Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Những chuyện đình đám của giáo dục 2010

Theo Việt Nam Net
Cập nhật lúc 31/12/2010 06:55:00 AM (GMT+7)
- Câu chuyện cái danh trong xã hội, sự biến đổi những mối quan hệ trong nhà trường và tác động không thể chối bỏ của mạng internet với các hành vi... là những vấn đề giáo dục vẫn làm nóng dư luận năm 2010.

Phần 1: Những sự kiện hút nhiều giấy mực

GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields
Năm nay đánh dấu làn sóng hâm mộ nhà Toán học, thay vì một ngôi sao điện ảnh hay ca nhạc, đến mức dù không muốn, GS. Ngô Bảo Châu (ĐH Chicago) đã trở thành "nhân vật của năm 2010" ở Việt Nam (mà kết quả danh từ "Ngô Bảo Châu" được tìm kiếm nhiều nhất trên Yahoo Việt Nam là một chỉ báo).

Thật lạ, cho dù hầu như không có ai ở Việt Nam, kể cả các nhà toán học, có thể hiểu về công trình Bổ đề cơ bản - tác phẩm toán học được trao Giải thưởng Fields (ngày 19/8/2010 tại Ấn Độ) nhưng đâu đâu, cũng thấy nhắc tới tác giả.

Kết quả công trình toán học của GS Ngô Bảo Châu là kết tinh từ những nỗ lực cá nhân, nền tảng của một gia đình trí thức, hạnh phúc, tâm huyết của một thế hệ những người thầy không màng vật chất đã dạy cho GS suốt thời phổ thông, nhất là nền giáo dục của Pháp và Mỹ. Cho dù mang quốc tịch Việt Nam, Pháp nhưng bên trong GS.Ngô Bảo Châu là nơi hội tụ của những giá trị quốc tế.

Phải thật lắng nghe, mới thấy từ trong cơn bão thông tin đó lời nhắn nhủ: Người Việt muốn thành công trên thế giới thì phải biết yêu khoa học thật sự, không làm khoa học vì danh hay lợi. Náo nức với cái danh của GS.Ngô Bảo Châu là chủ yếu mà quên một điều, trong mỗi người Việt, khi đã thực sự cầu thị và khát khao hiểu biết, bỏ qua cái danh thì đều có thể đạt tới thành công.

Trong bài phát biểu tại lễ chào mừng GS đoạt giải, nhà toán học Ngô Bảo Châu đã viết rất giản dị mà thấm thía: "Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành rất được coi trọng, nhưng tình yêu tri thức, yêu khoa học, thì, theo ý kiến chủ quan của tôi, vẫn là chuyện hiếm."

Phát tán clip cô chửi trò

Một đoạn băng ghi âm dài 18 phút đã bị học sinh tung lên mạng, lột tả chân thực lời lẽ chửi học trò của cô giáo dạy tiếng Anh của Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng. Cô đã mạt sát, "mày, tao" và dọa tát học sinh khiến cho người nghe không tưởng tượng được, đây là lời lẽ của một người trong ngành giáo dục.

Sau vụ việc này, Sở GD-ĐT Hải Phòng, nhiều trường học khác đã cấm học sinh quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại trường. Còn ngành giáo dục ra dự thảo không cho phép đưa những thông tin nhạy cảm lên mạng. Điều này đã gây nên hai luồng tranh luận trái chiều.

Chưa kịp nguôi, một nhóm học sinh khác đã tung tiếp video quay cảnh cô giáo của Trường THPT Hàng Hải, Hải Phòng, vừa chấm bài tại lớp, vừa trợn trừng mắt mắng chửi học sinh - độ dài và tính chất "chợ búa" chưa thể sánh với trường hợp được dẫn ở trên.

Chuyện khủng khiếp khó tưởng tượng như cô giáo chửi học trò đủ đau lòng để cả thầy cô lẫn học trò đều phải xem lại những nguyên tắc ứng xử học đường, trong đó có nguyên tắc ứng xử với cái Đúng và cái Sai.

Các sự việc (vô tình đều xảy ra ở Hải Phòng) là một chỉ báo đủ rõ ràng để các thầy cô giáo và nhà trường phải dũng cảm thừa nhận một thực tế mới trong giáo dục Việt Nam: khi nhà trường cổ xuý cho phương châm giáo dục “lấy học sinh làm trung tâm” thì cũng phải mặc nhiên chấp nhận một hệ quả – học sinh CÓ QUYỀN ĐÚNG.

Đúng hay Sai là chuyện logic, nhưng cuộc sống không chỉ cần có mỗi chuyện logic. Cuộc sống còn có nhiều điều khác vượt lên trên logic, như tình yêu, sự hy sinh, lòng nhân ái, đức bao dung, đạo nghĩa thầy trò.
Bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non

Năm 2010 không chỉ chứng kiến hiện tượng "bạo hành bằng lời" được phô bày qua các clip mắng chửi học sinh, hiện tượng bảo mẫu hành hạ thân thể trẻ mầm non vẫn tái diễn với 2 sự kiện đưa ra công chúng: Bé Lê Quang Vinh, 4 tuổi, ở TP.HCM bị thương tích nặng nền khi cô giáo Trần Thị Xuân Nữ (nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, quận Tân Phú) nhốt trong thang máy chở thức ăn. Cô giáo giải thích đó chỉ là hành động dọa vì bé không chịu ăn, nhưng hậu quả gây ra là bé bị chấn thương quá nặng, máu ướt đẫm từ đầu đến chân; đầu, mặt và toàn thân bầm dập, sưng húp; mắt trái bị lồi ra.

Câu chuyện khiến các bậc cha mẹ giật mình vì những "bạo lực" nhỏ hơn đối với con mình vẫn thường diễn ra, nhưng biết kêu ai khi gửi con cả ngày ở trường, tất cả chỉ trông chờ vào lương tâm của giáo viên mầm non. Từ đây, một vấn đề cũng mở ra: Áp lực trong công việc khi các lớp học hầu hết là quá tải, thu nhập rất thấp so với mức thu nhập trong ngành,v.v...Chưa hết bàng hoàng chuyện cô Nữ, bảo mẫu Trần Thị Phụng (52 tuổi, xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Đồng Nai) lại gây phẫn nộ khi vừa tắm vừa hành hạ cháu bé mới chỉ có 3 tuổi với những hành vi như: đạp, túm tóc, dội ngược nước vào mặt bé. Câu chuyện bảo mẫu hành hạ trẻ đã dấy lên mối lo ngại về những cơ sở trông giữ trẻ cho người nghèo, không có giấy phép. Câu hỏi cho những nhà quản lý địa phương đã ở đâu khi hàng ngày, những nhóm nhà trẻ tự phát thế này vẫn tồn tại?

Nữ sinh trở thành "đầu gấu"

Hành vi bạo lực không phải "sở hữu" riêng của những người giữ trẻ đặc biệt trên, mà lan tràn tới các nữ sinh. Nếu tìm kiếm cụm từ "nữ sinh đánh nhau" bằng tiếng Việt, Google sẽ cho ra 5 triệu kết quả, hơn cả việc tìm kiếm cụm từ "Ngô Bảo Châu".

Hiện tượng này nổi mạnh khi đầu tháng 3 năm nay, clip có độ dài gần một phút ghi lại cảnh nhóm học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) mặc đồng phục, đeo cặp xách thản nhiên ngồi xem bạn túm tóc, đấm đá, chửi mắng một nữ sinh khác được tung lên mạng và báo chí khai thác triệt để.

Người lớn càng ngỡ ngàng, trẻ con càng muốn "chứng tỏ bản thân". Không chịu kém cạnh, rải rác cho đến tận cuối năm, những clip nữ sinh đánh nhau tương tự được phát lộ ở Nghệ An, Quảng Ninh, rồi Hà Giang. Thậm chí, "hung thủ" không chỉ là học sinh cấp 3 hay đã tốt nghiệp phổ thông tham gia hội nhóm, mà còn "trẻ hóa" ở độ tuổi cấp 2, với sự kiện nữ sinh lớp 8 đánh nhau ở cầu thang của khu thương mại hiện đại bậc nhất Thủ đô - tòa nhà Vincom.

Cùng với hiện tượng "khoe thân thể", hiện tượng đánh nhau rồi đua nhau đưa clip là một chỉ dấu cho thấy xu hướng nổi loạn của một bộ phận vị thành niên thiếu một mục đích sống dài hạn, điên cuồng với việc thể hiện bản thân chớp nhoáng.

Những phản hồi xôn xao của cộng đồng, những con mắt chú ý khiến họ cảm thấy bản thân có ý nghĩa hơn và bớt cô đơn hơn. Việc thiếu niềm tin vào những giá trị sâu sắc hơn của giới trẻ cũng phản ánh những thực tại đáng lo ngại về văn hóa "lối sống nổi" (lối sống bề mặt) hay những nhầm tưởng về giá trị của thân xác và bạo lực.


Thầy giáo "yêu râu xanh"

Khá phức tạp và gắn với những nhân vật liên đới "cộm cán", vụ án mua dâm người chưa thành niên lại nổi bật lên các nhân vật trong trường học: Hiệu trưởng và nữ sinh. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Giang vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án đối tượng Sầm Đức Xương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Vinh (Bắc Quang, Hà Giang) trong vụ án mua dâm người chưa thành niên. Tài liệu của cơ quan này cho thấy, những đối tượng trong tầm ngắm của ông thầy này là các học trò trong trường mình.

Những ngày cuối năm, Trường THPT Bến Tre, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc trở nên nổi tiếng - cái sự nổi tiếng chẳng học trò nào đủ dũng cảm để tự hào, nhất là khi được khai thác thông tin quá nhiều.

Một câu chuyện chưa có hồi kết liên quan tới mối quan hệ tình ái: Gia đình một học sinh tố cáo thầy hiệu phó "có quan hệ tình dục” với con cháu họ - cô học sinh lớp 9. Sự vụ mỗi lúc lại có thêm những tình tiết mới mà chẳng ai chịu thua kém ai.

Những câu chuyện "lộ ra ánh sáng" này cho thấy sự biến đổi mạnh mẽ trong các mối quan hệ ở môi trường học đường, đòi hỏi người đầu tiên cần phải đổi thay chính mình. Biến đổi một học sinh từ trạng thái tiêu cực sang tích cực chính là nhiệm vụ của thầy cô, rất cần cái tâm của người làm thầy, vượt lên trên trách nhiệm giảng dạy thông thường.

Một vấn đề nữa, cần sự phối hợp giữa gia đình là nên thay cấm đoán bằng việc chuẩn bị cho các em kiến thức cơ bản và các kỹ năng trước những tình huống nhạy cảm như quấy rối tình dục và rất nhiều kỹ năng thiết thực khác.

Đà Nẵng "tẩy chay" bằng tại chức

Một quyết định "gây sốc" của Đà Nẵng, thành phố luôn có nhiều chính sách trọng người tài khiến cho người phản đối thì ít, người đồng tình lại nhiều. Đông đảo dư luận cho rằng về lý, Sở Nội vụ đã sai khi trình kế hoạch biên chế lên HĐND thành phố hồi đầu tháng 12: “Từ năm 2011, Đà Nẵng sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước”.

Tuy nhiên, bạn đọc lại ngầm ủng hộ quyết định này với thực tế, nhìn chung, chất lượng hệ đào tạo tại chức nhận tiếng xấu nhiều hơn. Có một điều toát lên từ hiện tượng này, đó là hai cái lợi gặp nhau nên hệ đào tao này bị "biến tướng": Trường ĐH cần tiền để bù đắp cho thâm hụt chi phí từ hệ chính quy, người học thì cần có một tấm bằng nhiều hơn là cần kiến thức thực sự.


Hiện nay, chưa thể kiểm định chất lượng hệ đào tạo, nhưng người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sự kiện Đà Nẵng "nói không” với bằng tại chức làm tăng thêm quyết tâm cho việc giảm chỉ tiêu hệ đào tạo này.

Không nên "vơ đũa cả nắm", tuy nhiên, nếu như hệ tại chức chỉ là nơi "hữu danh" vô thực thì thật lãng phí tiền của cho xã hội, lãng phí thời gian đi học của người học. Lại một câu chuyện rõ ràng về cái danh, nhưng ở đây, là "danh hão" đã chi phối và làm biến tướng giáo dục đại học Việt Nam như thế nào.

Phần 2: Cuộc khảo sát lịch sử và những dự án nghìn tỉ

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

Bi hài chuyện thuê “phụ huynh” đi họp


TPHCM:
Bi hài chuyện thuê “phụ huynh” đi họp
 

Để đối phó với những buổi họp phụ huynh, nhiều học sinh đã tìm mọi cách để “qua mặt” cả nhà trường và gia đình. Chiêu thuê “phụ huynh dỏm” đi họp khiến nảy sinh những chuyện cười ra nước mắt.

Ngay cả khi nhiều trường đã kiểm soát chặt chẽ việc họp phụ huynh với quy định như: phụ huynh phải xuất trình chứng minh nhân dân (CMND), nêu rõ nhân khẩu trong gia đình, tên lớp và những đặc điểm của con mình… Tuy nhiên, những quy định này chỉ là “chuyện nhỏ” bởi học sinh (HS) cũng có hàng trăm lý do và phương cách ứng phó.

Bố dỏm

V.Quý (THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, TPHCM) là “đệ tử” của game online, vì vậy, việc “bùng” tiết đi chơi là chuyện thường ngày. Dù nội quy trường Quý rất khó, chỉ cần HS phạm lỗi nhỏ nhà trường sẽ mời phụ huynh đến trao đổi, huống hồ là việc Quý thường xuyên cúp tiết. Khi gặp, phụ huynh phải xuất trình CMND để đối chiếu với lý lịch HS… Chính những quy định khó khăn ấy mới thấy được khả năng “tài ba” của Quý trong việc tuyển chọn “bố” để giúp mình đi họp.

Đầu tiên, Quý tìm cách dấu CMND của bố, tìm một bác xe ôm có gương mặt hao hao bố mình và chi trả tiền để “ông bố dỏm” này học thuộc những cái tên trong... hộ khẩu gia đình, tên lớp và những đặc điểm của ông con trai bắt đắc dĩ. Thế là thành thói quen, Quý cứ ung dung vi phạm nội quy và nhờ bác xe ôm thân thuộc ấy vào vai bố mình mà giám thị vẫn không mảy may nghi ngờ. Chỉ cần có lịch họp phụ huynh là Quý nhấc máy alô cho “bố” giờ đó, đến lớp đó làm công việc đơn giản là nghe phàn nàn về chuyện cúp học của mình.

Và mẹ dỏm

Với D.Tuyền (THPT L.H, quận 12, TPHCM) thì chiêu né họp phụ huynh càng tinh vi hơn. Bố Tuyền vốn là sếp của một công ty liên doanh, thường xuyên có những chuyến công tác dài ngày. Thế nên, những lần họp phụ huynh khi cô giáo chủ nhiệm muốn mời đích thân bố Tuyền đến họp, Tuyền đều viện lý do bố đi công tác và “mẹ” đi thay. Để minh chứng cho lời nói của mình, Tuyền cho cô giáo cả số đi động của bố mình nhưng chỉ là số “ma”, cô giáo liên lạc nhiều lần đều nằm ngoài vòng phủ sóng. Và cô giáo cũng chẳng còn nghi ngờ gì về người “mẹ” khi bà này kể rành mạch về gia đình, con cái. Không những thế, bà “mẹ” này còn là phụ huynh sôi nổi nhất khi có nhiều ý kiến đóng góp cũng như kiên quyết sẽ về “rèn” con gái mình vào đúng khuôn phép.

Tuy nhiên, không phải lúc nào những phi vụ "mướn phụ huynh" cũng được trót lọt. Với H.Linh (THPT H.Đ, quận Tân Phú, TPHCM) thì buổi họp phụ huynh cuối năm học trước là một buổi nhớ đời. Vì cha mẹ không quan tâm lắm đến việc họp phụ huynh nên khi anh chàng thông báo: "Trường con năm nay chỉ phát sổ liên lạc chứ không họp phụ huynh giữa kỳ" thì ba mẹ cũng tin ngay. Sau đó Linh bỏ ra 50.000 đồng chi cho ông xe ôm gần nhà đi họp thay ba mẹ. Khổ nỗi, trong lúc cô giáo chủ nhiệm đang trao đổi với vị phụ huynh ngồi gần "bố dỏm" của Linh thì một phụ huynh gần đấy bỗng buột miệng: "Bác hôm nay không đi xe ôm à?”. Và mọi việc vỡ lở ngay vì bố của Linh vốn là kế toán trưởng của một công ty xuất nhập khẩu.

Lỗi từ phụ huynh

Và “đi đêm” lắm cũng có ngày gặp “nạn”, số là thấy bố của V.Quý đi họp mà chẳng có ý kiến gì, sau nhiều lần họp mà Quý vẫn “chứng nào tật nấy” nên cô giáo chủ nhiệm đành phải tìm đến nhà để gặp mẹ Quý bàn về việc phối hợp giáo dục. Lần theo địa chỉ đến nhà thì gặp một… ông bố khác, tưởng vô lộn nhà nhưng khi hỏi, cô giáo mới tá hoả khi ông này mới là bố thật của Quý. Cũng vậy, cuối năm thấy hàng xóm cứ lũ lượt dắt nhau đi họp phụ huynh còn mình cứ ngồi chơi xơi nước ở nhà, mẹ của Tuyền thắc mắc liền gọi điện đến trường hỏi cho ra lẽ thì mới biết rằng, hoá ra, Tuyền còn có một… “người mẹ” khác rất siêng năng họp phụ huynh và có rất nhiều ý kiến chu đáo để rèn luyện cho con gái mình.

“Từ những phút nông nổi, muốn đối phó với cha mẹ, thầy cô trước mắt mà các em HS không biết rằng khi mọi chuyện đổ bể, hậu quả còn lớn gấp trăm lần vì các em đã làm mất sự tin tưởng của thầy cô, ba mẹ”, cô Vân, giáo viên chủ nhiệm một trường THPT trên đường Nguyễn Văn Đậu, nhận xét. Cũng theo cô Vân, nguyên nhân mà các em HS có thể mướn phụ huynh trót lọt là do nhiều bậc phụ huynh quá mải mê công việc và ít quan tâm, theo sát việc học của con cái. Nhiều phụ huynh đi họp cũng chỉ là lấy lệ, thậm chí còn “ngại” đi họp nên vô tình "tiếp tay" cho các em trong việc thuê người họp để đối phó.
Theo Quốc Hải
Đất Việt

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Sinh viên ngán học vì… máy chiếu

Sinh viên ngán học vì… máy chiếu
Vài năm gần đây, các trường đại học đều trang bị hệ thống máy chiếu hiện đại, giúp giảng viên và sinh viên đỡ vất vả trong giảng dạy và học tập. Thế nhưng, ở không ít trường, sinh viên chán học nhiều hơn, cũng chính vì... máy chiếu.
Mất nửa tiết học

Ở một số trường, do cơ sở vật chất thuê mướn nên nhà trường không gắn máy chiếu cố định lên tường. Mỗi buổi học, sinh viên xuống phòng Quản trị thiết bị mang máy chiếu lên phòng học. Bạn Phương Loan (năm thứ 3, ngành Tiếng Anh, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) cho biết: “Mình học tại cơ sở 28 - 30, Ngô Quyền, phường 6, quận 5, TP.HCM. Mỗi buổi học, lớp mình thay phiên nhau đi lấy máy chiếu, micro. Nhiều hôm, mình phải ôm máy chiếu, micro gửi ở Văn phòng Khoa. Mỗi lần nhận máy chiếu, mình phải đặt giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ sinh viên, rất bất tiện. Khi nhận máy chiếu lên, thầy cô phải tạm dừng giảng bài để tụi mình lắp máy”. Lớp Loan hầu hết là con gái, lại không rành công nghệ nên không ít lần, phải loay hoay gần 10 phút máy mới ráp xong.

