Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Thêm 2 cô giáo “ngược đãi” trẻ mẫu giáo

TP.HCM:
Thêm 2 cô giáo “ngược đãi” trẻ mẫu giáo
 – Phụ huynh cháu bé 3 tuổi đã phản ánh với báo VietNamNet những bức xúc con của mình khi được giáo dục kiểu… phản sư phạm.
 
Mới 3 tuổi đã bị đánh vào đầu
 
"Cô Trang lấy rơ-mốt đánh tay Tý. Cô Thủy lấy cây thước màu xanh đánh trên đầu Tý đau lắm, đánh nhiều lần...".
 
Trên đây là một phần của đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Hồng Nga gởi đến Ban giám hiệu Trường Mầm non 9 để phản đối cách giáo dục có tính bạo lực của hai cô giáo lớp mầm 2 đối với cháu ngoại bà là bé Nguyễn Trọng Khôi (còn gọi là Tý, 3 tuổi). 
                                 
Trường mầm non nơi xảy ra vụ việc 
Mới đây, đường dây nóng báo VietNamNet nhận được phản ảnh của chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (ngụ tại 105 Nguyễn Thị Nhỏ, P9, Q. Tân Bình, TP.HCM) về tình trạng về tình trạng ngược đãi học sinh tại trường Mầm non 9 nơi con chị đang theo học lớp mầm.

Theo trình bày của chị Hạnh, chiều 24/11, sau khi đi học về, cháu Khôi đã nói với mẹ là bị cô giáo đánh. Cô Trang đánh vào tay và cô Thủy đánh vào đầu. Chị Hạnh cho biết, chị đã kiểm tra trên đầu cháu thấy nổi lên một cục u, dấu hiệu của chấn thương đầu. Cháu có nhiều biểu hiện khác thường như không dám đi học, đút không ăn, tối ngủ mớ và khóc thét lên. Trước hiện tượng đó, chị quyết định không cho cháu đến trường. Thấy cháu nghỉ học, một trong hai cô giáo đã chủ động gọi điện cho chị xin cho bé tiếp tục học. 

Cô giáo này đã xin lỗi, hứa không đánh cháu nữa và sẽ chăm sóc tốt hơn. Hai ngày sau khi xảy ra sự việc trên, bé Khôi bị nôn mửa khiến chị Hạnh vô cùng lo lắng. Chị đã cho cháu đi khám nhưng rất may sau đó cháu sinh hoạt bình thường trở lại.
 
Một đoạn đơn thư của bà ngoại bé Khôi viết gởi ban giám hiệu nhà trường. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa
Đến ngày 29/11, do nhiều công việc không thể để cháu ở nhà chăm sóc, chị Hạnh đưa cháu đến trường nhưng vừa nhác thấy cô giáo cháu đã chạy trốn. Đích thân cô hiệu trưởng phải chuyển bé Khôi sang học một lớp khác.
 
Chị Hạnh cho biết thêm, đến nay, những biểu hiện khác thường của cháu vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Chị cũng đã phản ánh trực tiếp sự việc này với hiệu trưởng nhà trường và nhà trường cũng đã báo cho chị biết đã kỷ luật hai cô giáo bằng hình thức cảnh cáo và cắt thi đua.
                                                
Bức xúc trước hình thức kỷ luật của nhà trường, mẹ chị Hạnh và là bà ngoại của cháu Khôi, bà Nga đã viết đơn gởi ban giám hiệu nhà trường yêu cầu có biện pháp kỷ luật nặng hơn đối với 2 cô giáo.
 
Dọa nạt đã vi phạm huống chi là đánh 
Sáng 30/11, tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Hồng, hiệu trưởng trường Mầm non 9, bà thừa nhận sự việc cháu Khôi bị đánh là có. Bà cho biết, sau khi nhận được phản ảnh đã yêu cầu hai cô giáo là Nguyễn Thị Thùy Trang và Nguyễn Thị Thu Thủy làm tường trình sự việc. Qua bản tường trình này hai cô giáo thừa nhận có đánh...“nhẹ” cháu Khôi.
 
Bé Nguyễn Trọng Khôi, "nạn nhân" của hai cô giáo. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa
Bà Hồng nói: “Đánh nhẹ hay nặng gì cũng không thể chấp nhận được. Đánh không phải là một phương pháp giáo dục các cháu ở lứa tuổi mầm non. Hai cô giáo này đã vi phạm vào các điều lệ qui định của trường mầm non trong đó có điều phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ từ thể xác đến tinh thần. Vì vậy nhà trường đã tiến hành cho hai cô làm kiểm điểm và sau đó sẽ đưa ra hội đồng nhà trường để lấy ý kiến ra quyết định kỷ luật.
                                                                     
Với cách xử lý này, ông Nguyễn Thành Lân, phụ trách Thanh tra phòng Giáo dục quận Tân Bình cũng bày tỏ sự đồng tình. Theo ông Lân, việc cô giáo đánh học sinh là không đúng. Tuy nhiên, qua sự việc trên, hai cô giáo đã thành khẩn nhận khuyết điểm thì việc xử lý như BGH đề xuất cảnh cáo và cắt thi đua cũng là hợp lý. Ông cũng đề nghị nhà trường nhắc nhở hai cô giáo chấn chỉnh tác phong khi xử lý các tình huống phát sinh trong lúc giảng dạy.

Cùng quan điểm với thanh tra, bà Phạm Thị Phước, Phó trưởng phòng Giáo dục Q. Tân Bình nói: “Giáo viên mầm non tuyệt đối không được dọa nạt, không được làm tổn thương tinh thần và thể xác của trẻ. Sự việc đánh học sinh mà hai cô giáo đã thừa nhận đã phản lại phương pháp sư phạm. Tuy nhiên, qua quá trình công tác hai cô có phẩm chất tốt, mới vi phạm lần đầu nên biện pháp xử lý của trường là thỏa đáng”.
 
"Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại", hai cô giáo đã tỏ ra thành khẩn và chị Hạnh qua trao đổi với chúng tôi cũng đã vui vẻ chấp nhận cách xử lý của trường. Tuy nhiên, trong suốt quá trình xảy ra vụ việc, dường như BGH nhà trường cũng như phòng Giáo dục đã quên không có một lời xin lỗi nào đến gia đình phụ huynh học sinh...  
 
