Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Cô giáo hành hạ dã man trẻ trong thang máy

Lại thêm vụ việc cô giáo mầm non hành hạ học trò một cách khó hiểu xảy ra tại TP.HCM. Dư luận đã bao phen từ “hoảng hồn” đến bức xúc trước cách hành xử khó có thể cảm thông với một số giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học.
Nhốt trẻ vào thang máy, bắt … đi lên đi xuống (?!)
Ngày 22/9, bé Lê Quang Vinh (4 tuổi, trú tại quận Tân Phú, TP.HCM) đã bị cô giáo Trần Thị Xuân Nữ (nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, quận Tân Phú) nhốt vào thang máy vận chuyển thức ăn, đóng cửa và bấm cho thang máy di chuyển liên tục từ tầng 2 xuống đất.
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời mẹ bé Vinh – chị Dư Thị Thanh Thúy – cho biết, thang máy chỉ có cửa ở nơi lấy đồ ra vào, mặt trước của thang giáp với bức tường tô xi măng nhám.
Khi bị nhốt, bé kêu cứu, hai tay bám vào cửa, khi thang đi xuống thì người bé ma sát với vách tường khiến bị chấn thương, máu ướt đẫm từ đầu đến chân. Đầu, mặt và toàn thân bầm dập, sưng húp; mắt trái bị lồi ra. Thang máy vận chuyển bằng dây cáp, khi bé hoảng loạn, quơ tay, quơ chân kêu gào nhưng rất may là bé không bị nghiến đứt tay chân.


Vẫn theo Pháp luật TP.HCM, sau khi đưa bé Vinh đi cấp cứu ở BV Chợ Rẫy, kết quả giám định thương tích của bệnh viện này cho thấy: bé Vinh bị chấn thương đầu: sưng bầm thái dương trái, xuất huyết vùng cổ mặt; bầm tím mặt; hai mắt bị xuất huyết kết mạc, nề mi. Vết thương lóc da thái dương trái 15 cm, lộ sọ. Vết thương vùng chẩm khoảng 5 cm.
Kết quả chụp CT sọ não cho thấy bé bị tụ khí mô mềm. Chấn thương ngực, bụng: Xây xát rộng trước ngực, cổ đến bụng. Sưng vùng vai trái. Vết thương nông ngực trái khoảng 3 cm. CT ngực, bụng thấy tổn thương dạng phế nang thùy dưới hai phổi, theo dõi dập phổi. X-quang phổi thấy gãy 1/3 giữa xương đòn trái. Ngoài ra còn nhiều vết thương ở tay và đùi.
Dẫn lời chị Thúy, mẹ bé Vinh, báo Pháp luật TP.HCM cho biết, hiện bé Vinh đang rất hoảng loạn, không dám tiếp xúc với người ngoài. Gia đình bé vô cùng bức xúc và gửi đơn đến cơ quan chức năng, yêu cầu khởi tố cô giáo Trần Thị Xuân Nữ, yêu cầu cô Nữ phải bồi thường thiệt hại cho cháu suốt đời. Cơ quan chức năng đã dựng lại hiện trường và đang chờ giám định thương tật của bé Vinh.
Hiện phòng giáo dục quận Tân Phú đã đình chỉ dạy đối với cô giáo Nữ và nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, các giáo viên ở đây đều phải đi học bồi dưỡng nghiệp vụ để chờ cấp phép trở lại. Trưởng nhóm trẻ Hoa Lan cũng đã đóng tiền viện phí (10 triệu đồng) và đưa cho gia đình bé 40 triệu đồng để chữa trị.
Sởn da gà chứng kiến cô bạo hành trò
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện việc cô giáo hành hạ học trò, đặc biệt ở lứa tuổi mầm non, tiểu học.
Tháng 5/2007, “cô giáo” Đỗ Thị Liên, 27 tuổi, trú tại tổ 11 phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, “giáo viên” trường mầm non bán công Lĩnh Nam vì mâu thuẫn riêng với cô hiệu trưởng (hiệu trưởng chuyển cô Liên từ vị trí kế toán lên làm… giáo viên”) mà cô Liên đã cho thuốc diệt kiến vào nồi canh rau của các cháu bé trong trường. Rất may là không cháu nào bị làm sao.
Tháng 12/2007, trường mầm non Nam Thành (phường Nam Thành, TP Ninh Bình) đình chỉ cô giáo Lưu Thị Tuyết vì đã đe dọa và làm xước mặt học sinh.

Cô đánh cô, cô bạo hành trò, trò bạo hành trò, rồi trò lại bạo hành cả cô lẫn thầy. Có chuyện gì đang xảy ra trong các nhà trường học?