Nhiều bạn sinh viên ở cơ sở 2, Trường ĐH Sư phạm TPHCM ngán ngẩm với việc học cùng máy chiếu. N. T. (năm thứ 2, khoa Ngữ văn) cho biết: “Dây cắm máy chiếu ở phòng học bị lỏng. Tụi mình phải phân công một bạn đứng thuyết trình, một bạn đứng giữ phích cắm. Có khi thẻ USB của ai bị virus, vừa cắm vào máy tính đã bị đơ, chuột cũng không di chuyển được. Vì thế, lại phải tắt máy khởi động lại mất gần nửa tiết học”. Không ít lần, sinh viên trường ĐH Văn Hiến mang máy tính lên chỉ để… nhìn. Máy chiếu có hạn mà số lớp lại đông nên lớp nào lấy chậm thì gặp phải máy chiếu không hoạt động được, đành mang lên lớp để cho có rồi cả thầy và trò học “chay”.

Từ đọc - chép sang… nhìn - chép

Nhiều sinh viên cho rằng, các thầy cô sử dụng máy chiếu để giảng dạy đã giúp sinh viên tiếp thu bài tốt hơn. Nhưng không ít giảng viên quá lạm dụng máy chiếu, đọc nguyên giáo án đã soạn sẵn ở nhà cho sinh viên chép. Bạn D. K. (khoa Ngữ văn, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) kể: “Có một số thầy cô mang laptop đến lớp gắn vào máy chiếu rồi ngồi trên bàn cầm micro đọc cho sinh viên chép. Cô đọc tới đâu, tụi mình chép bài đến đó. Có bạn không nghe cô đọc mà cứ nhìn trên màn hình máy chiếu, chữ chạy đến đâu các bạn chép đến đó”.

Không chỉ vậy, nhiều thầy cô còn lạm dụng hiệu ứng Word, Power Point trong soạn giáo án. Mỗi lần chuyển sang trang mới, chữ từ trên bay xuống, dưới bay lên, phải qua trái… khiến sinh viên hoa cả mắt. Kiều Na (năm thứ 3, khoa Địa lý, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM) cho biết: “Có bạn chỉ lo tập trung nhìn trên màn hình máy chiếu mà không tập trung nghe giảng nên về nhà xem lại bài chẳng hiểu gì hết!”.


Tốt, nhưng không nên lạm dụng

Vấn đề trên được ThS Nguyễn Thạc San, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TPHCM, nhìn nhận: “Việc sử dụng máy chiếu trong giảng đường là cần thiết nhưng không nên quá lạm dụng. Năm trước, có lãnh đạo một trường đại học yêu cầu tất cả giảng viên phải soạn giáo án điện tử. Nhiều giảng viên có thâm niên xin miễn dùng giáo án điện tử vì kinh nghiệm giảng dạy nhiều, không thích cầm giáo án đọc nhưng Hiệu trưởng nhất định không chịu. Kết quả là năm sau, chất lượng giáo dục của trường đó đi xuống thê thảm”.

Là người có gần 30 năm gắn bó với ngành giáo dục, Giảng viên chính, ThS Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng bộ môn Địa lý kinh tế, Trường ĐH Vinh, cho rằng: “Chương trình khung của giáo dục đại học từ 30 năm trước đến nay vẫn giống nhau. Nhà trường lại yêu cầu giảng viên giảng dạy bằng giáo án điện tử. Như thế, chỉ cần một giảng viên trong khoa soạn rồi copy cho nhau là xong. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng giáo dục không chỉ thay đổi phương pháp từ đọc - chép sang nhìn - chép mà phải cần một “cuộc cách mạng” về nội dung môn học”.

Thầy Trần Quốc Khánh, giảng viên khoa Cảnh sát giao thông, Ttrường ĐH Cảnh sát nhân dân, nhận xét: “Tôi là giảng viên trẻ nhưng cũng không ủng hộ việc giảng viên quá phụ thuộc vào cái máy chiếu. Giáo án điện tử chỉ thật sự phát huy tác dụng với một số bộ môn đòi hỏi hình vẽ nhiều. Ví dụ, vẽ một cái pittông mất nửa tiết học. Giảng viên có thể ngồi vẽ ở nhà rồi chiếu lên minh họa cho sinh viên hiểu. Còn các môn học khác, đòi hỏi lập luận và tư duy mà giảng viên cứ nhìn vào máy vi tính đọc cho sinh viên chép thì rất khó chấp nhận. Chúng tôi vẫn hay nói đùa, giảng viên giảng bài như đi hát karaoke. Chữ chạy đến đâu thì “hát” đến đó.
Nhiều hôm trường bị mất điện, thầy phải cho lớp nghỉ vì không… thuộc giáo án”.

Đứng ở góc độ quản lý, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, chia sẻ: “Một hôm, tôi bỏ chút ít thời gian để dạo qua các lớp, xem tình hình dạy và học như thế nào. Đứng ngoài nhìn vào, ai cũng nghĩ trường hiện đại vì thầy cô dùng laptop, máy chiếu giảng dạy. Nhưng có vào bên trong, quan sát kỹ và lắng nghe mới biết thực chất ra sao. Tôi nghĩ, để nâng cao chất lượng đào tạo, chúng ta không nên chỉ nhìn vào máy móc thiết bị, mà nên tăng điểm đánh giá quá trình học tập lên 50% điểm của môn học, triển khai việc để cho sinh viên trợ giảng. Sinh viên năm thứ 3 có thể phụ giảng viên giảng cho sinh viên năm thứ nhất, các bạn năm thứ 4 trợ giảng cho các lớp năm thứ 2”.


Theo SVVN

Thầy không ra thầy, trò không ra trò, ai trách ai?


Diễn đàn:

Thầy không ra thầy, trò không ra trò, ai trách ai?

TTO - Hơn 100 email bạn đọc tiếp tục “đổ” về Tuổi Trẻ Online xoay quanh câu chuyện học sinh tung lên mạng đoạn ghi âm cô giáo dùng lời lẽ không phù hợp mắng nhiếc học trò.

Bên cạnh những ý kiến lên án việc học sinh ghi âm cô giáo là việc làm không thể chấp nhận được, không chấp nhận việc ghi âm trong môi trường giáo dục, TTO còn nhận được nhiều ý kiến trái chiều khác. Những ý kiến nhiều chiều gặp nhau ở một điểm chung: đây là một câu chuyện đáng buồn của tình thầy trò, và đằng sau nó là một sự báo động về đạo đức học đường.

TTO tiếp tục trích đăng các ý kiến:

Nếu thầy trò đối xử bằng sự yêu thương

Chuyện vô lễ với thầy cô chỉ là hiện tượng quá cá biệt của 1 vài học sinh. Và nếu thầy cô dùng tình thương yêu thật sự của 1 người cha, người mẹ để trò chuyện tình cảm với những em cá biệt này thì chắc chắn sẽ cảm hóa được các em.

Tôi hiện cũng đang là 1 giáo viên, có con gái đang học lớp 11- độ tuổi mà một số người lớn chúng ta xem là "khó trị, hư hỏng, mất dạy..." . Tôi xin kể các bạn nghe về con gái tôi và lớp bạn của chúng: Trước đây khi nghe con kể về những lời trêu chọc qua lại trong đám bạn , tôi hay bảo: "tụi con toàn nhảm nhí, con toàn kể chuyện chơi không mà chẳng nghe con nói về bài học...." thế là con phản ứng ngay: "con chẳng bao giờ kể mẹ nghe nữa" và nó im từ đó.

Tôi rút ra được 1 bài học, nếu con cảm thấy cha mẹ không thể là nơi tâm sự được thì sự xa cách giữa cha mẹ và con cái là tất yếu. Chuyện vui đùa của con trẻ là nhu cầu mà người lớn lại dập tắt nhu cầu đó. Thế là tôi tập lắng nghe con, tôi không hỏi 'hôm nay con có bị điểm xấu không?" mà tôi gợi ý: "Hôm nay ở trường có gì vui không con?"

Một câu chuyện của con mà tôi đã nhớ “Mẹ ơi! Năm nay con có cô Văn mới hay lắm! Cô tếu lắm, có bạn nam mặc áo phanh ngực, cô bảo: Anh này, bao giờ tôi đi dạy mà mặc váy, áo hai dây, bạn hãy khoe hàng nhé. Còn hôm nay tôi mặc áo dài, đàng hoàng nghiêm túc là tôi tôn trọng các bạn, các bạn phải tôn trọng tôi chứ.... hắn đỏ mặt, bọn con cười bể bụng.”

Lắng nghe con kể chuyện bè bạn thầy cô mà tôi phải ôm bụng cười và nhận ra rõ ràng rằng, chúng sẽ rất vui, rất thích học những thầy cô hay chuyện trò thân mật với chúng... Qua lời con kể tôi rất quí một số thầy cô biết làm cho việc học của các em vui, nhẹ nhàng, dễ có được điểm tốt.

Nhưng cũng thấy không ít giáo viên luôn có thành kiến với học sinh, trước những sai phạm của các em, họ có những biện pháp trừng phạt hơn là khuyến khích như: bắt học sinh không thuộc bài đứng tại bục giảng học (4 trang?), phạt đứng nghe giảng, học sinh học thuộc bài để trả nợ lần trước , thầy không đồng ý bài đó, bảo học bài khác...

Nhưng tội nghiệp lũ trẻ: không có nơi, có quyền bày tỏ ý kiến của mình (quyền trẻ em thì được viết mấy trang rồi đấy)... đành phải hỗn, phải nghịch ngầm thôi. Chúng ta chê chúng hư hỏng, hay chính chúng ta làm chúng phải hư? Là giáo viên, trước 1 thái độ vô lễ, không thuộc bài, không làm bài của các em, chúng ta hãy thật bình tĩnh tìm ra giải pháp.

