Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Danh hiệu của cô, nỗi khổ của trò

Đăng lại từ http://tuoitre.vn 

TT - Nghe tin ngày mai có đoàn kiểm tra của phòng giáo dục ghé trường, giáo viên chủ nhiệm các lớp liền “bỏ nhỏ” với một vài phụ huynh vào giờ trả trẻ: “Mai anh/chị thông cảm cho bé nghỉ một buổi vì có đoàn kiểm tra”.
Đó là các bé bị béo phì, các cô sợ ảnh hưởng đến kế hoạch thi đua “không có trẻ suy dinh dưỡng và béo phì” đã đăng ký từ đầu năm học.
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM nghe giám thị đọc đề môn toán trong một kỳ kiểm tra - Ảnh mang tính minh họa
Ở lớp khác, vào tiết thao giảng, giáo viên phải gửi bớt một số trẻ học chậm hoặc hay quậy sang học nhờ lớp khác. Số trẻ còn lại được cô luyện tập, phân công bạn nào hát, bạn nào trả lời khi đến tiết có tham quan, dự giờ. Đó là chuyện ở một trường mầm non tại huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Một giáo viên cho biết đầu năm nhà trường đã đăng ký chỉ tiêu thi đua bao nhiêu phần trăm giáo viên giỏi, không được có học sinh bỏ học, không được có điểm 0, điểm 1 trong sổ điểm, không được có học sinh hạnh kiểm yếu, phải có 70% học lực trên trung bình... đó là những nguyên tắc mà các giáo viên phải “khắc cốt ghi tâm” nếu không muốn mất danh hiệu thi đua mỗi năm học.
Nhiều giáo viên bức xúc bởi để đảm bảo thi đua, không được cho học sinh điểm kém mà phải cho các em cơ hội gỡ điểm. Thế nhưng sổ điểm vẫn phải cập nhật đầy đủ, đúng thời hạn để kiểm tra. Thế là các giáo viên mà trong lớp có vài học sinh yếu kém phải xoay như chong chóng để đạt chỉ tiêu.
Từ câu chuyện học sinh béo phì phải nghỉ học vào những ngày thao giảng, đến chuyện loay hoay tìm cách cho học sinh gỡ điểm để có sổ điểm... đẹp, những áp lực của thi đua, của thành tích đang dần tạo nên một lớp “nước sơn” che đậy phần “gỗ” còn nhiều chỗ mối mọt, xiên xẹo nào đó của ngành giáo dục.
THÙY AN



Điều gì làm thay đổi nhà giáo?
Căn bệnh thành tích phải được chữa trị ở những người làm công tác quản lý giáo dục, ở chương trình học và ở cả giáo viên và phụ huynh học sinh.
Tôi đồng ý với tác giả Thùy An. Rõ ràng căn bệnh thành tích của ngành giáo dục không thể chữa khỏi. "Năm sau cao hơn năm trước" đây là những yêu cầu của lãnh đạo ngành đặt ra khi giáo viên đăng ký thi đua. Vì thế đến 1 lúc nào đó tất cả các tỉ lệ đều ở con số cực kỳ lý tưởng là 100%. 
Còn nhớ những năm đầu sau thời kỳ đất nước thống nhất, thầy cô chưa bao giờ phải chạy theo thành tích, đánh giá học sinh khá công tâm: em nào học được thì lên lớp còn không thì phải ở lại. Khó khăn như thế nhưng không thầy cô nào mang tiếng trù dập học sinh để các em đi học thêm...
Mặc dù lúc ấy, nhiều thầy cô sau việc ở trường là phải tất bật làm thêm các nghề phụ để kiếm sống, thế mà họ vẫn trong sạch, được xã hội và học sinh nể trọng. Học sinh của ngày ấy, vào lớp không thuộc bài là mặt mày xanh méc, run rẩy sợ bị phạt chứ không như bây giờ các em không thuộc bài vẫn tỉnh bơ vì không biết sợ, vì biết rằng rồi thế nào thầy cô cũng nâng cho mình lên lớp!
Đất nước mở cửa, kinh tế phát triển, cuộc sống của giáo viên đã được cải thiện phần nào. Nhiều giáo viên không còn phải gồng lưng với các công việc chăn nuôi, đan lát, buôn bán lặt vặt,...mà họ đã có thu nhập khác từ việc dạy thêm!
Mọi chuyện lại bắt đầu từ đây. Giáo viên dùng cái quyền "cho điểm" của mình để thúc ép các em đi học thêm tăng thêm thu nhập. Thử đặt vấn đề, nếu đồng lương giáo viên đủ sống, liệu họ có dạy tốt hơn không hay chỉ lo chạy theo thành tích nữa hay không? Điều này chưa thể trả lời được.

ĐÀM THỊ XUÂN UYÊN
Chúng tôi là những diễn viên phụ, cô giáo là diên viên chính
Ngày xưa đi học, tôi cũng ghét lắm những tiết thao giảng. Lúc ấy, chúng tôi không được là học sinh nữa mà như là những diễn viên phụ, còn cô giáo là diên viên chính. Lúc ấy, chúng tôi "diễn" trên những con chữ, trên cái thành tích treo lững lờ đâu đó. Phải chăng, căn bệnh thành tích và sự dối trá đã được dạy từ ngay trên ghế nhà trường?
NGUYỄN THỊ TRÂM ANH













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét