Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Thư tịch Trung Hoa thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam

Theo chính sử Trung Hoa, trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần, Hán đến sau Thế chiến thứ II, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng Biển Đông (Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa) với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

(Xem thêm bài: Thêm một bàn đồ cổ xác định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa)


Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại trong lịch sử đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Một tài liệu đáng tin cậy về chính sử Trung Hoa là cuốn "Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ” do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, học giả Hsieh Chiao-Min trong bài "Nghiên cứu về lịch sử và địa lý” nhận định về cuộc thám hiểm của Trung Hoa tại đại dương như sau: "Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”. Theo các tài liệu lịch sử chính thống "thảng hoặc triều đình Trung Hoa cũng gửi những đoàn thám hiểm đến Nhật Bản trong các thế kỷ thứ III và thứ II (TCN) và tại Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư và Phi Châu trong thế kỷ XV. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có, những vụ xâm nhập quy mô của Trung Hoa” suốt chiều dài lịch sử (từ đời nhà Tần thế kỷ thứ III TCN đến nhà Thanh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX).

Dưới đời nhà Minh, Minh Thành Tổ cử Đô đốc Thái Giám Trịnh Hòa chỉ huy những đoàn thám hiểm đến Ấn Độ Dương và Biển Ả Rập nhằm thiết lập bang giao với trên 30 quốc gia duyên hải, triển khai Con đường Tơ Lụa tại Ấn Độ, Phi Châu và Trung Đông. Những chuyến hải hành của phái bộ Trịnh Hòa không phải để chinh phục Biển Đông nơi có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế đoàn thuyền chỉ đi ngang qua Biển Đông nhằm khai phá Ấn Độ Dương. Trạm trú chân duy nhất của đoàn trong khu vực này là Đồ Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành bấy giờ. Sau khi Minh Thành Tổ mất, triều đình nhà Minh đã phê phán những cuộc hải trình nặng phần trình diễn của Trịnh Hòa đã góp phần làm suy yếu nền kinh tế quốc gia.
Sử gia Triệu Nhữ Quát đời nhà Tống trong cuốn Chư Phiên Chí đã xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 TCN, sau khi thôn tính Nam Việt "Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam). Trong thế kỷ thứ I TCN, Hán Nguyên Đế đã rút quân khỏi đảo Hải Nam. Mãi tới đời nhà Lương và nhà Tùy (cuối thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ VII) mới đặt lại quyền cai trị”. Triệu Nhữ Quát cũng cho biết vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Hoa không nên đến gần vì chỉ đi sai một tí là có thể chìm đắm. Nhan đề sách là Chư Phiên Chí, có nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, có nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên Biển Đông của Trung Hoa vào đời nhà Hán chỉ tới đảo Hải Nam.

Một trang trong cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán, một nhà sư Trung Quốc đời Khang Hy, thuật lại chuyến du hành tới xứ Đàng Trong, thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Đại Việt.
Đời nhà Đường có sách Đường Thư Nghệ Văn Chí đề cập tới cuốn Giao Châu Dị Vật Chí của Dương Phu chép những chuyện kỳ dị và những nơi kỳ dị tại Giao Châu (Việt Nam). Sách này chép, tại Thất Châu Dương (nhóm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa) là nơi có nhiều đá nam châm khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt đi qua không được. Điều này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu xưa (nay là Việt Nam). Trong đời Nam Tống, cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương”. Chư Phiên Đồ đời Tống cũng xác định giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương). Giao Chỉ Dương hay Biển Giao Chỉ là Vịnh Bắc Bộ ngày nay, trong khi Hoàng Sa và Trường Sa lại cách xa Vịnh Bắc Bộ hàng trăm dặm về phía nam. Như vậy, các thư tịch cổ Trung Hoa từ đời nhà Tống đã cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc mà thuộc về nước khác mà Trung Quốc gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ.
Vào đời nhà Nguyên, quân và dân Đại Việt đã 3 lần đánh tan quân Nguyên – Mông xâm lược và góp phần phá tan kế hoạch Đông Tiến (đánh Nhật Bản) của đoàn quân Mông Cổ nổi danh là bách chiến bách thắng từ đời Thành Cát Tư Hãn. Sau 3 phen thất bại, nhà Nguyên không còn dòm ngó Đại Việt cả trên lục địa đến các hải đảo. Trong suốt các thế kỷ XIII và XIV, theo chính sử Trung Hoa, quân Mông Cổ không hề có ý định xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong Dư Địa Đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng Dư Đồ của La Hồng Tiên thực hiện năm 1561 phần cực nam lãnh thổ Trung Hoa là đảo Hải Nam.
Đời nhà Minh, Thiên Hạ Thống Nhất Chi Đồ trong Đại Minh Nhất Thống Chí (1461), Hoàng Minh Đại Thống Nhất Tổng Đồ trong Hoàng Minh Chức Phương Địa Đồ (1635) đã vẽ phần cực nam Trung Hoa là đảo Hải Nam. Trong khi cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi gọi Biển Đông là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hoà Hạ Tây Dương, Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa (hay theo cách gọi của Trung Hoa là Tây Sa, Nam Sa, Tuyên Đức, Vĩnh Lạc) trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương (Tây Dương). Nhiều tài liệu chính sử nhà Minh cho biết, từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt. Lưu ý rằng từ năm 1427 Lê Lợi đã đánh thắng quân Minh để giành lại chủ quyền cho Đại Việt bị Minh Thành Tổ chiếm đoạt từ 20 năm trước (1407).

Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, đảo nhỏ ở phía dưới là Hải Nam, gần đó bên trái là Giao Chỉ, đảo lớn hơn bên phải là Đài Loan.
Đời nhà Thanh, từ thế kỷ thứ XVII đến XX, theo bản đồ Hoàng Thanh Nhất Thống Dư Địa Bản Đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 thì đến cuối thế kỷ XIX "lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Qua thế kỷ XX, sự kiện này còn được xác nhận trong cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư xuất bản năm 1906 với đoạn như sau: "Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”. Các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam kéo dài từ vĩ tuyến 20 (ngang Thanh Hoá) đến vĩ tuyến 18 (ngang Nghệ An – Hà Tĩnh). Trong khi quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía nam, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 15 (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi) và quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 8 (Cam Ranh – Cà Mau). Bản đồ Đại Thanh Đế Quốc do triều đình nhà Thanh ấn hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (cũng không thấy ghi theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa, Nam Sa, Vịnh Lạc, Tuyên Đức...). Hơn nữa, trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) chép: "Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Trong bộ sách địa lý Đại Thanh Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán nhà Thanh biên soạn năm 1842 với lời tựa của hoàng đế Thanh Tuyên Tông, không có chỗ nào ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa). Trong cuốn Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (1744), vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông được ghi bằng các danh xưng Việt Hải và Việt Dương. Trong vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp tàu chở đồng bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của Chính phủ Anh, Tổng đốc Lưỡng Quảng Trung Hoa đã phủ nhận trách nhiệm với lý do: "Hoàng Sa không liên hệ gì tới Trung Quốc”. Ngoài ra cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự (1695) của Thích Đại Sán một nhà sư thời Khang Hy đã đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn ngày 29 tháng giêng năm Ất Hợi (13-3-1695) thuật lại chuyến hải hành này và ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong việc chiếm hữu, kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII.
Các tài liệu cổ của Trung Hoa rõ ràng cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) đã được người Việt Nam phát hiện, sử dụng trong nhiều thế kỷ một cách hoà bình và liên tục không có sự phản đối của bất cứ quốc gia nào kể cả của Trung Quốc. Điều đó được minh chứng từ tư liệu chính sử của nhiều triều đại Trung Quốc trong đó đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt hơn 22 thế kỷ từ thời Tần, Hán cho đến đầu thế kỷ XX.
Theo http://www.dienmayquangduy.com/

Nhà báo Nga: Việt Nam có chủ quyền ở Biển Đông

Nhà báo nổi tiếng của Nga, Sergey Aphonin trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Mátxcơva ngày 23/6 cho biết ông hy vọng các bên tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ ký được một Thỏa thuận giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Theo nhà báo Aphonin, nếu nhìn trên bản đồ thế giới thì quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa rõ ràng có liên hệ với Việt Nam. Chủ quyền của Việt Nam đối với những hòn đảo này đã được chứng mình từ lâu bằng nhiều bằng chứng và tư liệu khác nhau. Những hòn đảo này tự nhiên đã được ghi vào thành phần của hai tỉnh tương ứng của Việt Nam.