Không “hành hạ” theo cách bình thường, tháng 4/2010, cô giáo dạy bé Lương Minh Hoàng (2 tuổi) tại trường mầm non Hoa Hồng, phường Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn đã hành bé bằng cách “vặt” chỗ kín của bé, khiến bộ phận sinh dục của bé bị sưng tấy, phải nhập viện điều trị. Bản thân cô giáo này “khó lý giải được hành vi của mình” (!?)
Chưa hết, cũng vào khoảng đầu năm 2010, một cô giáo tại trường THPT Marie Curie (Q3, TP.HCM) còn công khai bóp vào chỗ kín của một nam sinh khi cậu này nghịch ngợm, phạm lỗi trong giờ thể dục. Giải thích cho hành động của mình, cô giáo này bình thản cho biết: “Hình thức xử phạt nhằm cảnh cáo với bạn bè trong lớp” (?!)
Gần đây nhất, tháng 8/2010, cô giáo trường mẫu giáo Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tát vào mặt bé 3 tuổi, khiến trên mặt bé còn hằn rõ những vết ngón tay. Lý do của hành động này là “lớp đông quá, cháu nào cũng khóc, khiến cô mất bình tĩnh”.
Khó có thể kể hết trên mặt báo những câu chuyện cô bạo hành trò. Thống kê năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy: Trong một thời gian ngắn đã có khoảng gần 20 vụ bạo hành học sinh đã xảy ra liên tiếp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.10 địa phương xảy ra các vụ điển hình là Hà Nội có 5 vụ, TPHCM 3 vụ, Đồng Tháp 2 vụ, Thanh Hoá 2 vụ, Hải Phòng, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Trà Vinh, Kon Tum, Đắc Lắc mỗi nơi có 1 vụ.
Cô giáo bạo hành học trò ngày càng dã man về mức độ và ngày càng nở rộ về số lượng. Có chuyện gì đang xảy ra trong các nhà trường của chúng ta?
  • Ngọc Anh (Tổng hợp)
  • Theo http://vietnamnet.vn

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Phổ cập trung học cơ sở: nhiều bất ổn



TT - Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, đến hết tháng 6-2010 tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước đều đạt chuẩn giáo dục THCS. Đây là một tin vui nhưng chúng ta cũng phải xem lại thành tích đó đã thực chất và đã đạt mục tiêu của cấp THCS chưa?
Theo tin và bài từ http://tuoitre.com.vn


Năm năm qua, bậc THCS giảm khoảng 1,5 triệu học sinh - Ảnh: NHƯ HÙNG - Đồ họa: NGỌC THÀNH