Bạn có để ý không, ngay từ khi còn ở bậc tiểu học, đối với học trò đã hình thành tư tưởng: “cô con nói vậy, mẹ nói không đúng”. Lời dạy của thầy cô nặng ký hơn cha mẹ đó. Chúng sẽ ghi nhận và thần tượng, nghe lời bạn nếu bạn cư xử mẫu mực, anh minh và tình cảm với chúng.

Lớp tôi đang dạy là lớp mà nhiều giáo viên từ chối. Lúc đầu tôi cũng từ chối, nhưng nhờ sự động viên quá hay của thầy hiệu trưởng, hiệu phó tôi đã nhận với quyết tâm chinh phục tình cảm các em bằng những khen thưởng, khuyến khích, tình yêu thương thật sự.

Chúng tôi đã rất quí mến nhau, học ra học, chơi ra chơi. Một vị giáo viên nước ngoài bảo: tôi rất thích lớp cô, chúng ồn ào nhưng học tích cực. Tôi cười bảo ông ấy nói chuyện, ồn ào là bản chất tự nhiên của lũ trẻ, ta nên hiểu và yêu tính năng động đó. Và ông đồng ý với quan điểm của tôi. Buồn một điều là chỉ có người giáo viên nước ngoài đó cùng tư tưởng với tôi.

Một câu kết, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn giáo viên: Nếu các em ngủ gục, nói chuyện, quậy phá trong giờ học, là do bài giảng của mình chưa lôi cuốn các em tham gia, hãy xem lại bài giảng , cách giảng, cách thu hút các em.

Mỗi giờ lên lớp ta phải xem bản thân như là 1 diễn viên, phải đẹp từ ngoại hình, diễn xuất cho thật hay... thì sẽ làm cho khán giả (học sinh) chăm chú, yêu mến mình thôi.

Diễn dở thì chúng ngủ, hoặc nói chuyện. Ép chúng im lặng, lắng nghe, coi chừng phản tác dụng. Chúng không thuộc bài , làm bài , đừng bực dọc, tức giận, hãy cho chúng cơ hội, khuyến khích sự sửa chữa của chúng, cho chúng thấy mình rất vui khi chúng có cố gắng. Khen chúng thật nhiều. Chắc chắn chúng sẽ tốt lên.

Hãy hiểu và thương tình trạng học tập của bọn trẻ hiện nay: học sáng trưa chiều tối, thời gian đâu làm bài, học bài ở nhà. Bạn làm được không?

Cả chuyện đi học thêm học bớt đó đâu phải do chúng muốn, thầy cô mở lớp và chính thức hay không chính thức là đều buộc chúng phải đi học đó thôi. Không đi không làm được những bài mà các bạn trong lớp học thêm đã được cô chỉ trước, điểm thấp hơn thì sao....?

Chúng ta cư xử không đúng mực là THẦY thì không thể trách trò không giữ đạo TRÒ, chính xác, hiển nhiên là như vậy. Tôi chỉ tha thiết 1 điều nếu ai cảm thấy mình không thể yêu những đứa học trò như con mình thì xin hãy đừng làm thầy, làm cô để "hành hạ " chúng.

Hãy chọn nghề khác để mưu sinh đi. Vì đây không chỉ đơn thuần như những môi trường kinh tế khác mà là 1 sự nghiệp trồng người.

THU THẢO

Tình cảm thầy trò thiêng liêng lắm

Thật sự sau khi nghe đoạn thu âm, tôi cảm thấy rất buồn. Buồn vì tình cảm thầy trò ngày nay sao mà xa cách quá. Ngày xưa, khi còn học phổ thông, cũng có lúc học sinh chúng tôi cảm thấy bất bình với thầy cô, nhưng cũng chỉ dám nghĩ, rồi để đó, rồi lại quên, đến ngày ra trường đứa nào cũng ôm thầy cô mà khóc nức nở.

Tôi còn nhớ năm lớp 9, cô chủ nhiệm của tôi rất nghiêm khắc. Mỗi khi cô trách mắng cả lớp đều im lặng mà cúi mặt xuống bàn. Đứa nào phạm lỗi được cô hỏi thăm đều mặt mày xanh lét. Dù cô không bao giờ đánh chúng tôi, cô chỉ dùng lời thôi, nhưng chúng tôi vẫn thấy rất sợ cô.

Sau này lớn lên, hiểu được những sai phạm của mình, chúng tôi mang ơn cô rất nhiều và vẫn luôn kính trọng cô. Tình cảm thầy trò thiêng liêng lắm!

Nguyễn Phú Cường

Thầy cô là tấm gương của trò

Mỗi lời nói của thầy, cô khi đứng lớp sẽ đi theo học sinh đến suốt đời. Họ lấy lời thầy cô làm lẽ sống, lấy tấm gương thầy cô làm mục tiêu noi theo. Thế hệ chúng tôi khi bồng súng đứng gác nơi tuyến đầu tổ quốc nghỉ về lời khuyên của thầy cô để ấm lòng mà vững chắc tay súng.

Bây giờ sự xuống cấp đạo đức của xã hội khiến cho thầy, cô cũng có nhiều người không thực sự xứng đáng vẫn được đứng lớp, khi việc đào tạo thầy cô cũng dễ dãi hơn, việc quản lý giáo dục lại ngày càng nhiều bất cập.

Bởi vậy, học sinh ghi âm, ghi hình những thầy, cô có những biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo để cho mọi người biết cũng dẫu là điều bất đắc dĩ, nhưng cũng có khi là điều nên làm, để người khác biết mà tự răn mình khi đứng lớp, khi xử sự với học sinh của mình.

Hãy làm sao để có được sự dân chủ trong giáo dục, để các nhà sư phạm phải hiểu rằng đừng tưởng mình làm thầy, cô rồi muốn nói, muốn xử sự với học sinh thế nào cũng được. Muốn chấn hưng nền văn hóa, cần phải xây dựng một đội ngũ thầy, cô trở thành những nhà văn hóa thực sự.

Ngô Đức Chiến

Nền giáo dục Việt Nam nên cởi mở, thẳng thắn và bình đẳng

Không phủ nhận rằng hành động "dè bĩu" cô giáo của em học sinh đó là sự đi ngược lại đạo đức lễ nghĩa. Nhưng một người giáo viên, là tấm gương nhân cách cho học sinh soi theo lại có những cách ứng xử sư phạm như thế thì cũng không thể được.

Chúng ta cần sự tôn trọng từ cả hai phía: thầy và trò. Nền giáo dục Việt Nam nên cởi mở, thẳng thắn và bình đẳng hơn. Như có thể đưa ra những hộp thư ý kiến. Hành động ghi âm của các em như thế cũng là một sự thỏa đáng. Giả sử, nếu không ghi âm, khi các em kiến nghị việc đó lên nhà trường, ai sẽ tin các em.

Nguyễn Thị Trâm Anh

Dân chủ và bình đẳng hơn trong giáo dục

Việc ghi âm trong lớp và trong giờ học nên coi là bình thường. Tôi cũng có nhiều lần dạy chuyên nghề, các học viên ghi âm thoải mái. Mong là họ sẽ nghe lại khi học bài ở nhà. Có trường hợp vì lí do nào đó, học viên không đến lớp được, gửi máy nhờ bạn ghi lời giảng, tôi thấy còn hơn là không quan tâm đến giờ học, bài học.

Đành là không phải câu nào giáo viên, giảng viên nói cũng hoàn toàn chính xác, nhưng khi chịu trách nhiệm, tự tin sau khi nghiêm túc chuẩn bị về những gì giảng hay trao đổi trong lớp thì không có gì phải ngại. Dân chủ và bình đẳng hơn trong giáo dục luôn chỉ tốt hơn. Có bạn viết việc làm này là vô lễ, e quá lời.

Chỉ rất vô lễ và không chấp nhận được khi học sinh ghi âm lén giáo viên ngoài giờ học.

Nguyễn Phước

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Những sự kiện học đường sốc nhất 2010

Những sự kiện học đường sốc nhất 2010
 - Môi trường học đường được xem là trong lành nhất từ trước đến nay nhưng trong năm 2010 dư luận hết sức ngỡ ngàng, bức xúc bắt đầu từ những vụ nữ sinh đánh nhau dã man, cô chửi trò, thầy giáo "sàm sỡ" học sinh...
Câu chuyện được dư luận quan tâm gần đây nhất là vụ việc một cô giáo đã buông những lời khiếm nhã trước các học sinh ở Hải Phòng. Nhiều người cho rằng, trong chuyện này cả cô lẫn trò đều có lỗi.
Một ngày đầu tháng 12, trên các trang mạng xã hội xuất hiện clip một cô giáo bị đám học trò vây quanh xin điểm. Bằng giọng bực bội, cô giáo kiên quyết: "Tôi còn lâu mới tha lớp này" và cao điểm hơn là: "Tao vả vỡ mồm mày đấy. Mày như giặc ấy" .
Vì nóng giận cô giáo này đã buông những lời khiếm nhã trước học trò 

Những lời lẽ trên lập tức khiến dư luận bức xúc khi được phát ngôn ra từ chính miệng một cô giáo. Cô giáo trong clip được xác định là Hoàng Thị Ngọc (SN 1960), tổ trưởng bộ môn Tin học, Trường THPT Hàng Hải, Hải Phòng.
Vụ việc diễn ra vào ngày 29/11 ở một lớp 12 của Trường THPT Hàng Hải, khi kiểm tra bài cũ đầu giờ, nhiều học sinh không học bài nên bị điểm kém. Trong quá trình học, lớp lại ồn ào, mất trật tự, nên cuối giờ, khi chấm điểm giờ dạy cô nêu ý định trừ điểm. Tuy nhiên, các học sinh đã "quây" cô giáo và liên tục nài nỉ, níu kéo cô nâng điểm khiến cô Ngọc không giữ được bình tĩnh và văng tục trước mặt học trò.
Trên các diễn đàn đã có nhiều ý kiến trái chiều sau khi đoạn clip trên được phát tán. Có người cho rằng lời cô giáo không phù hợp với một nhà sư phạm. Ý kiến khác lại bày tỏ thông cảm với cô bởi những học sinh đã có thái độ coi thường giáo viên. Hậu quả của những phút thiếu kiềm chế này là cô Hoàng Thị Ngọc bị đình chỉ dạy để kiểm điểm.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên, trước đó vào ngày 25/9, một clip do nhóm học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú (TP Hải Phòng) thu âm lén những lời xỉ vả nặng nề của cô giáo dạy tiếng Anh dành cho một học sinh cũng đã phát tán lên mạng. Đoạn ghi âm này dài tới 18 phút cũng thu hút rất nhiều những comment trái chiều của cộng đồng mạng.
Bùng nổ các clip bạo lực học đường
Năm 2010 được xem là năm bội thực các clip nữ sinh đánh nhau. Chỉ cần vào google gõ từ khóa, hàng loạt clip được tìm thấy với những hình ảnh đầy nhức nhối khi những tà áo dài lao vào “trả đũa” nhau, hành xử theo lối giang hồ. Đặc biệt nhất là vào ngày 14/9, một clip nữ sinh ở Nghệ An bị đánh hội đồng khiến dư luận trên địa bàn hết sức phẫn nộ. Mặc dù đây không phải là lần đầu nhưng những hành động và tình tiết trong clip lại có tính chất dã man hơn hẳn những clip trước đây.