Trần Chánh Nghĩa 
 

Bộ thay đổi, trường chịu thiệt

Kiểm định chất lượng giáo dục: 
Theo Thanh niên 
 
01/12/2010 0:10 
Trường ĐH dân lập Văn Lang (TP.HCM) là một trong 2 trường dân lập tham gia kiểm định chất lượng giáo dục - Ảnh: Đ.N.T
Do sự thiếu khách quan, minh bạch trong quá trình kiểm định khiến việc kiểm định trở thành nỗi lo, gánh nặng của các trường thay vì là niềm tự hào, hãnh diện.
Hết chu kỳ kiểm định vẫn chưa biết kết quả
Theo báo cáo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KT&KĐCLGD), vào tháng 1.2009, Bộ GD-ĐT có báo cáo đánh giá chung về 20 trường ĐH được kiểm định giai đoạn 2005-2008. Cũng trong năm này, có 20 trường ĐH tiếp theo (hoàn thành báo cáo tự đánh giá từ năm 2007) được Bộ tổ chức đánh giá ngoài (khảo sát, đánh giá của các chuyên gia không thuộc trường ĐH). Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, các trường tham gia kiểm định vẫn chưa biết có được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng hay không.
Các bước kiểm định chất lượng giáo dục
Theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT, 4 bước của quá trình KĐCLGD ĐH bao gồm:   1/ Trường đăng ký kiểm định với Bộ GD-ĐT và tiến hành tự đánh giá. 2/ Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài tiến hành khảo sát đánh giá. Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD-ĐT tổ chức đánh giá lại. 3/ Hội đồng quốc gia KĐCLGD thẩm định. 4/ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định công nhận/không công nhận.
Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Hải Phòng cho biết: “Trường tôi là một trong 20 trường đầu tiên tham gia chương trình này. Chúng tôi phải hoàn toàn chi tiền túi, phải chứng minh nhà trường có chất lượng để sinh viên đến học ở trường mình. Từ năm  2007, trường đã có đánh giá ngoài, đến năm 2009 mới công bố (kết quả của Hội đồng quốc gia KĐCLGD - PV) nhưng lại chưa khẳng định là trường có đạt chất lượng hay không”.
Đại diện ĐH Huế cũng cho biết 20 trường tham gia kiểm định đợt 2 được tiến hành đánh giá từ tháng 5.2009 nhưng hiện nay vẫn chưa có kết quả công nhận đã gây khó khăn cho hoạt động của các trường.
Trường chưa đạt tiêu chí cũng được công nhận
Năm 2004, Bộ GD-ĐT có ban hành quy định tạm thời về việc KĐCLGD trường  ĐH. Theo quy định này thì các trường sẽ được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng với 3 cấp độ, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn cũng được phân theo cấp độ đạt được.
Tuy nhiên, đến năm 2007, Bộ GD-ĐT lại ra một quyết định mới trong đó quy định  trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục nếu có 80% số tiêu chí đạt yêu cầu mà không phân theo cấp độ nào. Sau đó, tháng 2.2009, Hội đồng quốc gia KĐCLGD đã dựa trên quy định này để thẩm định kết quả đánh giá ngoài của 20 trường ĐH kiểm định đợt đầu (năm 2005). Kết quả, tất cả 20 trường đều được hội đồng bỏ phiếu kín, đề nghị Bộ GD-ĐT công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, trong khi có một số trường không đạt đủ 80% tiêu chí theo quy định.
Phát hiện những bất cập này, Báo Thanh Niên đã lên tiếng phản ảnh và được ông Phạm Xuân Thanh - Phó cục trưởng Cục KT&KĐCLGD lý giải: “Sau khi có kết quả kiểm định chúng tôi thấy rằng việc đạt được cấp độ 1 là quá dễ (sẽ có rất nhiều trường đạt được)  trong khi cấp độ 3 lại quá khó. Vì vậy, Bộ quyết định ban hành văn bản mới,  trong đó quy định chỉ đạt và không đạt để các trường phấn đấu vươn lên. Tiêu chuẩn đạt tương đương cấp độ 2. Vì vậy trường đạt cấp độ 1 là chưa đạt. Tuy nhiên, do đây là 20 trường làm thí điểm dựa trên quy định cũ nên sẽ công nhận theo quy định cũ (tức là tất cả các trường đều đạt tiêu chuẩn nhưng có nhiều cấp độ - PV)”. Lúc bấy giờ, ông Thanh  còn cho biết Cục sẽ có phương án công bố các trường đạt tiêu chuẩn ở cấp độ nào. Thế nhưng, từ đó đến nay, các trường vẫn chưa nhận được quyết định công nhận kết quả kiểm định.
Cần công khai kết quả
Ngày 30.11, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác KĐCLGD tại TP.HCM. Các trường cũng đề nghị Bộ GD-ĐT phải công khai kết quả 40 trường ĐH đã được kiểm định ngoài. Nếu không sẽ đánh đồng giữa trường đã được kiểm định và trường chưa được kiểm định. Giải đáp những kiến nghị của các trường, TS Phạm Xuân Thanh - Phó cục trưởng Cục KT&KĐCLGD lý giải: “Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp lý để phân quyền, trách nhiệm rõ ràng cho các cấp. Sau khi có đầy đủ các văn bản, Cục sẽ công bố đầy đủ danh sách tất cả các trường đã đánh giá ngoài, tự đánh giá và chưa thực hiện đánh giá”.
Đăng Nguyên
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì sau khi dư luận lên tiếng về việc Bộ vừa kiểm định, vừa công nhận sẽ thiếu tính khách quan nên Bộ GD-ĐT đã không cấp giấy chứng nhận KĐCLGD như mẫu đã ban hành. Thêm nữa, nếu công nhận theo như đề nghị của Hội đồng quốc gia KĐCLGD thì sẽ không trung thực với kết quả kiểm định. Có lẽ vì thế mà đến nay, Bộ vẫn chưa công bố được các trường này đạt hay không đạt chất lượng giáo dục, trong khi đã hết một chu kỳ kiểm định 5 năm/lần! 
Nguyên do chờ quy định mới?
Cũng trong tình trạng như vậy, 20 trường ĐH tiếp theo đã hoàn thiện báo cáo tự đánh giá từ năm 2007. Năm 2009 đã được đánh giá ngoài nhưng đến thời điểm hiện nay, kết quả này vẫn chưa được công khai và họ cũng chưa biết đến bao giờ mới được xét công nhận.
Giải thích về việc này, một lãnh đạo Cục KT&KĐCLGD cho biết, do năm 2010, thực hiện việc đổi mới quản lý giáo dục nên Bộ GD-ĐT đã có chủ trương giao việc kiểm định cho các tổ chức KĐCLGD. Đồng thời, Bộ cũng đang tiến hành lấy ý kiến để sửa đổi quy trình và chu kỳ kiểm định các trường ĐH-CĐ. Vì vậy, những trường đã được kiểm định trước đây phải chờ ban hành quy định mới rồi mới được xem xét công nhận!
Vũ Thơ

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Kiểm định rồi... để đó?

Đăng lại từ tuổi trẻ.


 Các tân cử nhân Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong ngày tốt nghiệp 5-8-2010. Đây là một trong những trường đã tiến hành kiểm định - Ảnh: Như Hùng

TT - Theo công bố của Bộ GD-ĐT, đến nay đã có 237 trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp hoàn thành tự đánh giá, trong đó bậc ĐH có 100 trường. Bộ cũng đặt mục tiêu đến năm 2015- 2020 có 90-95% trường ĐH hoàn thành tự đánh giá, chuyển sang giai đoạn đánh giá ngoài.

Nhìn vào số trường tham gia kiểm định nhằm xây dựng “văn hóa chất lượng”, nhiều người thấy lạc quan. Nhưng tốc độ kiểm định quá nhanh ở một số trường khiến không ít người lo ngại về chất lượng thực hiện kiểm định và cả những chuyển biến thực chất đằng sau các báo cáo.

Mọi việc lại như cũ

Theo GS Nguyễn Mậu Bành, thành viên hội đồng kiểm định chất lượng, các trường ĐH nước ngoài cần ít nhất 18 tháng để tự đánh giá và khắc phục các tồn tại trước khi đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục. Trong khi đó ở VN, có trường ĐH chỉ cần sáu tháng để làm việc này.

Đáng lo hơn, qua báo cáo tự đánh giá, có thể thấy thực tế đào tạo của các trường còn nhiều bất ổn. Thế nhưng, sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá, việc đưa ra chiến lược trong khắc phục tồn tại ở thời kỳ “hậu tự đánh giá” chưa được nhiều trường chú ý. Theo TS Nguyễn Kim Dung - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhiều trường chưa có kế hoạch và chiến lược cụ thể nhằm nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo theo định hướng đa dạng. Phần lớn các trường được đánh giá “có chương trình đào tạo nhưng vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu của hệ thống tín chỉ”.

TS Dung nhận xét: “Qua thực tế Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và trao đổi thông tin với các trường khác, sau tự đánh giá, chất lượng đội ngũ vẫn chưa được cải tiến rõ rệt, đặc biệt về chuyên môn, nghề nghiệp. Nhiều tài liệu quan trọng có liên quan đến giảng viên, sinh viên như chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy vẫn chưa được công khai trên trang web, tạo điều kiện cho người học tiếp cận thông tin”.

Theo đánh giá của các chuyên gia đánh giá ngoài, nghiên cứu khoa học là một trong những điểm yếu kém nhất của các trường ĐH VN. TS Nguyễn Kim Dung cho rằng đề tài nghiên cứu khoa học không những không tăng mà còn giảm. Giải thích về những bất cập chậm được khắc phục, một số hiệu trưởng cho rằng sau tự đánh giá, do sự vụ quá nhiều, thiếu lãnh đạo, thiếu kế hoạch cải tiến chất lượng, thiếu kinh phí nên mọi việc trở lại như cũ.

“Văn hóa chất lượng” còn xa

Theo TS Hồ Tấn Sính - Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, một trong những cản trở lớn trong quá trình tham gia kiểm định là nhận thức của cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên về lĩnh vực đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục còn rất mơ hồ. Cán bộ chuyên trách về việc này không được đào tạo có hệ thống bài bản, phần lớn chưa qua tập huấn về nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm về mọi mặt.

Cũng chính vì vậy mà kể cả khi giai đoạn tự đánh giá hoàn thành, việc xây dựng “văn hóa chất lượng” làm cơ sở cho mỗi thành viên trong nhà trường biết đến công việc của mình và ý thức rõ việc phải đảm bảo chất lượng là điều cực kỳ khó khăn. Bởi đó không đơn thuần là rà soát thực trạng, lập báo cáo mà là định hướng khắc phục, giải pháp khắc phục và cách để duy trì phát triển chất lượng.

PGS Nguyễn Công Khanh, giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và khảo thí Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng để xây dựng “văn hóa chất lượng” sau kiểm định, phải có giải pháp khắc phục theo lộ trình hợp lý, nhiều hoạt động phải được duy trì thường xuyên, định kỳ, trên cơ sở hệ thống các quy định, cơ chế thưởng, phạt rõ ràng, minh bạch.