Nếu vì chạy theo thành tích, tô hồng kết quả mà không nhìn thấy những lỗ hổng, những góc khuất để kịp thời bổ sung sửa chữa ngay, tai hại sẽ lớn hơn.
Học sinh liên tục giảm
Mấy năm nay, Bộ GD-ĐT thường công bố tỉ lệ học sinh bỏ học giảm thông qua việc lấy số liệu của học kỳ I là không phản ánh đúng thực trạng. Thực tế, số học sinh bỏ học trong học kỳ I hằng năm rất nhỏ. Thậm chí nhiều cơ sở giáo dục tỉ lệ này là 0%. Tuy nhiên, số học sinh bỏ học sau Tết Nguyên đán và sau kỳ nghỉ hè mới thật sự đáng kể. Đó mới là tỉ lệ học sinh bỏ học trong một năm học. Việc đưa ra số liệu tỉ lệ học sinh bỏ học trong học kỳ I khoảng 0,5% mà bộ công bố có thể do chạy theo thành tích, cố tình bỏ qua tỉ lệ học sinh bỏ học cả năm.
Thế nhưng, thống kê chính thức của bộ đã làm “hở đuôi” tỉ lệ công bố không đúng này. Theo thống kê này, từ năm học 2004-2005 đến năm học 2009-2010, học sinh bậc THCS giảm liên tục. Chính xác là giảm khoảng 1,5 triệu học sinh trong khi dân số nước ta những năm qua tăng 1 triệu người/năm.
Thành tích ảo
Chất lượng của cấp THCS hiện nay chưa củng cố và phát triển được kết quả của giáo dục tiểu học, đồng thời chưa bảo đảm được chất lượng học lên THPT. Tình trạng sáng học lớp 6 chiều học lớp 1, lớp 2 còn ở không ít trường. Ông Nguyễn Hùng Việt, hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, nhận định: “Ở cấp THCS thầy cô thường có xu hướng cố gắng dìu học sinh thi đậu vào lớp 10. Nhưng thực tế sau đó đã không đủ sức theo chương trình THPT”.
Bên cạnh đó, việc xét tuyển vào lớp 10 và thi tuyển có hai môn văn, toán đã dẫn đến tình trạng học lệch ở THCS. Nhiều giáo viên THPT cho rằng do xét tuyển và có nhiều nơi không thi vào lớp 10 nên khi học THPT kiến thức của học sinh bị hổng, rất khó dạy. Nhiều học sinh THCS đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và có cả học sinh giỏi nhưng khi lên lớp 10 THPT học lực bị đuối rơi xuống hạng trung bình hoặc loại yếu.
Tại hội nghị sơ kết học kỳ I năm 2009-2010, ông Bùi Hùng Chiến - hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM - đã nhận định thành tích học tập ở THCS của nhiều học sinh “không khéo là ảo”. Hiệu trưởng nhiều trường THPT đều khẳng định phải xem xét lại cách đánh giá học lực của học sinh THCS.
Bất cập phân luồng
Lỗ hổng thứ ba của phổ cập THCS là việc hướng nghiệp phân luồng học sinh sau THCS chưa đạt yêu cầu. Hầu hết các trường THCS chỉ dạy chữ, chủ yếu là các môn thi vào THPT, còn bỏ ngỏ việc hướng nghiệp cho học sinh học nghề và chuẩn bị cho học sinh đi vào cuộc sống.
Bộ GD-ĐT đánh giá hằng năm chỉ có 20.000-25.000 học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp chuyên nghiệp, chiếm 10% quy mô đào tạo trung cấp. Đó là phần lớn học sinh có học lực kém, khó khăn về kinh tế, đi học nghề, trung cấp chuyên nghiệp là bất đắc dĩ. Theo số liệu điều tra dân số vừa qua, số người 15 tuổi chưa được đào tạo nghề là 86,7%. Ngành GD-ĐT đặt mục tiêu từ năm 2010-2020 phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề và trung cấp chuyên nghiệp.
Phổ cập THCS là phổ cập một chất lượng nhất định theo mục tiêu đào tạo của Luật giáo dục mới có tác dụng đích thực nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực. Nếu chỉ đạt về tỉ lệ bằng cách “hợp lý hóa” báo cáo để kiểm tra công nhận đạt thành tích phổ cập như báo cáo của Vinashin vừa qua lỗ thành lãi thì cần phải chấn chỉnh ngay.
 TRẦN HỮU TRÙ
(nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT)
Hậu quả “dây chuyền”
Chất lượng tuyển sinh vào ĐH, CĐ đang được đánh giá là thấp. Nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân chính là do chất lượng đầu vào bậc THPT đã thấp, thậm chí ở nhiều địa phương rất thấp. Điển hình như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyển sinh lớp 10 năm học 2009-2010 với 14.000 thí sinh thì có đến 2.000 điểm 0 môn toán, 5.000 thí sinh có điểm từ 0,25-2 điểm.
email
email
     
top
(5)
Bệnh kinh niên khó chữa?
Tôi đọc bài báo này mà lòng thấy băn khoăn. Bản thân tôi là một giáo viên trung học cơ sở đã và đang tham gia công tác PHỔ CẬP, thực tế tôi thấy ở đơn vị tôi đi điều tra học sinh, vận động đi học bổ túc thì nhiều nhưng có mấy em đi học đâu, hồ sơ học bạ gần như "làm ma" hết chủ yếu để báo cáo cấp trên thôi.... Đây là căn bệnh. Ở chỗ tôi học sinh bỏ học không phải gia điình không có điều kiện mà theo như học sinh nói trong lúc chúng tôi đi vận động là" HỌC LÀM GÌ CHO MỆT, HỌC HẾT CẤP 2, 3 RỒI CŨNG VỀ NHÀ LÀM RẪY THÔI" . Theo tôi công tác phổ cập chỉ nên đưa những em gia đình không có điều kiện cho các em đi học thôi, còn những em bỏ học vì không thích thì thôi.Bộ phải cải tiến lại nọi dung SGK làm sao gọn nhẹ, nội dung dễ hiểu học sinh thích học.....
NGUYỄN VĂN VINH
Hậu quả mang tính cố hữu và di truyền
Từ lâu bệnh thành tích nói chung đã ăn sâu vào ít nhất là hai thế hệ, trong đó có cả thế hệ đã và đang làm công tác quản lý giáo dục, thế hệ được hưởng thành quả giáo dục (những người đang công tác kể cả những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan quản lý có liên quan trong hệ thống chính trị). Đặc biệt là ở cấp địa phương, căn bệnh này nó trở thành hiện tượng tương tương như một qui luật của xã hội, vì thế theo quan điểm của tôi, bệnh thành tích nói chung, trong giáo dục noid riêng (ở tất cả các bậc học) trở thành cố hữu mang tính di truyền, nó có tính liên quan đến chiều sâu và cả chiều rộng trong xã hội, chúng ta chưa có hoặc chưa dám xây dựng hệ thống kiểm định (sát hạch) chất lượng thật của những người có bằng cấp mà họ đang sở hữu một cách thường xuyên và định kỳ.
ĐỖ HUỲNH NHƯ
Phản đối vấn đề chạy theo thành tích
Như nhiều vấn đề bất cập xảy ra trong giáo dục, thật ra ai là người chịu trách nhiệm cho những sai sót ấy. Khi đề cập đến thành tích hoặc sự tiến bộ, chúng ta luôn luôn thấy hết noi gương người này rồi đến người khác. Nhưng khi có sự cố xảy ra, chúng ta không hề có người đứng ra chịu trách nhiệm cho những chính sách mình đã đặt ra. Và nguyên nhân chính cho những vấn đề là ở đâu. Theo tôi bệnh thành tích đã ăn sâu vào tâm trí các cấp lãnh đạo chúng ta quá lâu và quá nặng. Bên trên thì đòi chỉ tiêu phổ cập, bên dưới lo "tính mưu" để làm sao hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Chúng ta cũng giống như một cỗ máy vậy cứ chạy và sau đó hậu quả để lại mọi người vờ như không biết, không ai có lỗi cả. Thật ra chúng ta phải đối diện với sự thật để giải quyết vấn đề chứ không nên ảo mộng những thành tích không có ý nghĩa gì kia.
Kể cả vấn đề học tiếng Anh của chúng ta nữa, tôi cảm thấy bức xúc vô cùng. Các thầy cô giáo tiểu học phải chạy đua để kiếm ra cái bằng tiếng anh về cho trường. Một người chưa từng học tiếng anh bao giờ bây giờ lại bắt học để có cái bằng như người ta. Tôi tự hỏi học vậy để làm gì, nói tiếng anh với ai trong môi trường đấy. Và quan trọng việc dạy và học tiếng anh của chúng ta quá bất cập. Người dạy nói không đúng người học học không thông. Tôi thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta phải làm cuộc cách mạng dạy và học tiếng anh đúng phương pháp có hiệu quả chứ không phải học như kiểu chạy theo "để hội nhập" như bây giờ.