Trong clip này, một nữ sinh bị ba nữ sinh khác kéo lê trên đường và chửi bới với ngôn ngữ thiếu văn hóa, thô tục.
Hình ảnh làm người xem rợn người khi một nữ sinh tung người lên cao, dùng hai chân đạp mạnh vào đầu và mặt khiến nữ sinh này ngã gục xuống đất. Sau đó, danh tính nạn nhân được xác định là em Nguyễn Thị Hà Như, học sinh lớp 12A6, THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh. Dù kẻ gây ra chuyện đã bị xử lý nhưng liệu những vết thương tâm hồn của cô nữ sinh tội nghiệp có thể lành lặn trở lại? Và hình ảnh tà áo trắng của những nữ sinh hiền thục có còn nguyên vẹn trong lòng dư luận?
Vụ việc này chưa kịp lắng xuống thì ngay sau đó không lâu vào ngày 23/10, trên mạng lại xuất hiện một clip quay cảnh nữ sinh bị đánh, lột áo giữa đường tại Quảng Ninh. Cầm đầu vụ đánh hội đồng, lột áo nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Nhâm (THPT Lương Thế Vinh) này là Nguyễn Hải Yến, 19 tuổi, (Cẩm Sơn, thị xã Cẩm Phả). Nguyên nhân của màn “nói chuyện bằng nắm đấm” kinh hoàng này là do cả thủ phạm và nạn nhân cùng yêu một chàng trai ở Quảng Ninh.
Bạo lực học đường đang được xem là vấn nạn của ngành giáo dục. Những nạn nhân của nó có thể không phải chịu những trận đòn kinh khủng như thế nếu như có sự chung tay của bạn bè hay sự giúp đỡ của những người chứng kiến. Nhưng điều đau lòng là nhiều học sinh có mặt lúc đó, đã quay lưng, thờ ơ với nỗi đau của bạn mình.
Nữ sinh “vẽ” chuyện hay thầy giáo “vòi” tình?
Đầu tháng 12 vừa qua, dư luận ở Vĩnh Phúc đã xôn xao về việc một thầy hiệu phó ép nữ sinh đi hát karaoke, uống bia rượu khiến em này hoảng loạn và uống thuốc ngủ tự tử sau đó. Tuy nhiên, thầy giáo này đã lên tiếng phủ nhận.

Quán café nơi trò “tố” thầy sàm sỡ.  

Em Nguyễn Thục H., Trường THPT Bến Tre (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) đã có đơn tố cáo thầy Nguyễn Văn Huân - Phó hiệu trưởng trường này ép em uống rượu và có hành động sàm sỡ khiến em phải tìm đến con đường quyên sinh.
Tuy nhiên, trong bản tường trình gửi nhà trường, thầy Nguyễn Văn Huân, nhân vật chính trong vụ tai tiếng trên, cho hay chính gia đình học sinh H. đã có những hành vi cưỡng bức thầy giáo phải thừa nhận những việc làm trên.
Việc trò tố cáo thầy hiệu phó ép uống rượu, sàm sỡ còn thầy lại giải trình bị gia đình học trò “ép”... đang được cơ quan có thẩm quyền làm rõ. Nhưng qua vụ này, nhiều bạn đọc đã tỏ ra bức xúc, dù thầy đúng, trò sai hay ngược lại thì môi trường giáo dục cũng đã phần nào bị hoen ố bởi những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Những ngôi trường đạt chuẩn... ngược


Theo Sài gòn giải phóng
Thứ sáu, 17/12/2010, 01:52 (GMT+7)

Những ngôi trường đạt chuẩn được ngành giáo dục liệt kê hàng năm làm chạnh lòng không ít các trường chưa “chuẩn” khi thầy cô phải dạy học trong những ngôi trường chật hẹp, xuống cấp. Sống trong môi trường “già trước tuổi” này, thầy đã khổ, trò còn khổ hơn.
Kỷ lục... ngược

Lớp học chừng hơn 20m² bé như nắm tay chỉ đủ kê hơn chục chiếc bàn thấp cho học sinh (HS) lớp 1 ngồi. Bên trong, những bức tường úa màu càng làm tăng vẻ u ám. Trong sự ẩm thấp, tối tăm, 12 bóng đèn neon dường như chưa đủ sức thắp sáng cho HS đọc sách, viết chữ và nhìn thấy mặt cô. Cạnh đó là các anh chị lớp 3 được học trong một phòng học rộng gấp đôi nhưng chắn ngay giữa lớp là 2-3 cây cột to án ngự. Học trò từ bàn thứ 3 đến cuối lớp phải nghiêng người liên tục để nhìn rõ bài học ghi trên bảng.

Đó là quang cảnh một buổi học tại Trường Tiểu học Điện Biên (quận 10). Phải dụi mắt, chúng tôi mới tin được rằng ngay giữa trung tâm sầm uất lại tồn tại một ngôi trường cũ kỹ, chỉ gồm 7 phòng học đã xuống cấp như thế. Tiền thân của trường là một ngôi chùa nên tất cả các lớp đều không đúng quy cách để học. Có những phòng nhỏ chưa đầy 30m², nhưng có phòng lại rộng đến hơn 50m², vượt ngoài quy định chuẩn của lớp học là 48m². Cả ngôi trường 1 trệt 2 lầu có một phòng đa năng duy nhất vừa làm hội trường, thiết bị, thư viện và làm chỗ ngủ trưa cho học trò học bán trú. Muốn đến phòng ban giám hiệu phải đi xuyên qua nơi giáo viên nghỉ ngơi, hội họp; chỗ làm việc của công nhân viên… nhưng tất cả đều có một điểm chung là nóng và tối. Cách đó không xa, “hàng xóm” của Trường Tiểu học Điện Biên là Trường Tiểu học Trí Tri cũng nổi tiếng vì giống như một chiếc hộp kín bưng, phòng học nối tiếp phòng học. Sân trường đã nhỏ lại trở thành bãi để xe duy nhất của trường nên học trò đành “bám víu” vào cầu thang làm sân chơi giữa giờ…

HS của Trường Chuyên biệt Tương Lai (quận 5) tưởng rằng “khỏe” hơn khi được học trong một ngôi trường rộng rãi, có sân rộng nhưng lại nơm nớp lo sợ vì trường đã xuống cấp trầm trọng. Trần nhà được chống bằng những ô sắt to để chống sập. Bếp ăn thuộc dạng “lưu động” vẫn phải… chạy mỗi khi trời mưa. Có lần, một mảng bê tông rơi xuống trong giờ học buộc nhà trường phải tìm chỗ học tạm. Hai địa điểm học tạm một nơi là nhà dân cải tạo gồm 1 trệt 3 lầu gây khó khăn cho học trò kém phát triển, bệnh tật; nơi còn lại là một cơ sở đã quá cũ được một trường mầm non cho mượn tạm. Học trò của Trường Chuyên biệt Tương Lai đã sống lay lắt như thế gần 5 năm nay.

Éo le hơn, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận 8) cũng nằm “treo” vắt vẻo trên lầu một siêu thị sách. Trường lập kỷ lục vì không cổng, không sân và không tiếp đất nên nhiều năm nay hành lang vừa là lối đi vừa trở thành sân tập thể dục, vườn sinh vật, sinh hoạt đầu tuần, vui chơi… cho HS. Trường THCS Yên Thế (Bình Thạnh), Trường Tiểu học Kết Đoàn (quận 1)… cũng nhỏ hẹp không kém. Nhiều năm nay, hết than khổ kể khó, giáo viên của các trường đành tự an ủi nhau bằng cách tự trào trường mình là trường đạt chuẩn… quốc tế.

“Chạy” trường!

Khi cơ sở vật chất quyết định ý thức chọn trường của phụ huynh, các trường nghèo đành phải chấp nhận sự hẩm hiu của dòng chạy ngược. Ai cũng hiểu việc được học trong ngôi trường khang trang, đầy đủ trang thiết bị sẽ có kết quả học tập khác với trường nghèo nên hầu hết phụ huynh dần quay lưng với các trường khó khăn. Thầy Trần Minh Thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên cho biết: Trường chỉ có hơn 120 HS, mỗi khối chỉ có một lớp và sĩ số mỗi lớp chưa bao giờ vượt quá con số 25. Đã nhiều mùa tuyển sinh, trường không bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu, có năm tuyển được 1/3, cao lắm cũng chỉ được một nửa HS so với chỉ tiêu dù đã làm đủ mọi cách để “chiêu dụ” phụ huynh, học trò. Nhiều phụ huynh đăng ký giữ chỗ cho con nhưng vẫn tìm mọi cách chạy vào trường khác nên điệp khúc xin thêm giáo viên rồi lại làm thủ tục trả về sau mỗi mùa nhập học khiến ban giám hiệu trường phải chạnh lòng.