TS Nguyễn Văn Minh, giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng Trường ĐH Ngoại thương, đề xuất Bộ GD-ĐT nên tổ chức các cuộc giao lưu, tọa đàm học hỏi kinh nghiệm giữa các trung tâm đảm bảo chất lượng của các trường để chia sẻ các mối quan tâm chung, hỗ trợ lẫn nhau, dần dần hình thành cộng đồng đảm bảo chất lượng, xây dựng các hình mẫu quản lý chất lượng điển hình ở các cấp độ khác.

TS Nguyễn Kim Dung cho rằng để tránh tình trạng “quay về như cũ”, Bộ GD-ĐT cần yêu cầu lãnh đạo các trường phải cam kết cải tiến chất lượng và khắc phục các bất cập, bên cạnh đó là xây dựng cơ chế khuyến khích các trường tham gia kiểm định và đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Thanh, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho đến nay Bộ GD-ĐT mới chỉ có duy nhất giải pháp khuyến khích các trường tham gia hoạt động kiểm định chất lượng là tính điểm thi đua và xem xét tăng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Nhưng đối với nhiều trường, giải pháp này không đủ tác động vì thực tế họ còn tuyển không đủ chỉ tiêu được giao.

Khoảng 50-80% tiêu chí đạt mức 2

Có 10 tiêu chuẩn, 53 tiêu chí bao quát hầu hết các mặt hoạt động của trường, mỗi tiêu chí chia ra hai mức, mức 1 (đạt khoảng 50% yêu cầu) và mức 2. Theo một số trường đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, hầu như không có trường nào đạt toàn bộ tiêu chí ở mức 2. Phổ biến ở các trường này chỉ có khoảng 50-80% tiêu chí đạt mức 2, có tiêu chí không đạt yêu cầu. Đơn cử như Trường ĐH Hải Phòng, chỉ có 23 tiêu chí đạt mức 2, 30 tiêu chí chỉ đạt mức 1. ĐH Huế sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá chuyển sang đánh giá ngoài, kết quả cũng chỉ có 35 tiêu chí xếp mức 2 (chiếm 66,04%)...

VĨNH HÀ

Lời của ban biên tập:

KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG (KĐCL) là cái "Chất" ảo, nó có khả thi ở các trường Đại Học hoặc THPT. Riêng THCS và Tiểu học thì..."thêm rối". Vì sao?
1.  HS THCS, Tiểu học tuyển theo vùng và Xét tuyển (100% được vào) như ở địa bàn Huyện Đạ Teh. Dù "trường anh, trường tôi" có THƯƠNG HIỆU thì ai cho phép "các anh" tuyển? CƠ CHẾ ĐẤY- BỘ CÓ THAY ĐỔI ĐƯỢC CHĂNG?
2. KĐ đi ngược lại với cải cách hành chính:
Bộ đẻ ra nhiều thứ quá, nếu cứ như quy định về KĐCL, chắc mỗi trường THCS phải có 3 văn thư "cực giỏi", phải có nhiều cuộc họp hơn nữa quý Bộ ơi.
ĐQT


Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Đánh, lột áo nữ sinh trong lớp


 
25/11/2010 11:05 
Trường THCS Mạch Kiếm Hùng
Sự việc xảy ra khi tiết học vừa kết thúc, giáo viên đã ra ngoài. Nguyên nhân được xác định là do một cái liếc mắt.
Vụ việc xảy ra vào ngày 3-11, tuy nhiên đến ngày 19-11, Ban Giám hiệu Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (phường 11, quận 5- TPHCM) cùng các cơ quan chức năng mới phát hiện, do một phụ huynh vào trường cung cấp.

Không thể tưởng tượng nổi?

Ngày 23-11, ông Đinh Phan Long, Hiệu trưởng Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT TPHCM, Quận ủy, UBND, công an và Phòng Giáo dục quận 5 về việc “Học sinh đánh nhau, ghi hình vào điện thoại di động (ĐTDĐ)”. 

Báo cáo nêu rõ: “Lúc 11 giờ ngày 19-11, hiệu trưởng của trường có xem một đoạn phim trên ĐTDĐ mô tả 3 nữ sinh mặc đồng phục của nhà trường đang bắt quỳ, lột áo và đánh đập một nữ sinh khác cũng mặc đồng phục của trường”. 

Báo cáo cũng nêu rõ nguyên nhân đánh đập nữ sinh T. chỉ là do nữ sinh T. đã liếc mắt. Sự việc xảy ra tại lớp, khi tiết học vừa kết thúc, giáo viên đã ra ngoài.

“Không thể tưởng tượng nổi” - ông Long đã thốt lên như vậy với chúng tôi khi xem xong đoạn clip. Ông Long cũng cho biết qua đoạn clip, nhà trường đã nhận diện được các nữ sinh tham gia đánh bạn gồm: L. T. N. N, V. P. H và L. T. M (đều sinh năm 1997, là học sinh lớp 8A5); nữ học sinh bị đánh là T. T. T. T. 

Nữ sinh L. M. P, cùng lớp, là người đã dùng ĐTDĐ của một bạn khác để quay phim ngay tại phòng học của lớp 8A5. 

Tìm biện pháp hạn chế phát tán clip 

Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, sáng 22-11, Công an phường 11, quận 5 đã lần lượt mời các học sinh liên quan để lấy lời khai ban đầu trước sự giám hộ của ông Lê Hoàng Kiểng, phó hiệu trưởng nhà trường; bà Ngô Tuyết Mai, chuyên viên tư vấn tâm lý của trường và ông Phan Thế Thắng, giám thị khối lớp 8. 

Theo ông Long, hiện Công an phường 11, quận 5 đã có báo cáo ban đầu về vụ việc cho Công an quận 5 và đang tìm biện pháp hạn chế sự phát tán clip này. 

Ngày 24-11, ông Kiểng cho biết các học sinh tham gia vụ đánh em T. vẫn đến trường học tập bình thường nhưng dưới sự giám hộ chặt chẽ của các giám thị. Nhà trường cũng đã thành lập hội đồng kỷ luật.

Ông Kiểng cũng cho biết chiều cùng ngày, trường sẽ họp hội đồng kỷ luật. Hình thức kỷ luật cao nhất là đuổi học một  năm đối với học sinh “cầm đầu” theo nội quy của nhà trường. 

Trao đổi với chúng tôi, phụ huynh của các học sinh liên quan đều có chung quan điểm nhà trường cứ làm theo quy định, không thể dung thứ. 

Xử lý nghiêm

Trước sự việc trên, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết ngay khi có thông tin về vụ việc, sở đã chỉ đạo Phòng Giáo dục quận 5 xác minh. 
   
Ông Chương cũng yêu cầu Ban Giám hiệu Trường THCS Mạch Kiếm Hùng phải kiểm điểm, xử lý nghiêm các học sinh tham gia tùy theo mức độ vi phạm. Nếu vi phạm nhẹ sẽ bị phê bình, khiển trách trước trường; vi phạm nặng sẽ bị đuổi học. 
  
Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo tất cả cán bộ quản lý trường học phải hết sức lưu ý đến mọi diễn biến tâm lý của học sinh, có biện pháp giáo dục phù hợp để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Theo Người Lao Động

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Thêm một bảo mẫu hành hạ trẻ em

Theo thanhnien.com.vn 
24/11/2010 14:07 
(TNO) Từ đoạn video clip về vụ hành hạ trẻ em được tung lên mạng, sáng nay (24.11), Công an xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, đã truy tìm ra địa điểm và xác định đối tượng chính của vụ việc.
Đoạn video clip dài 1 phút 16 giây quay cảnh một phụ nữ to béo mặc áo hồng đang tắm rửa cho một em bé một cách "quá thô bạo".
Hình ảnh trong đoạn clip trên khiến nhiều người hết sức phẫn nộ và liên tưởng đến vụ hành hạ trẻ em của "bảo mẫu" Quảng Thị Kim Hoa (ở Đồng Nai) cách đây chưa lâu.
Sau khi đoạn clip trên xuất hiện, khoảng 10 giờ sáng 24.11, Công an xã Thuận Giao, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em bất ngờ kiểm tra hành chính điểm giữ trẻ không phép tại nhà bà Trần Thị Phụng (sinh năm 1958) thuộc ấp Bình Thuận 1, xã Thuận Giao.
Tại thời điểm kiểm tra, trong nhà bà Phụng có 6 đứa trẻ từ 1 đến 3 tuổi (gồm 2 nam, 4 nữ).