NGUYEN THI NGOC MAI
Việc học tập để có cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính bản thân họ
Bây giờ, mọi áp lực về huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, chất lượng học tập, duy trì sỉ số của học sinh đều đổ lên vai của người giáo viên và nhà trường. Trong lúc đó, một số phụ huynh xem nhẹ việc học, học cũng chẳng để làm gì, học sinh có em không muốn học, có em quan niệm học vì cha, mẹ bắt ép, học để mẹ vui lòng. Quan niệm như thế thì làm sao học tốt được, dẫn đến học yếu-kém rồi chán nản và bỏ học.
Từ những vấn đề trên, tôi nghỉ rằng muốn làm tốt điều này: Địa phương phải có những cơ sở sản xuất chỉ ưu tiên tuyển những người lao động có tay nghề vào làm việc, mà muốn có tay nghề cao thì phải có trình độ học vấn nhất định; Làm sao cho dân ý thức được chỉ có việc học mới có cuộc sống hạnh phúc và lúc đó việc học là trở thành nhu cầu không thể thiếu của họ. Lúc đó việc huy động trẻ ra lớp, duy trì sỉ số và chất lượng học tập chắc chắn sẽ nâng lên đáng kể. Về phía Ngành Giaó dục, các trường chỉ tập trung dạy học cho tốt, đánh giá khách quan, chính xác; các cấp học không chạy theo chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào mà phải tuyển những học sinh đủ trình độ để tiếp tục theo học.

PHẠM QUANG THẠNH
Quýt làm cam chịu
Đầu tiên là các trường THPT phải tiếp nhận một số lượng học sinh từ THCS mà trình độ thậm chí thua tiểu học. Với chất lượng đầu vào như vậy cùng áp lực "chỉ tiêu" tiếp theo các trường trung cấp, cao đẳng và đại học phải tiếp nhận một số lượng sinh viên với chất lượng hỡi ơi. Theo nhận định của cá nhân tôi bệnh thành tích trong giáo dục đây đó hiện nay gây hậu quả còn nặng nề gấp không biết bao nhiêu lần so với VINASHIN. Đối với VINASHIN chúng ta chỉ mất tài sản còn đối với giáo dục chúng ta mất con người. Mà mất con người thì là mất hết tất cả.
NGUYỄN TIẾN DŨNG

VINASHIN của giáo dục:
Thật sự là những nhà giáo, chúng tôi cũng bức xúc...nhưng biết làm sao? Nếu không Phổ cập được thì người đau khổ nhất chính là Hiệu trưởng, người mệt nhọc nhất chính là giáo viên...Còn ban chỉ đạo cấp xy đã bán cái hẳn cho các trường rồi.
(Lời ban BT blog)




















Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Sách giáo khoa - một thực thể với nhiều hình thái tồn tại

Dựa trên lý thuyết hoạt động, nhóm Cánh Buồm quan niệm rằng sách giáo khoa là một thực thể với nhiều hình thái tồn tại, thay vì quan niệm cho rằng sách giáo khoa là nơi cất giữ kiến thức.