Cùng chung số phận, hiệu trưởng của một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh chia sẻ: Có một thực tế là hầu hết HS của các trường có khó khăn về cơ sở vật chất đều là con em lao động nghèo, từ địa bàn khác đến học vì không thể chạy đi đâu nên họ đành chấp nhận học ở những ngôi trường chật hẹp, thiếu thốn. Hầu hết phụ huynh khá giả đều tìm mọi cách để… chạy khỏi trường, bước vài bước là đến những ngôi trường “đại gia”.

Trong khi hầu hết các trường công lập tại TPHCM đều chịu áp lực sĩ số, những trường này luôn trong tình trạng chờ đợi HS. Phường 11 quận 8 chỉ có duy nhất một Trường Tiểu học Lý Thái Tổ nhưng năm nào số HS đến tuổi vào lớp 1 trên địa bàn đều “biến mất” chừng một nửa. Năm học 2010-2011, Trường Tiểu học Trí Tri chỉ tuyển được 1 lớp 1 trong khi chỉ tiêu là 2 lớp. Cũng bởi vì thiếu sân chơi, trường nhỏ hẹp mà Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận 1) năm nào cũng vất vả với câu chuyện tuyển sinh đầu cấp.

Cô Hà Thị Bích, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai cho biết: Trường đã được quy hoạch và có kế hoạch xây dựng từ năm 1995. Đã có nhiều phương án dự kiến và 3 bản thiết kế xây dựng nhưng đến nay dự án này vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Từ phương án ban đầu xây dựng tại cơ sở chính với thiết kế 2 lầu có dự toán đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, trường được chuyển qua nhiều địa điểm và đến nay trường được dự toán lên đến 13 tỷ đồng vào năm 2009 với 6 tầng lầu. Chưa tính đến nghịch lý trường cao 6 tầng, thiếu sân chơi, phòng chức năng ở cao gây khó khăn cho trẻ khiếm khuyết thì khu đất dự kiến được lấy từ Trường Mầm non 10 vẫn còn trên giấy. Khu đất để xây mới Trường Mầm non 10 vẫn chưa giải tỏa xong.

Tương tự, Trường Tiểu học Điện Biên, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ… cũng đã được quy hoạch từ 10 năm nay nhưng đến nay vẫn tiếp tục… chờ. Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 8 lý giải: Hiện nay thủ tục thẩm định và phê duyệt xây dựng trường học đã nhanh hơn nhưng tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng dân số cơ học nhanh khiến trường lớp không theo kịp. Khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu “đất sạch”.


Tiêu Hà

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Internet không là nơi giải quyết quan hệ thầy - trò


TTO - Việc học sinh ghi âm, quay hình lại hành động của thầy cô rồi tung lên mạng đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng với nhiều tranh cãi trái chiều. Mời bạn đọc đến với hai chia sẻ của thầy cô về vấn đề này.
Cô và trò - Ảnh mang tính minh họa của Benny Phan
* Cô Chương Thị Mỹ Lệ (Trường THPT Châu Thành 2, Châu Thành, Đồng Tháp):
Thầy không thấy lỗi của mình, làm sao trò thấy lỗi của trò?
Nếu tôi là nhân vật chính thể hiện sự nóng giận trong các clip mà học trò quay lại rồi tung lên mạng thì điều đầu tiên tôi sẽ tự hỏi: “Tôi đã làm gì? Tại sao tôi không thể kềm chế sự nóng giận để ra nông nổi này?”.
Nếu tôi có lỗi để đưa đến sự việc thế này, tôi mạnh dạn nhận lỗi, vì người thầy không thấy được lỗi của mình thì trò làm sao thấy được lỗi của trò?
Ở các nước tiên tiến, trường học thường có người trợ giáo - có thể ví như “trợ lý thanh niên” trong trường học ở nước ta. Họ được học về môn tâm lý để giúp học sinh giải quyết những khúc mắc, những khó khăn trong quan hệ bạn bè, trong việc học tập…
Trường học ở nước ta nói chung không có hoặc ít có người giúp học sinh giải quyết các vấn đề này, dù trong chương trình học có đủ thứ: hoạt động ngoài giờ lên lớp, tư vấn cho học sinh…
Thật ra, những hoạt động đó chỉ có những ảnh hưởng nhất thời trong giờ học, ảnh hưởng của các bài học không nhiều, không thiết thực. Có thể mục đích của chương trình là tốt nhưng do giáo viên không có thời gian hoặc không nghiên cứu kỹ để biến tiết học thành bài học có những ảnh hưởng thiết thực đến học sinh.
Học sinh ngày nay thật sự có nhiều vấn đề rất nhạy cảm. Tôi từng lắng nghe học sinh chia sẻ về hoàn cảnh, những thắc mắc trong cuộc sống, kể cả chuyện tình cảm riêng tư. Tôi luôn sẵn lòng nghe các em tâm sự, lời khuyên của tôi cũng giúp được các em này hiểu vấn đề.
Chúng ta nên có những giáo viên phụ trách giải quyết và giúp đỡ về mặt tinh thần cho các em. Thậm chí giáo viên cũng nên nắm bắt sự việc, tìm hiểu vấn đề ngay cả khi các em chưa nói. Điều đó sẽ rất hay và rất cần thiết.
* Thầy Phạm Hải Việt (Trường THCS Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM): 
Internet không là nơi giải quyết mọi vấn đề
Quay clip về hành động không hay của giáo viên, chứng tỏ các em đã bày tỏ quan điểm của mình trong việc bảo vệ quyền chăm sóc giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, khi đưa những hình ảnh đó lên chứng tỏ học sinh đó chưa suy nghĩ hết những hậu quả.
Các em cứ nghĩ đó là giãi bày để mọi người cùng đồng cảm nhưng thật ra các em đang bôi xấu đi hình ảnh trường mình đang học, đang làm mất vẻ đẹp của học sinh, của những tâm hồn mới lớn.
Ở trường, khi thật sự có những khó khăn, chính các em phải là người báo cho ban giám hiệu, những thầy cô mà các em tin tưởng hay trò chuyện với thầy cô tổng phụ trách, giáo viên tâm lý... để có hướng giải quyết. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần giúp đỡ các em giải tỏa những vấn đề bức xúc. Chính các em phải tự đặt mình vào vị trí thầy cô để nghĩ xem trong hoàn cảnh đó mình sẽ làm gì?
Thật sự Internet không phải là nơi thuận tiện để bày tỏ những thái độ, suy nghĩ về thầy cô, bởi tốc độ lây lan và xuyên tạc nhiều khi không thay đổi kịp.
HỒNG THẮM thực hiện


Ý KIẾN BẠN ĐỌC:


(10)
Ai kiềm chế đuợc chắc đã thành thầy tu rồi
Xin hãy khoan khoan bàn luận về hình ảnh của nguời thầy. Tôi nói đơn giản, nếu ở nhà các bạn đang nói chuyện nghiêm túc với ngùơi thân :anh, chị, em, cô, dì, thậm chí là ba mẹ bạn nhưng họ không chú ý lắng nghe bạn, mà đọc báo, xem phim, nhắn tin hay có điện thoại liên tục thì bạn có bực mình không?
Cảm giác của bạn như thế nào? Nếu là nói với mấy đứa em, cháu thì tôi nghĩ bạn sẽ cho chúng một trận hoặc chửi rủa um sùm rồi. GV cũng vậy thôi. Các bạn bảo GV phải tạo hình tuợng tốt vậy làm cha, mẹ, anh, chị thì không phải tạo hình tuợng tốt, guơng sáng cho con em mình noi theo sao?Vậy có bao giờ bạn bị đòn hoặc nghe la mắng từ họ chưa?
Có bao giờ bạn quay lại clip tung lên mạng và nói anh chị, ba, mẹ tôi đã đánh mắng tôi thế này chưa? Tôi còn nhớ hoài hình ảnh thầy dạy Toán năm 12, cây thuớc to, dài vác ngang trên vai, đi tới đi tui, chỉ chực chờ phết vào mông đứa nào không làm đuợc bài tập, đám con trai sợ chết khiếp, con gái thì không dám thở mạnh nữa.
Thầy xưng là tao và gọi chúng mày, "ngu lắm con ạ", "ngơ ngơ như bò đội nón", "ngố tàu", " thằng kia lên đây tao bảo" "tao quất một cái chết tuơi bây giờ "... Các bạn nghe có thấy sợ, lo lắng gì cho đạo đức GV không? Chúng tôi thì không vì chúng tôi hiểu sau những hành động và lời nói đó là sự lo lắng, tâm huyết của thầy dành cho chúng tôi và xen lẫn trong sự khắt khe cũng có những tràng cuời thoải mái và niềm vui từ thầy. Chúng tôi đã TN hơn 10 năm rồi nhưng chưa ai quên đuợc thầy!
VIETHOANG
Giáo dục học sinh có ý thức, trách nhiệm trước cộng đồng
Do cơ chế thị trường tạo ra mặt trái của xã hội , giáo dục hiện nay có những nơi ,những nơi,những lúc thầy không ra thầy và trò không ra trò mới có chuyện,trong lúc chúng ta đang lúng túng chưa có biện pháp giải quyết hợp lí tình trạng quan hệ thầy và trò như trên thì ắt điều đến phải đến mà thôi,nhưng chúng ta cũng phải khách quan, không nên bao che cho cái xấu và giáo dục học sinh phải có ý thức,trách nhiệm trứơc cộng đồng ,xã hội về hành động của mình.
THANH THUẬN
Có qua có lại!
R - Vào năm lớp 10, tôi thấy em này mặt mày mơ màng, thường xuyên ngủ gục trong lớp, nhắc mãi mà cũng chẳng thay đổi được bao nhiêu, báo với giáo viên chủ nhiệm để tìm cách giải quyết. Lên lớp 11, tiếp tục dạy và chủ nhiệm lớp này, em này lại tiếp tục như vậy. Các giáo viên khác đều than phiền về em.
Lần này tôi đi báo phụ huynh, mới biết mẹ em này bị ung thư giai đoạn cuối, vì học trò và vì mẹ em tôi bắt em về nhà dạy kèm miễn phí mục đích là quản lí và năn nỉ em, tôi không ngờ là em này cực kì thông minh, thời gian đầu em cũng thay đổi, đi học đều, điểm số vượt bậc, cả tôi và mẹ em đều vui, mẹ em là 1 giáo viên giỏi.
Không may tôi bệnh phải đi nằm viện gần 2 tháng, bỏ lớp cho người khác dạy và chủ nhiệm luôn. Trở về, tôi gọi em đi học lại nhưng em không đi học đều nữa, lên thăm mẹ em thì mẹ em nói chỉ còn nhờ cô nói giùm chứ ở nhà chẳng làm được gì. Một ngày nọ em viết giấy phép nghỉ học, hôm sau mẹ em gọi điện xin cho em nghỉ nữa vì bệnh, ngày thứ 3 em lại nghỉ không phép, ngày thứ 4 lớp thông báo em không đi học, tôi nghĩ không biết em bệnh gì, chắc cũng nặng nên mua sữa lên thăm em.
Mẹ em nói: nó đi học 2 ngày nay mà cô! Tôi tức điên lên và đi khắp các tiệm internet gần trường để tìm em nhưng không thấy, chạy đến trường hỏi bạn cùng lớp xem em hay chơi tiệm nào và tôi chạy lên gần nhà em để tìm em lần nữa, tôi thấy em đang say mê chiến đấu bên màn hình, chẳng có dấu hiệu mệt mỏi, bệnh tật.
Nói thật, lúc đó tôi chỉ muốn thẳng tay tát cho nó vài cái ngay giữa tiệm net cho hả giận nhưng may mà tôi bình tĩnh được, gọi nó, nó thấy tôi mà mặt không còn giọt máu. Tôi chỉ ra lệnh: bỏ áo vào quần và xuống trường ngay! Nó xuống trường học và sau đó gửi tôi thư xin lỗi gần hai đôi giấy, em bảo "vì bất lực trước tình cảnh của mẹ nên muốn quên đi"...
Cuối năm học, lớp liên hoan, hôm đó em không đi học, tôi phải đến nhà gọi em đi chơi. Tiền liên hoan đều do tôi trả,.. vì sang năm tôi đi học không dạy lớp nữa. Nhưng em về và nói với mẹ là xin tiền để góp tiền liên hoan, cả 150.000đ. Tôi nghe mẹ em nói lại mà tức muốn chết! Vậy đấy, trong khi mẹ em sắp chết, (cô ấy ra đi vào mùa hè ấy) nhưng em này lại hư hết chỗ nói, em bị đuổi ra khỏi lớp chuyên! Tôi buồn vì chẳng giúp em tiến bộ được, thất hứa với mẹ em!
Nếu gặp một học trò như vậy liệu các giáo viên có bình tĩnh nổi không? Đó là tôi đã hết lòng với nó mà nó còn thế, nếu tôi cứ la mắng thì em đó sẽ như thế nào? Những ai không làm giáo viên thì không thể nào hiểu hết nỗi khổ của chúng tôi đâu! Tôi cũng có lần nổi nóng đến mức đập gãy một compa giữa lớp học vì học trò quá hỗn! ... Nhưng, chỉ cần mỗi giáo viên có lòng một chút thì cũng không nên sợ những học trò quá đáng! Có qua có lại!