Bé Ngân (phải) bị bà Phụng hành hạ trong lúc tắm - Ảnh: Bá Dương

Sau khi được Công an xã cho xem lại video clip phát trên mạng, bà Phụng đã thừa nhận đứa bé bị hành hạ trong lúc đang tắm là bé Ngân (3 tuổi), con của cặp vợ chồng làm công nhân gửi trông giúp với số tiền từ 300.000 - 600.000 đồng/tháng.
Tuy thừa nhận việc tắm theo kiểu hành hạ trẻ, nhưng khi được mời lên Công an xã Thuận Giao làm việc, bà Phụng khai không nhớ rõ thời điểm xảy ra sự việc trên là khi nào. Bà Phụng cho rằng, chỉ tắm và dội nước chứ không hề đánh bé Ngân.
Còn nguyên nhân giật tóc dội nước trong đoạn video clip được bà Phụng lý giải:“Do bé Ngân không chịu cho mình gội đầu”.


Bà Phụng (giữa) đang được Công an xã cho xem lại video clip tại nhà riêng - Ảnh: Bá Dương

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Thuận Giao cho biết, bà Phụng hành nghề giữ trẻ không phép đã 10 năm nay, xã đã nhiều lần kiểm tra, năm 2008 có lập biên bản vi phạm và xử lý hành chính, cam kết không được hành hạ trẻ.
Hiện Công an xã đã đề nghị Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội huyện Thuận An vào cuộc điều tra vụ việc.
Bá Dương

Bình luận:
Thầy đánh trò, Cô làm nhục trò... rồi đến Cô đánh cô, Thầy "Đấm " Thầy. .. Và kiếp luân hồi..... một vòng tròn khép kín: Trò xử thầy, trò làm nhục cô. Hay lắm, tốt lắm nền giáo dục nước nhà.
Hỡi "HAI KHÔNG", Hỡi "THÂN THIỆN"... Và sự bất lực của chính quyền địa  phương hơn 10 năm nay, hơn 10 thế hệ con trẻ bị đọa đầy....Còn Phong trào nào nữa không hỡi các nhà quản lý giáo dục?

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Rùng mình nữ sinh dùng kéo xử nhau


Những vụ nữ sinh đánh nhau với tính chất nghiêm trọng như "xử" theo nhóm, dùng "độc chiêu" và hung khí… đang xảy ra ngày càng phức tạp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Mới đây Công an phải vào cuộc điều tra vụ nữ sinh của ba trường THPT ở huyện Đức Phổ và Mộ Đức đánh nhau. Điều đáng nói một nữ sinh dùng kéo làm hung khí và hậu quả một nữ sinh khác phải vào viện.
Nữ sinh dùng kéo… đánh nhau Những ngày đầu tháng 11/2010, tại sân vận động thị trấn Đức Phổ, Trường THPT Đức Phổ 1 tổ chức thi đấu giải bóng đá cấp trường. Đông đảo học sinh trong trường Đức Phổ 1 và một số trường khác đến xem cổ vũ. Một nhóm nữ học sinh gồm H.T.H.P. (16 tuổi) và N.T.M.D. (16 tuổi) đang học Trường THPT Đức Phổ 1 và L.T.M.T. (16 tuổi), học Trường THPT Lương Thế Vinh và T.T.C.V. (ở huyện Đức Phổ) đang xem bóng đá thì gặp L.T.M.C. (17 tuổi), là học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Quang Diệu (ở huyện Mộ Đức). Vì mâu thuẫn trước đó, C. đánh một nữ sinh khác nên 2 nữ sinh T. và P. lao vào túm tóc đánh C. Không chịu thua, C. ăn miếng trả miếng quyết liệt. Vì bên đối phương đông, nhanh chóng C. bị ngã xuống đất và bị P. ngồi đè trên người đánh. C. rút cái kéo nhỏ (dùng để học nghề may quần áo) quất vào mặt P. Hậu quả, P. bị kéo cắt một đường dài trên mặt, máu chảy ướt cả mặt và áo. Do can ngăn, hai bên ngừng đánh nhau, D., T., V. đưa P. xuống Bệnh viện Đặng Thùy Trâm may vết thương 8 mũi trên mặt. Hậm hực không chấp nhận thua, để P. lại bệnh viện, 2 nữ sinh D. và V. quay lại sân vận động trả thù cho bạn. Trên đường lên gặp C. và 2 người bạn gái tên Q. và N. đi xuống. Hai nhóm nữ sinh lời qua tiếng lại, tiếp tục lao vào túm tóc, đánh túi bụi. Người lớn đi ngoài đường thấy bất bình đã vào can ngăn. Cả hai bên đành chịu thả ra và giải tán. Sau khi xảy ra đánh nhau, có 2 nữ sinh Q. và N. đã bỏ vào TP HCM và ra tỉnh Quảng Nam. Trước vụ việc phức tạp, Công an huyện Đức Phổ đã vào cuộc điều tra để làm rõ vụ việc đánh nhau dẫn đến thương tích của các nữ sinh trên.


Hai cặp nữ sinh đánh nhau tại khu vực Trường Xuân, thuộc tổ 17, phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi.
Nữ sinh và những "võ đài" di động Ở Quảng Ngãi hiện nay những vụ việc nữ sinh tổ chức đánh nhau, "chị đại" xử tội nữ sinh "non" mới tập tành ăn chơi, đánh hội đồng… không còn là hình ảnh hiếm thấy. Tại khu vực đê bao Trường Xuân, thuộc tổ 17, phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi là nơi "võ đài" lý tưởng của giới nữ sinh. Người dân ở đây thỉnh thoảng thấy hàng chục học sinh nam, nữ tập trung lại. Các nữ sinh mặt mày non choẹt nhưng bằng hành động dữ tợn xông vào đấm đá, quật nhau ngã lăn quay xuống vỉa hè. Cứ một nữ sinh té xuống là lại bị nữ sinh kia túm tóc dốc ngược lên đánh tiếp. Đi kèm những cú đánh, đấm là những câu chửi khó nghe mà xuất phát từ miệng những cô nữ sinh. Chứng kiến những cú đánh, túm tóc không ai không thấy đau lòng, ngoại trừ những em học sinh đang đứng bên ngoài nhiệt tình la ó cổ vũ. Càng phấn khích, các nữ sinh càng đánh hăng hơn để thể hiện mình trước đám đông. Một số người lớn gần đó đến can ngăn nhưng đám đông nữ sinh vẫn thắt chặt bao quanh cổ vũ. Không ít những trận đánh nhau có sự ra mặt của các "chị đại". Các "chị đại" này đều có máu mặt ở TP Quảng Ngãi. Họ thường đứng ra bảo kê cho một số nhóm nữ sinh "thích quậy hơn thích học". Trước khi đánh nhau, hai nữ sinh trên đã tìm 2 "chị đại" bảo kê cho mình và chỉ dẫn những chiêu thức hạ đối thủ. Tình trạng bạo lực học đường, nhất là trong nữ sinh rất đáng báo động, cho thấy sự  xuống cấp về đạo đức của một bộ phận thanh, thiếu niên, thể hiện qua lối hành xử côn đồ, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, khiến dư luận hết sức lo ngại. Hiện tượng bạo lực học đường ở Quảng Ngãi đang "nóng" lên gần đây cho thấy một thực trạng rõ ràng: học sinh đang thiếu sự giáo dục về kỹ năng tháo gỡ mâu thuẫn và văn hóa trong ứng xử. Bên cạnh việc thiếu quan tâm, theo sát con cháu của nhiều bậc phụ huynh thì vai trò, trách nhiệm các nhà trường, nhất là các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ huynh… cũng cần xem xét một cách nghiêm túc

Thành Sự
Theo http://www.cand.com.vn/ 

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Cần thay đổi cách trả lương cho giáo viên

 
Năm 2010 đã gần hết nhưng lời hứa giáo viên (GV) được sống bằng lương vẫn như một bài toán chưa có lời giải.
Tăng hơn hai lần?
Tại kỳ họp QH lần thứ 7, khóa XII, diễn ra vào tháng 6.2010, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của QH đã chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, khi đó vẫn kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về lời hứa này. Trả lời bằng văn bản, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay: So với năm 2006, đến nay (2010), lương GV đã tăng gấp 2,1 lần, vào khoảng 2,5 - 4 triệu đồng/tháng, cao hơn so với các ngành khác.
 
 Phải có giải pháp để nhà giáo nhận lương đúng với công sức và vị trí của mình - Ảnh: Đ.N.T
Tuy nhiên, ông Nhân cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Với nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, mức lương này vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi tăng thu nhập thực tế cho GV, nhất là khi có con nhỏ, đời sống của một bộ phận nhà giáo vẫn gặp không ít khó khăn".