Theo quan sát của nhà báo Nga, Việt Nam hiện vẫn tỏ ra bình tĩnh và kiềm chế trước các sự kiện vừa qua tại Biển Đông. Tuy nhiên, sức chịu đựng nào cũng có giới hạn của nó. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh Việt Nam luôn biết cách đứng vững. Nếu ai đó hy vọng vào sự yếu mềm của Việt Nam thì họ đã nhầm.

Trên thế giới, đối với nhiều thế hệ, Việt Nam từng là ngọn đuốc đấu tranh chống xâm lược, vì nền độc lập, tự do của đất nước, với sự ủng hộ của những người bạn chân chính và dư luận quốc tế. Không lẽ có ai đó đang muốn dập tắt ngọn đuốc ấy?

Từng là phóng viên thường trú của hãng thông tấn TASS và báo Sự thật Đoàn viên ở miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, sau đó nhiều lần đến thăm Việt Nam trong thời bình, ông Aphonin tỏ ra khâm phục nhân dân Việt Nam - một quốc gia đang có một vị trí xứng đáng trên diễn đàn khu vực và quốc tế - trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tại Liên hợp quốc và những tổ chức quốc tế khác.

Cuối cùng, nhà báo Nga khẳng định: “Việc sử dụng sức mạnh để giải quyết vấn đề lãnh thổ là hành động vô nghĩa! Cần giải quyết vấn đề một cách văn minh. Và điều quan trọng nhất là các bên cần tránh một cuộc xung đột quân sự. Điều này chỉ có lợi cho hoà bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á và toàn thế giới.”.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Thơ: TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN

TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN


Tác giả: Nguyễn Việt Chiến
Nghe ca khúc: Tổ Quốc nhìn từ biển



Gần đây, nhà cầm quyền Bắc Kinh cho tàu giám hải xâm phạm chủ quyền biển Đông của nước ta. Nhân dân Việt nam căm phẫn trước hành động ngang ngược "vừa ăn cướp, vừa la làng" của phía Trung Quốc... Biển Đông đang dậy sóng...



Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không.

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình goá phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thủa trước
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Giết Bin Laden có triệt tiêu luôn Al Qaeda?


Nguồn: Việt Nam Nét. vn 

Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng mạng lưới khủng bố Al Qaeda sẽ phải trải qua một thời gian hồi phục khó khăn sau cái chết của lãnh đạo là Osama bin Laden.

Tác động mạnh về tâm lý

Xét cho cùng, người kế nhiệm hiển nhiên của Bin Laden - Ayman al-Zawahri là một nhân vật tàn nhẫn, hay gây bất đồng, thiếu uy tín và sự thần bí mà Bin Laden vốn sử dụng để đoàn kết các phe phái trong mạng lưới Al Qaeda. Thiếu một nhân vật mang tính biểu tượng như Bin Laden để điều hành Al Qaeda, mạng lưới này sẽ bị chia rẽ và suy yếu, các quan chức tình báo nhận định.

Tuy nhiên, có một thứ mà Al Qaeda có thể chứng minh là tổ chức này làm được. Đó là thích ứng với nghịch cảnh. Các binh sĩ chân đất của mạng lưới này sẽ học được cách không dùng điện thoại di động để tránh bị Mỹ nghe trộm. Các chuyên gia kỹ thuật của Al Qaeda sẽ tạo ra những phần mềm mã hóa tinh vi khiến những chuyên gia phá mã của Mỹ phải bối rối. Và, một kẻ đánh bom liều chết chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ sẽ đánh bại hệ thống an ninh của ngành hàng không, vốn trị giá hàng tỷ USD, bằng chất nổ được giấu trong quần lót.

Cái chết của Bin Laden diễn ra 15 năm sau khi nhân vật này tuyên chiến với Mỹ và gần một thập niên sau vụ tấn công kinh hoàng nhất trên đất Mỹ. Tuy nhiên, mạng lưới Al Qaeda mà Bin Laden để lại hiện nay khác xa so với tổ chức đứng sau vụ tấn công Trung tâm Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc hồi 2001. Bin Laden bị trúng một phát đạn vào đầu khi quân Mỹ tiến hành vụ đột kích vào nơi ẩn náu của hắn ở Pakistan hôm 1/5.