NGUYỄN VÂN
Thày trò & pháp luật
Tất cả đều là cảm tính. Clip chưa được cơ quan chức năng giám định chưa phải là bằng chứng. Tôi là hiệu trưởng thì tôi trưng cầu giám định nếu các học sinh yêu cầu, còn không thì thì tôi phạt các em tội... cản trở thi hành công vụ.
TE
Internet không là nơi giải quyết quan hệ thầy - trò
Là một giáo viên - giảng viên mà có những thái độ như vậy đối với học sinh thì không chấp nhận được, dù ai cũng có lúc nóng giận nhưng phản ứng như vậy thì... giống ở chợ nhiều hơn. Hiện nay với trào lưu tung clip lên mạng đang thịnh hành thì không có gì ngạc nhiên khi học sinh chọn cách này để phản ứng, còn báo lên ban giám hiệu ư? Ai tin? Ai giải quyết? Tin một giáo viên hay tin học sinh? Chưa kể đến hậu quả sau đó vì biết rỏ đích danh người báo.Để tạo nên một hình ảnh ngôi trường thì trước tiên những người lãnh đạo (giáo viên) phải là người làm gương.Trước đây hai chử "Thầy - Cô" rất thiêng liêng, còn hiện nay như thế nào?Ttại sao?
NGUYỄN TẤN ĐẠT
Giáo viên cần gương mẫu
Nghề giáo đòi hỏi tính mô phạm cao. Vì vậy không thể đổ lỗi vì học trò thế này thế nọ nên thầy cô có quyền nóng giận và phát ngôn bừa bãi. Gần đây các vụ bê bối của ngành giáo dục lại tập trung vào các giáo viên lớn tuổi, như vậy đúng ra họ phải hiểu mình có kinh nghiệm nên càng mẫu mực. Ngôn ngữ của hai cô giáo tại Hải Phòng, rồi vụ bê bối về tình dục của các giáo viên với học trò .v.v... Vì vậy theo tôi cứ để các em mạnh dạn tung các clip về các thầy cô không mẫu mực lên internet, như vậy các thầy cô khác sợ thì phải gờm tay, lo sữa chữa chính bản thân mình. Chứ nói rằng phản ảnh với ban giám hiệu thì liệu mọi vấn đề sẹ bị chìm xuồng, bao che và rồi đâu lại vào đó, cùng lắm kiểm điểm mà mọi người ai cũng biết rồi. Phụ huynh thì sợ con bị đì nên càng khó phản ảnh. Thầy cô giáo nếu mẫu mực thì sợ gì học trò quay lén chứ. Nói như ông bà ta ngày xưa ấy: "cây ngay không sợ chết đứng!"
HANG
Là người ai không phạm sai lầm!
Trong cuộc sống chúng ta không thể tránh khỏi những sai lầm, có những sai làm cố thể sửa chữa, nhưng có những sai lầm sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Thầy cô là những nhà giáo dục là người giúp hình thành nhân cách cho học sinh, tuy nhiên không vì thế mà thầy cô luôn luôn đúng, luôn luôn đạt chuẩn trong cách ứng xử. Nếu những hành động không hay xuất phát từ đạo đức yếu kém thì cần lên án nhưng có những hành động vì một phút không kiềm chế thì cần được thông cảm. Khi vấn đề này rộ lên vô tình sẽ khuyến khích cho những học sinh cá biệt (thường gây rối trong lớp) theo dõi thầy cô để "bắt" những lỗi sai rồi tung lên mạng. Bạn hãy là người công minh và vị tha khi thấy người khác phạm lỗi.
ELKIN
Hãy nhìn từ hai phía
Rõ ràng đây là một vấn đề không chỉ nhìn vào một phía. Mình không thể đổ lỗi hay cho rằng việc học sinh quay lén những hành động hay những lời phát ngôn thiếu "sư phạm" của thầy cô giáo mình rồi úp lên mạng là việc không nên làm, mà đội ngủ thầy cô giáo cũng phải "tự soi" lại mình. Dẫu biết rằng công việc giảng dạy cũng như giáo dục học sinh ngày càng đòi hỏi cao, áp lực nhiều, nhưng không vì thế mà mình làm mất đi " hình tượng" đẹp trong mắt học trò. Hãy thật sự bình tĩnh, hết sức khôn khéo trong cách ứng xử với học trò dù trong mọi tình huống. Dung hòa được điều này tôi nghĩ sẽ không có chuyện "lùm xùm" xảy ra. Học trò bây giờ "không hiền" như trước đây. Song, nếu người giáo viên biết kiềm chế bản thân mình, biết thể hiện sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề và đặc biệt là đến với các em bằng tất cả tình thương yêu, chắc chắn sẽ không còn bận tâm đến những chuyện mà mọi người đang bận tâm.
ĐOÀN VĂN TỐ
Sức công phá
Sẽ phải thích nghi dần với hiện tượng này. Đuổi theo vụ việc chỉ là giải quyết cái ngọn, và sẽ đuối hơi. Cái chính là phải nhìn nhận rằng đạo đức học đường đang có diễn biến xấu, tạm coi như xuống cấp từ cả hai phía thầy và trò dù chỉ là một bộ phận nhỏ, nhưng sức công phá của nó rất gớm ghê. Cả xã hội, gia đình, nhà trường phải xúm tay vào chấn hưng giáo dục. Thầy phải ra thầy làm gương trước thì mới có trò ra trò. Làm sao người giáo viên là người thật sự thầy, chứ không chỉ là thợ dạy. Báo chí cũng bớt đưa những hiện tượng này một cách quá nóng, cũng không hay. Bạn trẻ bây giờ một số em sớm nhiễm thói háo danh, các cô cậu ấy sẵn sàng làm mấy việc lùm xùm để được đưa lên báo đấy. Thật là đáng lo ngại!
THU HƯƠNG



  

Xác định cô giáo trong clip la mắng học sinh thậm tệ


 
07/12/2010 8:37 
 
(TNO) Trao đổi với Thanh Niên Online chiều 6.12, bà Trần Thị Kim Thoa, Phó Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Hàng Hải (Hải Phòng) xác nhận đoạn clip cô giáo la mắng học sinh thậm tệ được quay tại một lớp học của nhà trường.
Trong clip kể trên, được tung lên mạng vào ngày 3.12, cô giáo quát mắng học sinh thậm tệ là cô Hoàng Thị Ngọc (SN 1960), giáo viên thỉnh giảng, dạy bộ môn Tin học cho 5 lớp 12 trong trường.
Đoạn clip gây xôn xao cộng đồng mạng dài 1 phút 25 giây, quay cảnh một nhóm học sinh vây quanh cô giáo để đề nghị cô cho điểm cao. Cô giáo sau một hồi bị “bủa vây” đã nổi cáu với những lời lẽ thiếu kiềm chế, chẳng hạn như: “Tao vả vỡ mồm mày đấy...”.
Cũng theo bà Trần Thị Kim Thoa, ngay khi xuất hiện clip, Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu cô giáo Hoàng Thị Ngọc viết bản kiểm điểm, tường trình lại sự việc đã xảy ra. Theo bản kiểm điểm của cô Ngọc, khi kết thúc giờ học, cả nhóm học sinh đã nhao nhao quây lấy cô để xin điểm, khiến cho cô bức xúc và không kiềm chế được lời nói.
"Nhiều người quan sát kỹ clip cho rằng có khả năng học sinh đã chủ động chuẩn bị máy quay và có nhiều hành động, lời lẽ cố tình chọc tức cô giáo. Chúng tôi sẽ nghe ý kiến từ nhiều phía để có hình thức xử lý phù hợp", bà Thoa cho biết.
Bích Ngọc