Con số này thật khó chấp nhận vì ở một nước mà nhiều thứ được quy ra vàng thì mức lương năm 2006 (lúc giá vàng 1,1 triệu đồng/chỉ) đến năm 2010 (vàng 3,5 triệu đồng/chỉ) là… thụt lùi

Một giáo viên
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ GD-ĐT) phân tích: “Lạm phát từ sau năm 2006 đến năm 2009 là 44,6%. Như vậy, thu nhập thực tế của GV đã tăng 1,44 lần”. Ông Ngữ nói: “Một GV tốt nghiệp đại học (ĐH) ra trường năm 2010 có mức lương là 2,306 triệu đồng/tháng. Nếu ở thời điểm năm 2006 thì GV này có mức lương là 1,105 triệu đồng/tháng”.
Ông Ngữ nêu ví dụ, ở các tỉnh miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn, một công chức có trình độ cao đẳng (CĐ) được hưởng mức lương hệ số 2,1 và phụ cấp khu vực là 0,7 thì chỉ được 1.820.000 đồng/tháng, nhưng một GV bậc CĐ cũng làm việc tại khu vực đó sẽ có thêm phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thu hút, cộng lại cũng gần 3 triệu đồng. Mức sống của GV vào năm 2010 được cải thiện đáng kể so với năm 2006 và cao hơn so với công chức, viên chức của các ngành khác.
Hụt hơi vì tăng giá
Các nhà giáo lại chưa “tâm phục” với cách lý giải trên. Một nhà giáo lên tiếng: “Con số này thật khó chấp nhận vì ở một nước mà nhiều thứ được quy ra vàng thì mức lương năm 2006 (lúc giá vàng 1,1 triệu đồng/chỉ) đến năm 2010 (vàng 3,5 triệu đồng/chỉ) là… thụt lùi”. Không chỉ so với vàng mà so với thịt, cá, xăng dầu, mắm muối… những thực phẩm thiết yếu hằng ngày, thì mức tăng trên cũng chưa thấm vào đâu. Nhà giáo này có thâm niên giảng dạy bậc ĐH 33 năm nhưng tổng lương chưa đến 4 triệu đồng. Vậy những giảng viên khác có thâm niên khoảng 5-7 năm lấy đâu ra mức lương cao hơn 2,5 triệu đồng?
Phụ cấp thâm niên sẽ thay đổi?
Theo dự thảo Nghị định về phụ cấp thâm niên mà Bộ GD-ĐT công bố mới đây, đang được Chính phủ xem xét, nhà giáo có thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập đủ 5 năm (60 tháng liên tục hoặc gián đoạn) trở lên sẽ được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Mức phụ cấp thâm niên được tính hưởng bằng 5%, từ năm thứ sáu trở đi (đủ 12 tháng) mỗi năm được tính thêm 1%.

GS Đỗ Đức Thái, trường ĐH Sư phạm Hà Nội tâm tư: “Một giảng viên trẻ ở khoa chúng tôi nhận mức lương khoảng 1,8 triệu đồng. Tất cả các thu nhập cộng lại mới được 2 triệu đồng/tháng. Thuê một phòng trọ trong dãy nhà cấp 4 cũng mất ngót nghét 1 triệu, còn lại chừng 1 triệu để chi phí cho toàn bộ sinh hoạt. Họ buộc phải làm thêm để kiếm sống nên dễ bị phân tâm, không thể dành thời gian, tâm sức cho nghiên cứu khoa học, giảng dạy được”.
Giải pháp nào?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, cho rằng: “Lời hứa sống được bằng lương là một khái niệm quá chung chung và khó thẩm định! Sống được bằng lương hay không còn phải tùy thuộc vào mức sống. Cuộc sống ở mỗi địa phương khác nhau, với cùng một mức lương nhưng ở Hà Nội và TP.HCM có thể gặp rất nhiều khó khăn, trong khi ở nơi khác lại tạm đủ”. Theo ông Lợi, nên thay đổi cách trả lương theo hướng phù hợp với giá trị lao động bỏ ra, gắn với kết quả lao động thì mới ổn. Chứ như hiện nay dù GV dạy tốt hay không thì mức lương “cứ tăng theo thời gian”.
Còn ông Nguyễn Văn Ngữ thì khẳng định: “Trong 5 năm tới, Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách tăng lương cơ bản cho GV và sẽ có những cơ chế khuyến khích đội ngũ nhà giáo nâng cao trình độ, chất lượng giảng dạy để nâng cao thu nhập, đời sống của GV sẽ tốt hơn”.
Tuệ Nguyễn


Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

'Em sẽ rút bớt tiền 20/11 ủng hộ miền Trung'

- “Nếu bố mẹ đưa nhiều quá, em sẽ rút bớt ra ủng hộ miền Trung”- Nguyễn Tùng Lâm, học sinh lớp 6, Trường THCS ở Cầu Giấy (Hà Nội) hồn nhiên nói về chiếc phong bì bố mẹ vẫn thường đưa em gửi tặng thầy cô nhân ngày 20/11.



Dần quen "văn hoá phong bì"

“Em thấy đó như một truyền thống vậy, vì từ nhỏ đã được bố mẹ đưa đi thăm thầy cô giáo và tặng phong bì. Sau đó, em thấy thầy cô lại yêu quý mình hơn.”- Phùng Minh Dương, học sinh lớp 7, TrườngTHCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy thổ lộ.

Khi được hỏi Dương có suy nghĩ gì về việc thầy cô vẫn nhận phong bì của bố mẹ, Dương bảo: Đôi khi thầy cô không thích nhưng vẫn phải nhận.

Tới lễ 20-11, đường sá đông đúc, gần như không có chuyện bố mẹ để các con tụm năm tụm ba tự đến nhà chúc mừng thầy cô giáo.

Các phụ huynh thu xếp thời gian đến mừng thầy cô giáo chủ nhiệm và một vài bộ môn chính. Quà gọn nhẹ nhất là một bó hoa, hoặc một gói quà nhỏ, kèm theo phong bì.

Khi Lâm còn học cấp I, bố mẹ không cho cùng đến thăm thầy cô giáo. Nhưng đến dịp lễ gần đây, Lâm được bố mẹ đưa đến chúc mừng 20/11. Lâm bảo: “Em viết lời chúc vào bưu thiếp, còn bố mẹ gói ghém quà hộ em.”

"Nếu bố mẹ tặng thầy cô phong bì tiền thì sao?", Lâm hồn nhiên: “Nếu bố mẹ tặng tiền nhiều quá, em sẽ rút bớt ra ủng hộ miền Trung!”. Vừa rồi, Lâm xem thời sự thấy miền Trung gặp lũ khổ quá, Lâm đã ủng hộ các bạn nhỏ sách vở và quần áo.

Lâm bảo: Nếu bố mẹ tặng tiền như…đút lót thì em không thích, nhưng chút ít và quà bánh biếu thầy cô thì "được". Lâm nói mình thích tặng thầy cô một món quà hơn nhưng em không có tiền, không được chọn và không được đi lung tung để mua, nên đành chấp nhận.

Đến nhà thầy cô, tặng quà là việc do Lâm đảm nhiệm. Cậu thường bắt đầu bằng câu: “Nhân ngày 20/11…và kết thúc là “bố mẹ con có món quà nhỏ tặng cô ạ!”. Lâm kể: Biết có phong bì nên cô ngần ngại không dám nhận. Sau đó, bố mẹ nói cô mới nhận. Cậu kể thêm, bố mẹ không tặng thay mình vì bố mẹ cũng ngại.

Nhưng Lâm bảo: "Điều đó không ảnh hưởng đến tình cảm của em dành cho thầy cô, không làm bớt quý thầy cô. Em vẫn quý thầy cô bằng quý bố mẹ!".

Nguyễn Thu Thảo, học sinh lớp 9 thì nói, em vốn không thích "chủ nghĩa phong bì", nhưng không được tự đi thăm thầy cô bao giờ. Bố mẹ cũng ngại đưa phong bì cho cô nên dành việc đó cho con. Bố mẹ bảo điều đó cũng là hợp lý.

Đã quen với "văn hoá phong bì" ngày 20/11, nhiều học sinh nói điều đó không làm ảnh hưởng gì đến tình cảm mà mình dành cho thầy cô. Nhưng khi được hỏi chọn giữa quà và phong bì, không bạn nào chọn phong bì. Các bạn vẫn thích được tặng thầy cô một món quà có ý nghĩa hơn.

Quà 20/11 “made by teen”

Bên cạnh sự chuẩn bị của bố mẹ, nhiều bạn nhỏ và tập thể lớp đã dành cho thầy cô những món quà nhỏ nhưng rất đáng yêu và ý nghĩa.

Phùng Minh Dương kể, ở lớp, các bạn cùng nhau thiết kế một cuốn sổ tay dễ thương. Mỗi bạn sẽ viết lời chúc, lời nhắn gửi đến thầy cô vào những tờ giấy đủ màu sắc rực rỡ và dán vào cuốn sổ đó. Có bạn làm hẳn cả một bài thơ về từng thầy cô giáo nữa. Cuốn sổ đó được cả lớp dành tặng cô giáo chủ nhiệm vào đúng ngày 20/11.

Là lớp phó học tập, và là người nghĩ ra món quà này, Dương hồi hộp nghĩ cô sẽ bất ngờ và vui lắm.

Học sinh ở một lớp 7 Trường THCS Nguyễn Tất Thành lại dành tặng thầy cô những tiết mục hát và diễn kịch ngay tại lớp. Các bạn ghi nhớ từng điệu bộ, lời nói của thầy cô trong những giờ học hằng ngày và đem diễn lại giống hệt khiến các thầy cô rất xúc động.

Có lớp, các em cùng nhau gấp những chú hạc bằng giấy đủ màu sắc rực rỡ và đặt vào bình thuỷ tinh xinh xắn tặng cô giáo. Hàng ngày, các bạn "quy định" cô chỉ được mở một con hạc ra vào mỗi buổi sáng. Bên trong những chú hạc giấy là lời chúc ngộ nghĩnh.

Có lớp, phái nữ trổ tài nữ công gia chánh, tặng cô và cả lớp chiếc bánh kem tự làm.

Các bạn nhỏ, bằng trí tưởng tượng và tình cảm thơ ngây, trong sáng của mình có thể khiến nhiều thầy cô xúc động rơi nước mắt vì những món quà nhỏ xinh và đầy ý nghĩa.

Muốn tìm hiểu “mức sàn” của phong bì để lo cho con bằng bạn bằng bè, chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với một số phụ huynh.

Trên vỉa hè trước cổng một trường THCS khá danh tiếng, thay vì học sinh là một nhóm các mẹ tay ôm những bó hoa tươi rực rỡ. Trường học bán trú 100% học sinh nên cơ hội thuận lợi nhất cho các mẹ gặp thầy cô là giờ nghỉ trưa.

“Ba trăm, bốn trăm hay năm trăm mỗi cô đây các mẹ ơi?”- Một phụ huynh quay ra bàn mức tiền. Một phụ huynh khác góp lời: “Một là ba trăm, hai là năm trăm, chứ đừng bỏ bốn trăm. Nghe số 4 nó cứ làm sao!”. Chốt hạ, các mẹ quyết định biếu mỗi cô 500.000 đồng cùng một bó hoa tươi.

Chúng tôi băn khoăn hỏi: “Em cũng định đi riêng cho con. Nhưng không biết các mẹ thường đi bao nhiêu?”

Một phụ huynh vui vẻ trả lời: “Đây là mức hội phụ huynh biếu các cô và ban giám hiệu. Còn ai đi riêng thì tuỳ mỗi người. Chúng tôi đi cùng với hội phụ huynh, tiện thể biếu thêm giáo viên chủ nhiệm năm trăm nghìn nữa.”

“Mức như thế có cao quá không các mẹ ơi? Đi riêng mà?”. Chị phụ huynh khác tiếp lời: “Thế là được rồi. Không có mà đi lấy vài triệu thì vài trăm cũng được. Cả năm có bao nhiêu ngày lễ, chứ có phải riêng ngày nhà giáo đâu. Lại còn những đứa khác nữa chứ. Đấy là tấm lòng của mình thôi!”

Khoảng hơn một giờ ở trước cổng trường, chúng tôi đã được tiếp chuyện với khá nhiều nhóm phụ huynh đến mừng 20-11 với món quà gọn nhẹ là hoa và tiền. Thông thường, các phụ huynh bỏ phong bì khoảng 500.000 đồng.

“ Năm ngoái, chị không đi thăm cô đâu. Vì cô là giáo viên chủ nhiệm, nhưng lại dạy môn phụ. Năm nay, cô lại tiếp tục chủ nhiệm, chẳng lẽ lại không đi?”- Một bà mẹ khác tiết lộ. Chị bảo, ở trường này, các cô không trù học sinh nhưng muốn đi để thể hiện tấm lòng và yên tâm hơn.

Đến một trường cấp II khác, chúng tôi được tiếp chuyện với một phụ huynh rất chăm đi thăm thầy cô giáo. Hầu như, ngày lễ nào chị cũng đi, từ 8/3, 20/10, 20/11, Tết Nguyên Đán. Mỗi lần như thế, chỉ bỏ phong bì từ 200 - 300.000 đồng, giáo viên chủ nhiệm có thể nhiều hơn.

“Đến ngày lễ, đại diện hội phụ huynh sẽ thay mặt các ông bố bà mẹ lo từ A-Z việc chúc mừng và tặng quà thầy cô giáo. Sau đó, ai đi thêm là việc riêng của gia đình”- một trưởng hội phụ huynh cho biết.

Nguyễn Hường
Theo Việt Nam Nét

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Năm 2010, giáo viên sống được bằng lương?: Kỳ I: Lương giáo viên… cận chuẩn nghèo

Một giờ sinh hoạt tập thể HS trường THCS Quốc Oai- Đạ Teh

Theo báo giáo dục TPHCM http://giaoduc.edu.vn



Cách đây gần 4 năm, ngày 17-11-2006, trong buổi gặp gỡ 13 nhà giáo nhân dân vừa được phong tặng và một số giáo sư mới được công nhận chức danh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân (nay là Phó thủ tướng) đã nói, đến năm 2010 nhà giáo có thể sống được bằng lương. Bây giờ chỉ còn hơn 3 tháng là hết năm 2010, vậy lương của giáo viên đã đủ sống?

Hiện nay, một giáo viên (GV) mới đi làm, mỗi tháng chỉ được lãnh từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. TP.HCM đã nâng mức chuẩn nghèo lên 12 triệu đồng/người/năm, tương đương 1 triệu đồng/tháng. Theo chuẩn nghèo mới này, lương GV chỉ trên chuẩn nghèo một chút.
Nhiều GV thừa nhận khi đã chọn nghề giáo, không ai nghĩ mình sẽ giàu. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là cứ phải sống một cuộc sống thiếu trước hụt sau. Huống hồ, GV không chỉ có giờ lên lớp mà về nhà còn phải soạn giáo án, tìm tòi cách đổi mới phương pháp dạy học…
Thua lương… osin
“Nếu chúng tôi không chọn nghề giáo mà chọn nghề khác, có lẽ đời sống sẽ khấm khá hơn nhiều”, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 tâm tư.
Thật vậy, với thu nhập chưa tới 1,6 triệu đồng/tháng đối với những GV mới đi làm và trên 4 triệu đồng đối với GV có thâm niên gần 30 năm thì nghề giáo là nghề có thu nhập khá “bèo”.
Sau hàng chục năm đứng trên bục giảng, đến nay lương của cô Nguyễn Thị Dung (GV Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) chỉ trên 3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, con gái cô mới ra trường và làm việc tại Ngân hàng ACB đã được hưởng mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Trường hợp lương của cha, mẹ làm nghề “gõ đầu trẻ” chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 lương của con như mẹ con cô giáo Dung không phải là hiếm.
Trong khi lương cao gấp đôi lương mẹ nhưng bước ra khỏi công ty là xong một ngày làm việc của con gái cô Dung. Song với cô Dung thì khác. Tan trường, cô còn phải quan tâm đến việc học sinh có về nhà không hay lại la cà chơi game, thậm chí là gây gổ đánh nhau. Về tới nhà, trút bộ áo dài ra nào đã hết việc, cô phải soạn giáo án cho ngày mai, tự học để nâng cao kiến thức với mong mỏi truyền đạt kiến thức đến học sinh một cách tốt nhất.
Tuy vậy, so với các đồng nghiệp dạy mầm non hay tiểu học, áp lực của cô Dung vẫn còn nhẹ.
Chẳng hạn như trường hợp của cô Trần Đức Bảo Lan (GV Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1). Hàng ngày cô không chỉ tổ chức các hoạt động vui chơi, dạy học cho trẻ mà còn phải cho trẻ ăn, trẻ ngủ. Thậm chí khi trẻ ói, “ị”, cô cũng phải dọn. Buổi chiều, thay vì 4 giờ 30 là về thì 6-7 giờ mới về. Vì: “Phụ huynh gọi điện: “Cô ơi, mẹ đang bị kẹt xe, cô trông con giúp mẹ…”. Về nhà nào đã yên thân. Trẻ hơi nóng một chút, không chịu ăn hay có một vết xước ở người là phụ huynh gọi điện hỏi coi ban ngày ở trường có chuyện gì xảy ra. Với những phụ huynh nóng tính, GV có thể bị mắng vốn. Cực nhọc vậy mà lương chẳng đáng là bao.
Với những công việc mà GV mầm non đang làm, theo bà Lê Thị Liên Hoan - Phó trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM thì chẳng khác nào “osin cao cấp”. Nhưng đáng buồn hơn, lương của “osin cao cấp” lại thua lương osin.