Ngày 27/9 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra một sự kiện quan trọng liên quan đến giáo dục. Hội thảo “Chào Lớp Một!” đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền. Đây là buổi ra mắt chính thức bộ sách giáo khoa lớp Một của một nhóm nghiên cứu giáo dục độc lập mang tên Cánh Buồm do nhà nghiên cứu sư phạm Phạm Toàn khởi xướng.

Ngài Giám đốc của L’Espace – công dân của đất nước sản sinh ra nhà giáo dục lỗi lạc Jean-Jacques Rousseau – quả là có con mắt tinh đời. Theo chỗ tôi biết, đây là lần thứ hai trung tâm L’Espace tổ chức hội thảo về chủ đề giáo dục (tháng 11-2009 hội thảo Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em). Mới thấy đôi khi người ngoài lại tỉnh táo hơn người nhà!

Vậy, công việc của Nhóm Cánh Buồm có gì mới? Hay nói chính xác hơn, bộ sách lớp Một của Nhóm Cánh Buồm có những điểm gì khác so với bộ sách giáo khoa lớp Một hiện đang được sử dụng trong nhà trường phổ thông?

Cái mới và điểm khác biệt căn bản của Nhóm Cánh Buồm chính là nằm ở bộ sách giáo khoa. Nói đi nói lại, nói xa nói gần thì mọi cải cách rút cục đều phải đưa ra một chương trình học được cụ thể hóa bằng một bộ sách giáo khoa nào đó. Nhà trường của nước Mỹ không có khái niệm “sách giáo khoa chính thức” không có nghĩa là họ không cần có sách giáo khoa. Điểm khác biệt chỉ nằm ở chỗ họ thay đổi quan niệm về thế nào là “sách giáo khoa” mà thôi.

Về căn bản, giáo dục bao gồm ba chủ thể: học sinh – thầy giáo – vật liệu học (trong đó sách giáo khoa là cái cốt lõi). Không thể cải cách học sinh, điều này là đương nhiên. Chỉ có thể cải cách những quan niệm giáo dục của ông thầy và cải cách quan niệm về sách giáo khoa. Nếu không, mọi cải cách giáo dục thực chất chỉ là những lần thay sách giáo khoa, những lần tái bản có sửa đổi cuốn sách giáo khoa!

Quan niệm về sách giáo khoa theo Nhóm Cánh Buồm đã thay thế tư duy kinh nghiệm, giáo điều coi sách giáo khoa là nơi cất giữ kiến thức.

Dựa trên lý thuyết hoạt động, Nhóm Cánh Buồm đã quan niệm rằng sách giáo khoa là một thực thể với nhiều hình thái tồn tại, trong đó ba hình thái tồn tại chính là:

Hình thái tồn tại thứ nhất và hình thái cơ bản của sách giáo khoa là những việc làm của học sinh do giáo viên tổ chức trong từng tiết học. Ở môn Tiếng Việt lớp Một, chẳng hạn, thì những việc làm đó bao gồm thao tác phát âm, thao tác phân tích âm, thao tác ghi lại và đem dùng. Học sinh phải tự làm lấy những việc này, không ai làm hộ, giống như trước tuổi đến trường thì các em phải tự lẫy, tự bò, tự trườn, tự đi v.v. không ai làm hộ được. Và sách giáo khoa là những gì mà học sinh “tìm ra” trong quá trình tự làm nói trên.

Ở sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một đang được dùng trong nhà trường hiện nay thì ngay từ tiết thứ nhất học sinh được dạy chữ “e” bằng cách thầy giáo đọc “chữ e”rồi cả lớp đọc theo, sau đó các em được yêu cầu tập viết chữ “e”. Cái tính chất “áp đặt” của cuốn sách giáo khoa kiểu này chính là nằm ở chỗ đó.

Hình thái tồn tại thứ hai của sách giáo khoa là những gì đọng lại trong đầu của học sinh sau mỗi tiết học. Trước khi kết thúc mỗi tiết học giáo viên dành một chút thời gian để yêu cầu học sinh nói lại xem các em đã làm những việc gì trong tiết vừa rồi. Thậm chí các em có quyền ghi theo cách riêng của mình những điều mới học! Ở lớp học thầy giảng giải – trò ghi nhớ, học sinh hầu như không thể kể lại nổi các em đã làm những gì! Nghiên cứu cho thấy chỉ có 30% học sinh ghi nhớ được 70% những gì chúng nghe bằng tai trong một tiết học bình thường.