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Chuyện logic từ clip cô văng tục chửi trò

Chuyện logic từ clip cô văng tục chửi trò
Chuyện băng ghi âm cô giáo chửi học trò tung lên mạng là một chỉ báo đủ rõ ràng để các thầy cô giáo và nhà trường phải dũng cảm thừa nhận một thực tế mới trong giáo dục Việt Nam: khi nhà trường cổ xuý cho phương châm giáo dục “lấy học sinh làm trung tâm”, nhà trường cũng phải mặc nhiên chấp nhận một hệ quả – học sinh CÓ QUYỀN ĐÚNG.

Khi học trò đúng nhưng không trúng ý thầy cô

Ảnh; Lê Anh Dũng
Một trong những quyền của học sinh phải được nhà trường và thầy cô giáo thừa nhận là quyền tham gia vào việc nhận định và lựa chọn đâu là cái ĐÚNG. 

Học trò bây giờ có nhiều con đường để biết đâu là cái ĐÚNG bằng khả năng tư duy độc lập và tự học hỏi mà không nhất thiết phải thông qua thầy cô. Khả năng ấy giờ đang được hậu thuẫn bởi nhiều nhân tố bên ngoài nhà trường như: website, Google, từ điển bách khoa thư trực tuyến Wikipedia, diễn đàn, mailgroup, ebook, …

Đối với học trò, thầy cô giáo vẫn là đại diện của kiến thức và chân lý, nhưng không phải là đại diện duy nhất. 

Câu nói “không thầy đố mày làm nên” giờ cũng chỉ nên được hiểu một cách tương đối về vai trò của người thầy trong quá trình học tập.

Cái cảnh lớp học mà học trò có máy tính xách tay hoặc thứ gì đó tương tự cho phép truy cập Internet tại chỗ và tra cứu ngay những gì thầy cô nói không phải là một viễn cảnh xa lạ gì, thậm chí đã trở nên quen thuộc ở nhiều nơi rồi. 


Có vẻ như giáo dục Việt Nam, nhất là giáo dục phổ thông, vẫn chưa sẵn sàng để thích ứng với thực tế này. Nhà trường dường như vẫn còn giữ ảo tưởng về quyền phán quyết đúng – sai trước học trò. 

Chúng ta đã quá quen với nhận định ngầm trong đầu rằng sách giáo khoa là đúng, thầy cô nói là đúng. Theo lối nghĩ đó, có thể nhiều thầy cô đã tự cho mình cái quyền không công nhận những gì học trò nói đúng, thậm chí là phủ nhận một cách thô bạo. 

Trong câu chuyện đau lòng mà chúng ta nghe được về cô giáo chửi học trò ngay trên lớp, có nhiều điều còn đáng sợ hơn cả thái độ nóng giận kém sư phạm của cô giáo. Nhiều lập luận mà cô giáo đã dùng để chửi học trò rõ ràng là dựa trên những giả định có sẵn trong đầu cô, mà chắc là không chỉ của một mình cô giáo N: cô giáo không chịu công nhận là học trò đã đúng.

Mọi người đều bình đẳng trước cái ĐÚNG. Và nếu nhà trường muốn giáo dục người học bản lĩnh tìm hiểu và bảo vệ cái ĐÚNG đến cùng thì việc đầu tiên nên làm là các thầy cô phải mạnh dạn công nhận những gì học sinh đúng, cho dù không trúng ý mình. Tránh né công nhận điều đó sẽ kích thích học trò theo đuổi những chuyện tiếp theo mà chúng ta không bao giờ mong đợi: học trò tìm cách có chứng cứ về cái sai của thầy cô rồi tung lên mạng.

Nghe nói sau khi cô giáo bị kỷ luật đình chỉ giảng dạy, nhiều thầy cô khác sợ không muốn nhận dạy lớp của cô vì sợ có chuyện gì sẽ bị học trò tung lên mạng. Điều đó là không đúng rồi! Hãy tin rằng học trò có khả năng biết điều gì là Đúng, tuy có thể họ từng làm việc gì đó sai!

Khi thầy cô có thể chưa đúng

Những chuyện logic thường rất đau lòng: cái này đúng thì cái kia thường là sẽ sai. Vì vậy khi học trò có quyền ĐÚNG thì rất có thể thầy cô sẽ đối mặt với cái KHÔNG ĐÚNG. Quan hệ giữa thầy trò trong trường hợp này thật ra đã trở thành quan hệ giữa con người với chân lý. Thầy cô có thể sai, và phải học cách đối mặt với điều đó để nêu gương cho học trò về thái độ tiếp nhận sự thật.

Thầy cô không còn có thể chọn cách ứng xử kiểu “thầy cô luôn đúng” với học trò nữa. Không ít người nghĩ rằng, thầy cô phải bằng mọi giá khẳng định mình luôn luôn đúng trước học trò để áp đặt niềm tin về uy tín của mình. 

Và nếu có nhận ra mình không đúng, nhiều người vẫn nghĩ nên dùng chiêu thức gì đó để khiến học trò phải nghĩ là thầy cô đúng. Cách ứng xử này e là đã trở nên lỗi thời trong bối cảnh mà học trò có nhiều cơ hội để kiểm chứng thông tin và có nhiều cơ hội để bàn tán sau lưng về sai lầm của thầy cô giáo. Kiểu như là thảo luận trên diễn đàn chẳng hạn.

Nhưng đến lượt học trò cũng phải học những bài học ứng xử mới khi chính mình được xem là “trung tâm” của nhà trường. Sẽ không ai cấm học trò bộc lộ quan điểm và tranh biện để bảo vệ cái ĐÚNG.
 
Cấm sẽ là sai! Thậm chí phải là khuyến khích! Nhưng cái cách mà học trò thực hiện điều đó thì phải cân nhắc đến những quan niệm và tập quán văn hoá truyền thống. 

Và nhà trường cũng nên hướng dẫn điều này một cách bài bản cho học trò. Luôn thưa gửi lễ phép với thầy cô, cẩn trọng trong việc sử dụng các ngôn từ có thể gây hiểu nhầm hoặc làm mất thể diện của thầy cô, không tranh biện kiểu cãi tay đôi với thầy cô, …
 
Đó là những yêu cầu rất cần thiết mà học trò nên lưu ý để không mắc phải những ứng xử sai lầm hay quá đáng với thầy cô. Không có ích lợi là bao nếu bạn bằng mọi giá chứng minh trước nhiều người là thầy cô đã sai, bởi vì cái ĐÚNG thì trước sau gì cũng sẽ đúng thôi, nhưng bạn thì lại mắc sai lầm vì đã làm mất thể diện thầy cô.

Đúng hay Sai là chuyện logic, nhưng cuộc sống không chỉ cần có mỗi chuyện logic. Cuộc sống còn có nhiều điều khác vượt lên trên logic, như tình yêu, sự hy sinh, lòng nhân ái, đức bao dung, đạo nghĩa thầy trò, … 

Có thể những giờ học tiếng Anh đã không thật sự hoàn hảo vì một vài lỗi phát âm của cô giáo, nhưng chẳng lẽ điều đó đủ để học trò bỏ qua toàn bộ những công sức khác của thầy cô? 
Nếu mãi chạy theo những thứ gọi là logic tuyệt đối, rất có thể các bạn học trò trẻ tuổi sẽ làm việc gì đó không khác với sự nhẫn tâm là bao! 

Một chuyện khủng khiếp khó tưởng tượng như chuyện cô giáo chửi học trò đủ đau lòng để cả thầy cô lẫn học trò đều phải xem lại những nguyên tắc ứng xử học đường, trong đó có nguyên tắc ứng xử với cái Đúng và cái Sai.

Hãy tin là tình cảm thầy trò vẫn có thể hoàn toàn tốt đẹp ngay cả khi thầy cô giáo của bạn chưa đúng như bạn mong đợi kia mà! Miễn là bạn biết cư xử đúng cách của học trò.

  • TS. Huỳnh Văn Thông (Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH và NV TP.HCM)- Theo Sức Sống Mới 

Lại phát tán clip cô giáo chửi học sinh?

Lại phát tán clip cô giáo chửi học sinh?
Ngày 3/12, một đoạn video dài 1 phút 23 giây quay cảnh một người nghi là cô giáo trừng mắt mắng chửi học sinh và văng tục được đăng tải lên YouTube gây xôn xao cư dân mạng.
TIN BÀI KHÁC
Trong đoạn video có đoạn ghi cảnh cô giáo vùng vằng, gân cổ lên mắng chửi học sinh với lời lẽ mà một nhà giáo không nên dùng như: "tao vả vỡ mồm mày đấy", xưng hô "mày" - "tao" với học sinh và những lời lẽ thô tục khác.

(Ảnh chụp từ clip)
Đoạn video cũng cho thấy cảnh một nhóm học sinh vây quanh cô giáo này để xin điểm. Điều này có thể dẫn tới sự ức chế của cô giáo và là nguyên nhân chính khiến cô giáo trên văng tục.

Hiện vẫn chưa rõ độ xác thực của đoạn video này thế nào cũng như nhân vật được cho là cô giáo trên là ai, giảng dạy ở trường nào