Lương thấp = cuộc sống chật vật


Sau 3 năm đi dạy, đến nay lương của cô Hồ Thị Hằng (GV Trường THCS Quang Trung, Q.Gò Vấp) đã được nâng lên 2.070.000 đồng/tháng. Không có nhà nên hai vợ chồng cô phải đi ở trọ. Trung bình mỗi tháng vợ chồng cô phải trả từ 1,2-1,3 triệu đồng tiền phòng trọ (bao gồm tiền phòng, điện, nước). “Chồng tôi đi làm xa, mỗi tháng tằn tiện lắm cũng chỉ gửi cho vợ được 1 triệu đồng. Số tiền này cộng với tiền lương của tôi sau khi đã trừ tiền phòng trọ thì cũng chỉ đủ ăn. Bây giờ mà có một đứa con, tôi không biết phải làm thế nào”, cô Hằng tâm sự.
Cùng chung cảnh ngộ đi thuê nhà trọ với cô Hằng là trường hợp thầy Hoa Thành Tường (GV Trường Tiểu học Trần Quang Khải, Q.1). Từ 10 năm nay, trung bình mỗi tháng thầy phải trích từ những đồng lương ít ỏi khoảng 1-1,3 triệu đồng để trả tiền phòng trọ. 27 năm cống hiến cho nghề dạy học, đến nay lương của thầy Tường cũng chỉ có 4 triệu đồng. Sau khi trừ đi tiền nhà, tiền học của các con, gia đình thầy phải sống một cuộc sống khá chật vật.
Những trường hợp cả hai vợ chồng cùng theo nghề giáo, đời sống còn khó khăn hơn nhiều. Trường hợp của thầy Nguyễn Trí Thức (GV Trường THCS Gò Vấp, Q.Gò Vấp) và cô Nguyễn Thị Phương Loan (GV Trường THCS Quang Trung, Q.Gò Vấp) là một ví dụ. Với 9 năm đứng trên bục giảng, hiện lương của thầy Thức và cô Loan chỉ vẻn vẹn 2,5 triệu đồng/tháng/người. “Cũng may chúng tôi ở nhà bố mẹ chồng nên không mất một khoản tiền phòng trọ. Tuy vậy, từ ngày có con, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Muốn mua sắm cái gì cũng phải đắn đo, suy nghĩ”, cô Loan nói.
Tổng lương của hai vợ chồng cô giáo Nguyễn Ngọc Trinh và chồng làm bảo vệ Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Số tiền ít ỏi này may mắn không phải chi tiền thuê nhà, vì “Chúng tôi ở chung nhà bố mẹ tôi”, cô Trinh nói. Tuy vậy, với hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học (đứa lớn học lớp 12, đứa nhỏ học lớp 8) nên vợ chồng cô phải chắt chiu từng đồng để đảm bảo cuộc sống thường ngày. “Còn khoảng 7 năm nữa là tôi về hưu, tôi thèm có một căn nhà riêng lắm”, cô Trinh khát khao.
Nỗi khát khao của cô Trinh cũng là niềm mong mỏi của hầu hết GV đang ngày ngày truyền đạt kiến thức tới các em học sinh. Nhưng thực tế lương chẳng đủ ăn thì làm gì có dư mà mua nhà…
Bài Hòa Triều, ảnh THCSQO

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Nhiều giáo viên chuyển sang nghề da giày, may mặc

Theo   http://vtc.vn 17/10/2010 17:04
Hiện nay, ở Hải Phòng, không ít người được đào tạo trình độ đại học sư phạm chính quy nhưng đã phải chuyển sang làm các công việc khác như: da giày, may mặc, thậm chí làm bảo vệ… Rất nhiều giáo viên hợp đồng đứng lớp 40 tiết/1 tuần với mức lương không đủ tiền xăng xe đã phải từ bỏ “nghề cao quý” để tìm kiếm các công việc khác làm kế sinh nhai.
Tin liên quan


Ảnh minh họa. 
Chị Hoàng Thị Thường, giáo viên Trường tiểu học An Hòa (An Dương, Hải Phòng) trò chuyện với chúng tôi:
Ra trường năm 2001, chị nộp hồ sơ xét tuyển vào Phòng Giáo dục huyện và được phân công về trường dạy với mức lương 600 nghìn đồng/tháng. Qua nhiều lần điều chỉnh lương, đến nay, số tiền mà chị lĩnh được hàng tháng trừ đi khoản đóng bảo hiểm chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng/ tháng.
Bi đát hơn, phải kể đến những giáo viên giảng dạy theo hình thức hợp đồng trường. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm năm 2003 với chuyên ngành Văn – Địa, chị Nguyễn Thị Hiếu (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) lặn lội đến từng cơ sở giáo dục xin việc, song đều nhận được câu trả lời không có nhu cầu.
Cuối cùng, chị xin làm giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Ngũ Đoan của huyện.
Đến nay, đã 7 năm, chị được nhận lương 400 nghìn đồng/ tháng, ngoài ra không có bất kỳ một khoản phụ cấp nào, kể cả BHXH và BHYT. Tính ra, lương cả tháng cũng không đủ xăng xe để chị đi làm từ nhà tới trường.
Bức xúc trước cơ chế bất hợp lý, chị Nguyễn Thị Lan, một giáo viên hợp đồng lâu năm ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nói: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa nhà tuyển dụng và người lao động. Tôi ký hợp đồng có nghĩa là tôi chấp nhận công việc được phân công, điều kiện làm việc và mức lương quy định, thế nhưng tôi thấy thật bất công khi trả lương cho giáo viên hợp đồng thấp như vậy.”
Dù khó khăn, song họ vẫn bám trường, bám lớp với hi vọng có được một suất biên chế.
Tuy nhiên, điều này là quá mong manh và xem ra là “giấc mơ xa tầm tay”.
Ông Nguyễn Trung Ẩn, Trưởng Phòng giáo dục huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho biết:
“Với giáo viên THCS, gần 10 năm nay huyện “đóng cửa”, chỉ tuyển một số nhân viên phục vụ chứ không có biên chế giáo viên.
Đến nay, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng có khoảng 200 giáo viên hợp đồng tại các trường ở cấp THCS trở xuống, nhà trường phải cân đối tài chính và tự trả lương từ 500 – 600 nghìn đồng/ tháng. Nhiều khi, chỉ nghe có thông tin huyện tuyển giáo viên là chúng tôi nhận được cả chồng hồ sơ, nhưng cũng chỉ giải quyết dược 1, 2 trường hợp”.
Cũng “loay hoay” như trên, ông Phạm Uyên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cho hay, địa phương có khoảng 100 giáo viên hợp đồng tại trường.
“Huyện và nhiều trường không dám ký hợp đồng, vì lấy đâu kinh phí mà trả cho họ hàng tháng. Nhiều giáo viên mới ra trường đành chấp nhận được giảng dạy cho đỡ quên kiến thức, kỹ năng sư phạm. Thậm chí, tôi được biết có người cuối cùng chỉ nhận được 100 nghìn đồng” – ông Uyên chia sẻ.
Mạnh tay trong việc ký hợp đồng với giáo viên phải kể đến quận Hồng Bàng, đơn vị có thành tích giáo dục dẫn đầu của thành phố Hải Phòng. Tính đến năm học 2009 – 2010, quận đã ký 217 lao động hợp đồng.
 Huyện và nhiều trường không dám ký hợp đồng, vì lấy đâu kinh phí mà trả cho họ hàng tháng. Nhiều giáo viên mới ra trường đành chấp nhận được giảng dạy cho đỡ quên kiến thức, kỹ năng sư phạm. Thậm chí, tôi được biết có người cuối cùng chỉ nhận được 100 nghìn đồng" -Trưởng phòng Giáo dục huyện Tiên Lãng nói.
Tuy nhiên, quận mới hỗ trợ ký hỗ trợ lương từ nguồn ngân sách tính bậc 1 theo trình độ chuyên môn đào tạo với 93 người, trong đó có 47 giáo viên mầm non.
Như vậy, tổng số lương và bảo hiểm hàng năm quận phải chi trả là trên 2,6 tỷ đồng.
Còn lại 124 trường hợp lao động hợp đồng các trường phải tự cân đối tiền lương từ nguồn thu học phí với mức lương bình quân từ 800 nghìn đồng đến hơn 1 triệu/tháng (bao gồm cả BHXH và BHYT).
Song, đến tháng 9/2010, quận Hồng Bàng đã có 20 giáo viên xin nghỉ việc, chuyển đi nơi khác, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Điển hình là Trường Mầm non 1 được coi là trường điểm của thành phố Hải Phòng.
Thế nhưng, chỉ trong 3 tháng nghỉ hè năm 2010, có tới 7 giáo viên mầm non nghỉ việc, trong đó có những giáo viên hợp đồng 10 năm và từng đạt nhiều giải dạy giỏi cấp thành phố.
Lý giải về nguyên nhân bỏ dạy, các giáo viên này đều chung lý do “chính đáng” là không thể “sống” được bằng mức lương hiện tại.
Không giấu được sự lo lắng, bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó chủ tịch UBND quận Hồng Bàng chia sẻ:
“Đây là một hiện tượng đáng báo động. Hiện tại, chúng tôi gặp không ít khó khăn khi không đủ giáo viên mầm non đứng lớp”.
Liên quan tới công tác tuyển dụng giáo viên, quận Lê Chân áp dụng theo các hình thức xét tuyển.
Theo đó, ngoài các thang điểm chung theo quy định, mỗi năm giảng dạy, giáo viên hợp đồng sẽ được cộng thêm 5 điểm, và đây là “tiêu chí” để làm cơ sở xét tuyển. Do vậy, số lượng giáo viên hợp đồng ngày càng tăng. Vì nếu không hợp đồng thì cơ hội để vào một suất biên chế với những giáo viên này là đều “không tưởng”.
Rõ ràng, những bất cập trong việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng đang như một căn bệnh “trầm kha” của ngành giáo duc bấy lâu nay.
Nó cảnh báo một điều, nếu không có “liều thuốc’ sớm đặc trị sẽ dẫn đến những hiệu ứng xấu trong lĩnh vực được coi “nghề cao quý”.
Theo Bảo vệ pháp luật