Hình thái tồn tại thứ ba của sách giáo khoa là những gì giáo viên dự kiến sẽ dạy cho học sinh. Đây chính là lúc đòi hỏi nghiệp vụ sư phạm của giáo viên hoặc nói đúng hơn đây chính là lúc đòi hỏi nghiệp vụ biên soạn sách giáo khoa. Tức là, (1) sách giáo khoa phải cung cấp các việc làm để học sinh thực hiện và qua đó chiếm lĩnh kiến thức. Nhà sư phạm sẽ quyết định kiến thức nào học sinh sẽ học, và; (2) các việc làm của học sinh phải diễn ra theo “chuỗi” lô-gich tuần tự. Chẳng hạn, sách dạy Tiếng Anh lớp Một của Nhóm Cánh Buồm bắt đầu dạy các “âm” rồi sau đó mới dạy “danh từ” v.v. Sách dạy tiếng Anh lớp Một hiện đang được dùng trong nhà trường thì bắt đầu dạy ngay vào câu để đạt mục tiêu “giao tiếp”. Học sinh thực chất phải ghi nhớ thụ động các câu dùng vào “giao tiếp” đó.

Ngoài những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ sư phạm, sự kiện ra đời bộ sách giáo khoa của Nhóm Cánh Buồm có thể còn cung cấp những gợi ý khác liên quan đến những vấn đề vĩ mô chẳng hạn như chương trình học thống nhất toàn quốc, rồi hệ thống tổ chức nhà trường v.v.

Giải quyết thấu đáo những vấn đề trên tức là có thể giải tỏa nỗi nghi ngại có thể nảy sinh ở các bậc phụ huynh khi họ được giới thiệu những bộ sách “thực nghiệm”, bởi cái chữ này thường được liên hệ với cái gì không chính thống, chính thức. Khác hẳn với việc lựa chọn sữa bột để nuôi con trưởng thành về mặt cơ thể, các bậc phụ huynh lại không có sự lựa chọn nào khác khi giao phó việc học tập của con cái mình cho nhà trường. Độc quyền sách giáo khoa là con dao hai lưỡi. Nếu sách giáo khoa độc quyền là đúng thì đó quả là điều may mắn lớn cho trẻ em. Nhưng nếu sách giáo khoa đó sai thì thảm họa thật khủng khiếp.

Riêng việc hiện nay mỗi năm hơn nửa triệu học sinh có tương lai cuộc đời bị chặn đứng trước cánh cửa trường đại học đã là một sự thất bại hiển nhiên của sách giáo khoa đang sử dụng. Sự áp đặt trong giáo dục là nguyên nhân số một của chán học, của không thể học được (vì nghe giảng giải mà không hiểu), của bỏ học, của nạn học thêm, chạy điểm v.v. Chỉ riêng trong vấn đề này cách làm của Nhóm Cánh Buồm đã khác hẳn. Nhóm kiến nghị trong đề án cải cách giáo dục của họ về một bậc Phổ thông Cơ sở (cách họ gọi bậc Tiểu học) kéo dài trong 8 năm. Không có thi đầu ra, đầu vào. Sau khi kết thúc bậc Phổ thông Cơ sở, học sinh sẽ chọn (kết hợp với được phỏng vấn để xác định thiên hướng) hoặc trường Phổ thông Hướng nghiệp (để vào trường dạy nghề) hoặc trường Phổ thông Chuyên khoa cơ bản (để tập nghiên cứu, chuẩn bị cho bậc đại học). Sách giáo khoa đúng cộng với cách tổ chức đúng (với nhiều luồng) sẽ tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em. Chí ít điều đó cũng loại bỏ được hiện tượng mỗi năm hàng trăm nghìn người trẻ tuổi trượt đại học tủi thân ngồi nhà ao ước số phận may mắn của nhân tài đất nước thành danh ở nước ngoài!

Mặt khác, làm rõ những vấn đề nói trên cũng giải tỏa tâm lý lúng túng rất dễ xảy ra ở những người làm luật. Họ sẽ bình tĩnh hơn và công bằng hơn trước sự xuất hiện những bộ sách giáo khoa thi đua nhau, tại vì ngay sau khi bộ sách lớp Một của Nhóm Cánh Buồm ra mắt thì lập tức đã có tiếng nói cầm đèn chạy trước… luật, rằng sách giáo khoa của các nhóm nghiên cứu chỉ có giá trị ở khía cạnh nghiên cứu, không được phép đưa vào chương trình chính khóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và rằng nếu muốn áp dụng thì phải sửa luật!

Thử hỏi trên đời này có luật nào cao hơn luật đi từ những đòi hỏi không thể cưỡng nổi của cuộc sống hiện đại ngày hôm nay, tức là kỳ cùng đó là những đòi hỏi của trẻ em của ngay ngày hôm nay – trẻ em là những thực thể còn nguyên vẹn, còn mang trong mình những tiềm năng ẩn số, chúng là những gì Tự nhiên nhất. Và Ăng-ghen từng nói rằng kẻ nào dám chống lại Tự nhiên, kẻ đó nhất định sẽ bị trừng phạt!
Tác giả: Phạm Anh Tuấn
Theo http://tiasang.com.vn (Bộ KH-CN) 

Sự kiện Ngô Bảo Châu và nỗi lo về thực trạng giáo dục nước nhà

Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó Chủ tịch nước.

