XEM TIẾP

QUÁ TẢI SAU GIỜ DẠY

T T - Dành cả ngày ở trường, buổi tối về nhà cô N.T.M. - giáo viên (GV) Trường tiểu học Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - lại tất tả thu vén việc gia đình thật nhanh rồi lên xe đi một vòng quanh khu phố để điều tra trình độ văn hóa các hộ dân sinh sống trên địa bàn.

Ngoài thời gian thực dạy, GV hiện nay phải ôm đồm quá nhiều công việc cả trong lẫn ngoài chuyên môn, khiến quỹ thời gian của họ ngày càng trở nên eo hẹp.

Tối: điều tra văn hóa

“TP đang mùa mưa nên có hôm chỉ đi được 1-2 hộ là hết giờ. Có hộ đồng ý tiếp chuyện, có hộ cau có. Công việc tôi được phân công là điều tra nhân khẩu, trình độ học vấn. Cụ thể, đó là hỏi các thông tin về hộ khẩu, KT3, năm sinh, trình độ văn hóa, thu bản photo chứng chỉ văn bằng của các nhân khẩu, nếu nghỉ học thì tìm hiểu lý do... của gần 100 hộ dân theo địa chỉ cho sẵn và điền đầy đủ thông tin vào phiếu điều tra để nộp lại đúng thời hạn. Đã hai tuần nay, buổi tối tôi không được ở nhà chăm con mà phải đi gõ cửa từng nhà dân và thức khuya hơn để soạn giáo án. Hôm sau lên lớp thật sự rất mệt mỏi” - cô M. nói.

Không riêng cô M., nhiều GV khác trong trường và GV một số trường tiểu học như Võ Thị Sáu, Phan Chu Trinh... ở Q.Gò Vấp cũng phải làm công việc này. Cô T., GV Trường tiểu học Phan Chu Trinh, bức xúc: “Đồng ý GV cũng có trách nhiệm trong việc điều tra văn hóa nhưng giao một danh sách cả 60 hộ dân rồi kêu điều tra trong vòng mười ngày, GV không thể kham nổi vì còn phải chuẩn bị việc giảng dạy, lo cho gia đình nữa. Tôi đi phát tờ mẫu điều tra suốt một tuần nhưng mới chỉ làm việc được với 15 hộ”. Tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu, vì không thể sắp xếp được thời gian, nhiều GV đã góp tiền nhờ các tổ dân phố hay hội phụ nữ đi điều tra giùm”.

Giải thích việc này, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Gò Vấp cho biết: “Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương là một trong những nhiệm vụ của GV, nhưng do công tác giảng dạy chiếm nhiều thời gian, nhiều quận đã linh động nhờ các tổ dân phố làm giúp hoặc các trường trích một phần kinh phí để bồi dưỡng cho GV làm ngoài giờ. Tuy nhiên trường chúng tôi không có kinh phí nên không làm được như vậy”.

Gánh nặng sổ sách

Chẳng những thế, tìm hiểu thêm các công việc sau giờ lên lớp của GV, chúng tôi nhận thấy họ còn “vướng bận” số lượng đầu việc hành chính nhiều đến không ngờ, nhất là khâu làm sổ sách. Một GV tiểu học cho chúng tôi xem bốn loại sổ sách chính: sổ theo dõi kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh, sổ liên lạc, học bạ tiểu học và sổ chủ nhiệm. Trong đó, riêng sổ chủ nhiệm đã dày 60 trang.

GV phải điền tất cả thông tin liên quan đến học sinh như: nơi học tập ở nhà, ai là người hướng dẫn học tập ở nhà, có học thêm không. Mục kế hoạch chủ nhiệm, GV phải điền vào các ô: thuận lợi, khó khăn, kế hoạch giáo dục các mảng đạo đức lối sống, mảng học tập, các mặt giáo dục khác và giáo dục ngoại khóa - truyền thống. Mỗi mảng này GV lại phải ghi rõ mục tiêu, nội dung, những biện pháp chủ yếu và kết quả mong đợi. Ngoài ra, GV phải lên kế hoạch chủ nhiệm chín tháng.

Riêng GV tiểu học hằng ngày phải chép cả thời khóa biểu, giờ vào học, các hoạt động học tập, nhận xét vào sổ liên lạc để định kỳ trao đổi với phụ huynh. Cô Châu - giáo viên ở Q.12, TP.HCM - kể: “Cứ đầu năm chúng tôi gần như bò ra để chép tên học sinh vào sổ. Cuốn sổ điểm có 25 trang thì phải chép danh sách 45 học sinh 25 lần. Cả chục năm nay những phần sổ sách này không những không giảm mà còn dày thêm”.

“Để có một tiết dạy tốt, đòi hỏi GV phải đầu tư nhiều thời gian chuẩn bị. Nhưng hiện nay, việc GV phải chạy sô dạy thêm để tăng thu nhập và phải thực hiện quá nhiều công việc ngoài giảng dạy ở trường khiến thời gian đầu tư cho chuyên môn không còn nhiều, dẫn đến chất lượng giáo dục thấp” - thầy Trần Đức Bé, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, tâm tư.
 --------------
 Chỉ dạy bằng 1/3 thời gian thực tế

Một GV THCS ở Q.4, TP.HCM cho chúng tôi xem “kho” sổ sách của mình: sổ gọi tên ghi điểm, sổ chủ nhiệm, sổ liên lạc, sổ kế hoạch ngoại khóa, sổ họp tổ, họp chuyên môn, sổ báo cáo, chuyên đề... Tính sơ đã gần mười loại sổ sách phải cập nhật đầy đủ để kiểm tra vào cuối tháng. Một giáo viên THPT cho biết thời gian thực dạy của giáo viên chỉ bằng 1/3 so với thời gian thực tế.

Bởi GV còn phải làm công tác chuẩn bị, lên kế hoạch giảng dạy, kế hoạch ngoại khóa, làm sổ sách, tìm tư liệu, họp tổ, họp chuyên môn, báo cáo thu hoạch, ra đề, chấm bài, cập nhật điểm, dự chuyên đề cụm - trường, dự giờ (sau đó phải dạy bù). Chưa kể đầu năm học, nhiều trường còn giao cho GV chủ nhiệm “nhiệm vụ” làm thủ quỹ: thu tiền hộ cho trường hoặc cho quỹ phụ huynh.


LƯU TRANG

Theo http://tuoitre.vn

------------------