NGƯT Hàn Liên Hải nói về lương giáo viên

Đăng lại từ http://vtc.vn
(VTCNews) - Làm sao để giáo viên sống được bằng lương của mình không phải là vấn đề mới nhưng đang là vấn đề nóng. Để có thêm một góc nhìn về vấn đề này chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà giáo ưu tú Hàn Liên Hải nguyên Trưởng phòng giáo dục phổ thông Sở GD&ĐT Hà Nội.
Tin liên quan
- Thưa nhà giáo ưu tú Hàn Liên Hải lâu nay nhiều giáo viên phàn nàn về chuyện lương quá thấp. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Theo tôi giáo viên không nên kêu quá nhiều, bởi nhìn vào mức lương chung hiện nay mà nhà nước chi trả  thì giáo viên vẫn thuộc vào nhóm cao. Tuy nhiên tôi khẳng định rằng không phải chỉ giáo viên mà tất cả những người làm công ăn lương nhà nước trả lương không ai  sống nổi được bằng lương của mình cả mà phải làm thêm. 

Bây giờ chúng ta cứ  bảo giáo viên lương thấp nhưng phải xác định ai thấp, trường nào thấp, nơi nào thấp. Nếu cứ lúc nào kêu ca  là thấp như vậy thì có lẽ rồi mãi mãi lương giáo viên vẫn thấp, dù nhà nước có tăng bao nhiêu lần hệ số lương.

NGƯT Hàn Liên Hải, nguyên Trưởng phòng giáo dục phổ thông sở GD&ĐT Hà Nội
 - Ở nước ta có một số nơi dùng phuơng pháp đánh giá giờ dạy của giáo viên để trả lương. Ông thấy việc làm đó thế nào?
Đây là một cách mới ở nước ta nhưng không mới với nhiều nước trên thế giới. Theo tôi cách thức trả lương này là một phương pháp tiên tiến, đánh giá đúng năng lực dạy của giáo viên. Tuy nhiên ở nước ta có lẽ chưa thể triển khai rộng đuợc vì hiện nay nước ta còn nhiều điều kiện chưa cho phép như cơ chế, điều kiện cơ sở hạ tầng… 
- Vậy ông có cho rằng tăng lương sẽ giúp giải quyết tận gốc những những tiêu cực trong ngành giáo dục mà lâu nay không ít người "đổ thừa" cho là do lương thấp như nạn phong bì, chạy trường, dạy thêm học thêm?
Chúng ta thừa nhận rằng việc dạy thêm, học thêm là nhằm rèn luyện cho học sinh hiểu chắc chắn hơn những nội dung kiến thức. Tuy nhiên trong thực tế ở nhiều nơi dạy thêm trở nên biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi.  Theo tôi việc tăng lương sẽ không thể ngăn chặn tận gốc tình trạng dạy thêm học thêm, bởi vì khi giáo viên đi dạy thêm xem như một nghề để kiếm tiền thì có tăng bao nhiêu lần hệ số lương giáo viên nữa thì tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn. Cái chỗ khó ở đây phải  thay đổi chương trình học ở bậc học để không còn phải học thêm nữa. Mặt khác nếu giáo viên xem việc dạy thêm là công việc nghiêm túc chứ không phải là phương thức kiếm tiền thì đó mới là hiệu quả. 
- Vậy theo ông để giải quyết những khó khăn cho giáo viên thì cần phải làm gì?
Tôi nghĩ rằng để giải quyết vấn đề thì chúng ta nên có điều tra đánh giá đúng một cách chính xác lương giáo viên. Lương giáo viên  nào thấp, ở chỗ nào thấp từ đó chúng ta xem vì sao lại thấp, khi đó chúng mới đưa ra những giải pháp cụ thể. Bên cạnh việc điều chỉnh lương cho giáo viên thì còn phải có giải tổng hợp khác như đáp ứng nhu cầu ăn ở cho giáo viên mới ra trường, bình ổn giá cả các hàng hóa khác tác động đến đời sống gíáo viên nói riêng và xã hội nói chung. Tôi cũng muốn nhấn mạnh một lần nữa giáo viên chúng ta không nên kêu ca quá nhiều, bởi khi đất nước còn nghèo thì lương thấp là chuyện đương nhiên.

- Xin cảm ơn ông!

Trần Tuấn (Thực hiện)

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Đừng hỏi vì sao lưng em còng

Đăng lại từ dân trí
(Dân trí) - Thông tin một học sinh 9 tuổi ở huyện Hóc Môn, TPHCM bị gãy xương vai đo đeo cặp sách quá nặng làm nhiều người “sốc”. Sức khỏe của các em học sinh có thể bị ảnh hưởng khi mà hàng ngày đến lớp các em phải mang trên vai chiếc cặp quá nặng.
Dưới đây là chùm ảnh những em học sinh ở TPHCM đến trường với những chiếc cặp nặng nề: 
 
Nhiều em hàng ngày phải đeo trên vai chiếc cặp sách chiếm đến 1/6 trọng lượng cơ thể. Thành ra rất khó thấy em học sinh nào có thể bước đi thẳng.   
 
 
Gồng mình xách cặp.
 
Thử nhấc chiếc cặp của mình lên, Ngọc Ánh, học sinh lớp 4C Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, TPHCM cho biết em nhấc không nổi. “Nặng lắm, về nhà là đau vai đau lưng”, cô bé cho biết như vậy nhưng nói thêm là mình cũng quen rồi.
 
Trong khi đó, mỗi khi chờ bố mẹ đến đón, Hiếu Hiền - bạn cùng lớp với Ngọc Ánh - lại đặt chiếc cặp lên thành tường trường học vì đeo trên vai em rất đau. Hiền nói: “Giá như đi học mà em không phải mang chiếc cặp quá bự thế này thì hay biết mấy”. 
 
Còn Thiên Bảo, học sinh lớp 3B phải dựa người vào cổng trường để giữ chiếc cặp được thăng bằng trong khi chờ bố đến đón.
 
Đến ông cũng phải “oằn lưng” khi đeo cặp thay cho cháu.
 
Số lượng sách vở mỗi ngày các em phải đưa đến lớp rồi lại xách về nhà thật khủng khiếp. Không chỉ nặng vai, phải chăng các em đang bị “nhồi nhét” quá nhiều kiến thức?
 
Ngả người theo cặp. 
 
Cặp nào cũng nặng.
 
Những lúc vui chơi, các em cũng “cõng” hàng kg trên vai.
 
Nhẹ nhõm khi trút được “gánh nặng” khỏi vai.
Hoài Nam