Sự kiện Ngô Bảo Châu được nhận giải Fields đã làm nức lòng đồng bào cả nước. Mọi người Việt Nam đều cảm thấy tự hào và thêm tin tưởng vào khả năng của thế hệ trẻ. Riêng đối với những người làm công tác khoa học và giáo dục thì vừa mừng, vì qua sự kiện đặc biệt này, một lần nữa chúng ta lại củng cố niềm tin, người Việt mình có tố chất trí tuệ để vươn tới tầm cao về khoa học và công nghệ, lại vừa lo nhưng phần lo lắng có lẽ nhiều hơn, vì bên cạnh niềm vui do Châu mang lại chúng ta càng thấy canh cánh nỗi bất an trước thực trạng yếu kém, lạc hậu không chỉ của đại học Việt Nam mà của cả một nền giáo dục quốc dân, và rộng hơn nữa là sự bất cập về dân trí, nhân lực, nhân tài trước yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình cạnh tranh gay gắt về nhiều mặt ở khu vực và quốc tế.

 Từ ngày đổi mới, giáo dục nước ta không ngừng tăng lên về số lượng, đến năm học vừa qua đã có tới 23 triệu học sinh, sinh viên - nghĩa là hơn một phần tư dân số, nhưng về chất lượng, thì ngày càng bộc lộ sự yếu kém, yếu kém về nhiều mặt. Báo chí đã không ít lần cảnh báo về tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng và xu thế gia tăng tội phạm ở trẻ vị thành niên, về chiều hướng lan rộng những hành vi bạo lực trong và ngoài học đường, về sự lạc hậu của nội dung và phương pháp giáo dục cũng như những lỗ hổng trong kiến thức và kỹ năng của học trò, thậm chí đôi khi của cả thầy cô giáo, rồi lại rộ lên về sự gian dối quá ư phổ biến trong thi cử và mua bán văn bằng... Rõ ràng là nhà trường của chúng ta, ở tất cả các cấp, chưa thành công trong việc giúp cho thế hệ trẻ có được những giá trị nhân bản, chưa rèn rũa cho học sinh/ sinh viên những kỹ năng thực hành, kể cả cách ứng xử cho ra những con người có giáo dục, và xã hội càng hẫng hụt khi trông đợi nhà trường đào tạo ra những thanh niên có tư duy độc lập và sáng tạo.
rước tình hình đó, đã có nhiều nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội chỉ ra những khuyết tật mang tính hệ thống của nền giáo dục và kiến nghị cần tiến hành một cuộc cải cách giáo dục. Tôi tin rằng, nếu Đảng và Nhà nước có chủ trương thì các nhà giáo, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội có uy tín và tâm huyết có thể cùng nhau vạch ra một hệ thống giải pháp hữu hiệu, đồng bộ và khả thi để chỉnh sửa một cách căn bản nền giáo dục quốc dân. Ở đây, nhân dịp Ngô Bảo Châu được nhận giải Fields, trong bài viết ngắn gọn này, với mong muốn đất nước và dân tộc ta có thêm nhiều những tài năng trên một nền tảng dân trí cao và một nguồn nhân lực dồi dào và thuần thục, tôi xin phác họa một số vấn đề mà tôi cho là cần đặc biệt quan tâm.

Cần thấy đúng vị trí của giáo dục trong chiến lược phát triển đất nước.

Bước vào thế kỷ 21, nhân loại đang đối diện với một thách thức là dân số ngày càng tăng và tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Để phát triển, chỉ có thể trông đợi vào con người và việc xây dựng nền kinh tế tri thức là giải pháp căn bản mà các nước đang hướng tới. Vì thế, tất cả các quốc gia, dẫn đầu là các nước công nghiệp phát triển, đều không ngừng tiến hành các cuộc cải cách giáo dục để từ đó làm giàu nguồn vốn con người mà chủ yếu là tăng lên gấp bội tiềm năng tri thức và tư duy sáng tạo trên nền tảng nhân cách lương thiện của mọi công dân. Đối với nước ta, từ lâu Đảng và Nhà nước đã xác định, giáo dục - đào tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục - đào tạo là đầu tư phát triển. Về quan điểm, không thể có gì đúng đắn hơn thế. Tiếc thay, chúng ta chưa thực sự làm được điều đó. Trên thực tế, các địa phương đều quá chăm chú vào những dự án mở sân gold, xây trung tâm thương mại, phát triển nhà hàng, khách sạn mà quên đi việc dành đất xây cất trường lớp. Hằng năm, chúng ta đã chi hàng trăm/ nghìn tỷ đồng để tổ chức các lễ hội, để làm mới các công trình chưa thật cấp thiết trong khi trẻ em còn chưa đủ chỗ học. Các tỉnh đều thiết tha xin mở trường đại học nhưng thực chất cũng chỉ là chạy đua về bề nổi, rất ít nếu không muốn nói là chưa có đại học địa phương nào được đầu tư để đủ điều kiện về giảng viên và cơ sở vật chất cho xứng tầm một trường đại học. Rõ ràng, để khắc phục những yếu kém về giáo dục thì trước hết, những quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước phải được thể hiện trên thực tế, nghĩa là phát triển giáo dục phải trở thành mối quan tâm hàng đầu và thường trực của tất cả các cấp lãnh đạo.

