo cáo giám sát đã được đọc tại phiên toàn thể của kỳ họp Quốc hội vào tháng 6-2010, nêu lên một số vấn đề nổi cộm của giáo dục ĐH, đặc biệt là việc mở trường, mở ngành ồ ạt dẫn tới chất lượng không theo kịp quy mô phát triển. Sau báo cáo giám sát này, Quốc hội đã ra một nghị quyết nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ĐH.
Bạo lực học đường gia tăng
Năm 2010 cũng là năm xuất hiện nhiều cảnh quay, đoạn ghi âm phản ánh hiện tượng xấu trong giáo dục như học sinh bị đánh hội đồng, bảo mẫu hành hạ trẻ, cô giáo chửi học sinh... Sự kiện đầu tiên gây xôn xao dư luận là clip nữ sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) bị đánh được tung lên mạng hồi tháng 3. Sau sự kiện này, một loạt cảnh quay học sinh đánh nhau; giáo viên chửi bới, lăng mạ học sinh… được các mạng xã hội chuyển tải. Trước làn sóng bức xúc của dư luận, tháng 7-2010, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đã tổ chức một hội thảo cấp quốc gia đề cập thẳng vào vấn đề: “Ngăn ngừa tình trạng học sinh đánh nhau”. Hội thảo không chỉ có riêng ngành GD-ĐT ngồi bàn với nhau để tìm giải pháp mà còn có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành liên quan. Không chỉ học sinh đánh nhau mà cả hình ảnh các bảo mẫu tại các cơ sở trông trẻ tư nhân bạo hành trẻ cũng đã khiến dư luận bức xúc.
ĐH tuyển sinh không đủ chỉ tiêu
Mùa tuyển sinh 2010 đối với ĐH chỉ đạt trên 95% so với chỉ tiêu đề ra. Không chỉ các trường ngoài công lập tuyển sinh chật vật mà ngay tại trường công lập, nhiều ngành học cũng phải đóng cửa vì không có thí sinh như một số ngành của ĐH Đà Nẵng, một số ngành liên quan đến nông - lâm ngư. Hay như ngành CNTT từng được coi là ngành nóng thời gian gần đây cũng phải đóng cửa tại nhiều trường.
Sự xuống cấp đạo đức trong giáo dục
Điều này được thể hiện bằng một loạt các sự kiện có tính ảnh hưởng lớn như vụ hiệu trưởng mua dâm tại Hà Giang, cô giáo văng tục tại lớp, cô giáo chửi học sinh tại lớp ở Hải Phòng, nữ sinh tự tử vì thầy hiệu phó tống tình tại Vĩnh Phúc. Không những thế, vấn đề đạo văn trong giáo dục cũng được dư luận quan tâm. Đầu năm là sự kiện GS. Trần Ngọc Thơ phản ánh giáo trình Tài chính quốc tế của PGS-TS Phan Thị Cúc và một số tác giả Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM xuất bản năm 2008 có nhiều nội dung sao y giáo trình Tài chính quốc tế của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM do ông chủ biên, xuất bản năm 1996. Sau đó, nhiều dẫn chứng lại cho thấy giáo trình Tài chính quốc tế của GS. Thơ lại “đạo” giáo trình International Financial Management của GS. Jeff Madura - Trường ĐH Florida (Mỹ). Gần cuối năm, giới khoa học trong và ngoài nước lại xôn xao trước sự kiện hai tạp chí uy tín về vật lý trên thế giới đã có tuyên bố rút lại bài báo đã được đăng do tác giả đạo văn. Đó là bài báo Was the fine-structure constant variable over cosmological time? (tạm dịch: Hằng số tương tác điện từ có thay đổi theo thời gian?) của nhóm tác giả Lê Đức Thông, Nguyễn Mộng Giao, N.T.Hung và Trần Văn Hùng.
Thiếu trường tại các thành phố lớn
Hình ảnh phụ huynh xếp hàng trắng đêm tại Hà Nội và TP.HCM để xin chỗ học cho con đã không còn xa lạ. Điều này cho thấy, tại các thành phố lớn, thiếu chỗ học cho học sinh đang là vấn đề đặt ra. Các nhà quản lý cho rằng chỗ học không thiếu. Nhưng thực tế cho thấy, chỗ học tại các trường ngoài công lập thì còn rất nhiều, nhưng phụ huynh một phần vì không có đủ chi phí cho con đi học, phần khác, chất lượng tại các cơ sở này chưa có gì có thể đảm bảo.
Cùng với vấn đề thiếu trường, năm 2010 còn đánh dấu bằng sự kiện Bộ GD-ĐT chính thức “khởi động” vấn đề đưa các trường ĐH ra nội thành. Nội dung này được các trường ủng hộ. Tuy vậy, để thực hiện việc này thì còn nhiều vướng mắc, trong đó có những khó khăn về kinh phí, thủ tục xây dựng... Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết việc di dời các trường ra ngoại thành là không thể không làm vì chủ trương này đã có từ hơn 10 năm nay nhưng vẫn còn giậm chân tại chỗ do vướng mắc nhiều thủ tục.
Dấu hỏi đối với chất lượng tại chức
Năm 2010, Đà Nẵng chính thức nói không với sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức. Không chỉ có Đà Nẵng mà tại Hà Nội, trong thi công chức ngành sư phạm, TP cũng nói không với hệ này. Sự kiện này đã đánh một dấu hỏi lớn đối với đào tạo hệ tại chức của Việt Nam hiện nay. Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, năm 2011, Bộ GD-ĐT sẽ siết chặt chỉ tiêu hệ đào tạo này để đảm bảo chất lượng.
Nhóm PV