Hiện nay, thành phần chủ chốt của Al Qaeda ở Pakistan vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thoát khỏi tầm truy sát của các máy bay không người lái Predator của Mỹ. Việc giao tiếp của mạng lưới này được tiến hành ở mức độ hạn chế. Khả năng lên kế hoạch, cung cấp tài chính và tiến hành các vụ tấn công của Al Qaeda cũng đã suy giảm mạnh. Các chi nhánh của mạng lưới khủng bố này đã nảy nòi ở Yemen, Iraq và Algeria, nơi bọn khủng bố hoạt động dưới danh nghĩa thánh chiến.

Liên quan tới việc này, cái chết của Bin Laden chỉ gây tác động mạnh về mặt tâm lý thay vì ảnh hưởng tới hoạt động của mạng lưới. Al-Zhawahri đã điều hành các hoạt động của Al Qaeda từ nhiều năm nay khi mà Bin Laden tách mình khỏi thế giới bên ngoài. Trong khu nhà Bin Laden ẩn náu không có điện thoại hay đường Internet và tên này sử dụng hệ thống đưa thư tầng tầng lớp lớp để chuyển tải thông điệp. Bin Laden chỉ là người đứng đầu về danh nghĩa vào thời điểm Mỹ tiêu diệt hắn, các chuyên gia chống khủng bố nói.

Làm những gì Bin Laden không thể

Hiện nay, mối đe dọa khủng bố lớn nhất đối với Mỹ là chi nhánh Al Qaeda tại Yemen thay vì bộ phận chủ chốt của mạng lưới khủng bố này ở Pakistan. Chi nhánh ở Yeman gần như đã hạ gục được một máy bay Mỹ vào Giáng sinh năm 2009 và kích nổ trên hai chuyến bay chở hàng của Mỹ vào mùa thu năm ngoái. Các chiến dịch này được tiến hành mà không có sự chỉ đạo trực tiếp của Bin Laden.

Lãnh đạo chi nhánh Al Qaeda ở Yemen cũng tìm cách làm được những gì Bin Laden không thể. Đó là sửa các thông điệp cho phù hợp với độc giả phương Tây và viết nó bằng tiếng Anh. Tạp chí "Inspire" của bọn khủng bố cũng hướng dẫn những tên đánh bom liều chết cách làm bom như thế nào. Tạp chí này dạy các tên khủng bố tập sự rằng họ không cần phải tới trại huấn luyện ở Pakistan hay Yemen, nơi sẽ bị điệp viên Mỹ chặn đường. Thay vào đó, tạp chí chỉ dẫn một kẻ khủng bố có thể chọn mục tiêu và tấn công mà không cần có bất cứ chỉ dẫn nào từ bộ phận chỉ huy chủ chốt của Al Qaeda.

Bin Laden chỉ là một biểu tượng không hơn, Qaribut Ustad Saeed - một thành viên lâu năm của nhóm khủng bố Hezb-e-Islami do Gulbuddin Hekmatyar, nhân vật bị Mỹ gọi là khủng bố từ nhiều năm nay, cho biết. Saeed hiện là một thành viên của Hội đồng hòa bình Afghanistan - vốn được lập nên để thương thuyết giải pháp hòa bình với Taliban. Sự ra đi của Bin Laden không gây tác động thực tế nhiều, nhân vật này nhận xét. Tuy nhiên, Al Qaeda đã trở thành một phong trào toàn cầu, lớn hơn nhiều so với trước kia.

Cho dù Mỹ có tìm và tiêu diệt được Al-Zawahri, thì nó cũng không có nghĩa là Al Qaeda sẽ rơi vào bước đường cùng. Giống như Hamas và Hezbollha, hai tổ chức mà lãnh đạo của nó cũng bị tiêu diệt, Al Qaeda có lẽ vẫn tiếp tục tồn tại, các chuyên gia về khủng bố nhận xét. Ví dụ, trong vòng vài giờ sau khi Bin Laden thiệt mạng, các thành viên của nhóm Haqqani, có liên quan với Al Qaeda, tại Pakistan đã cam kết rằng các sứ mệnh hàng ngày sẽ không thay đổi.
Hoài Linh (Theo AP)