Chương trình giáo dục phải tập trung vào việc dạy và học làm người, dạy và học cách nghĩ, dạy và học cách học.

Trong điều kiện xã hội chuyển mạnh sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ xã hội truyền thống và khép kín sang xã hội chịu tác động của xu thế hiện đại và hội nhập, đã và đang có những biến động về thang giá trị và định hướng giá trị với những biểu hiện cả tiêu cực và tích cực trong đời sống xã hội, cũng như trong hoạt động giáo dục. Điều đáng quan tâm/ lo ngại là, lòng nhân ái, tính trung thực, niềm tin vào lẽ phải đang là những giá trị bị xuống hạng trong nhân cách ở một bộ phận đáng kể không chỉ riêng lớp trẻ. Đành rằng, xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người là nhiệm vụ của mọi gia đình và toàn xã hội, nhưng nhà trường phải đóng vai trò tiên phong và nền tảng. Vì vậy, dạy làm người theo những giá trị nhân bản của dân tộc và nhân loại là mục tiêu số một, là sứ mạng không thể thoái thác của giáo dục. Mong rằng điều này không chỉ cần được các nhà hoạch định chương trình giáo dục lưu tâm mà còn cần được mỗi nhà trường và từng nhà giáo quán triệt trong hoạt động giáo dục hằng ngày của mình.

Về phương pháp giáo dục, phải thay thế cách dạy nhồi nhét, học như vẹt bằng những phương pháp gợi mở hấp dẫn, kích thích học sinh ham muốn khám phá, luyện tập cho các em biết cách tư duy, phát triển năng lực tự học để học suốt đời. Bên cạnh việc học trên lớp, nhà trường cần có những hoạt động khác giúp học sinh có nhiều thời gian luyện tập thể dục thể thao, làm quen với các loại hình nghệ thuật, gần gũi với thiên nhiên... Hoạt động tập thể, sinh hoạt Đoàn/ Đội phải là cơ hội để học sinh/ sinh viên thực hành dân chủ, thể hiện tư cách công dân trung thực và lương thiện. Tiêu chí quan trọng mà ngành giáo dục cần cố đạt được là nhà trường phải trở thành nơi hấp dẫn đối với tuổi trẻ, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, để mỗi giờ học là một cơ hội giúp trẻ khám phá ra những điều mới lạ. Đồng thời, cũng phải nói thêm, để trẻ em nên người, không thể xem nhẹ vai trò giáo dục của gia đình, của xã hội. Gia đình hạnh phúc, xã hội yên bình và mối quan hệ gắn bó, thống nhất về mục tiêu giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội là điều kiện cực kỳ quan trọng đối với giáo dục.

Phải có chính sách đúng trong việc đào tạo, tuyển dụng và đãi ngộ đối với nhà giáo.

Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo không chỉ là giúp cho học trò có được kiến thức và kỹ năng mà quan trọng nhất là giáo dục để học trò nên người. Phẩm chất đạo đức và trình độ học vấn của cô giáo, thầy giáo là nhân tố quyết định sự thành công của giáo dục nhà trường. Vấn đề cần tập trung giải quyết hiện nay là phải khắc phục những hạn chế, bất cập ở tất cả các khâu/ các mặt trong việc xây dựng đội ngũ nhà giáo: từ đào tạo, tuyển dụng cho đến quản lý, đãi ngộ. Về đào tạo, cần cải cách/ đổi mới các trường sư phạm nhất là về nội dung và phương pháp trong đó cần đặc biệt coi trọng việc bồi dưỡng phẩm chất và nghiệp vụ sư phạm cho giáo sinh. Về đãi ngộ, cần phải khẳng định chế độ tiền lương hiện nay chẳng những không tạo được động lực đối với giáo viên mà còn không bảo đảm để giáo viên thực hiện được nhiệm vụ người thầy. Mức lương thấp đã buộc các nhà giáo phải dạy thêm và nẩy sinh không ít những hiện tượng tiêu cực/ tham nhũng. Đã đến lúc không thể tiếp tục duy trì tình trạng thầy dạy thêm để thu tiền, trò đóng tiền để được học thêm bởi vì kiểu hành xử “tiền trao cháo múc” như thế đang hủy hoại tính chân chính của cả một nền giáo dục. Muốn khắc phục tận gốc, không có cách nào khác là cải cách chế độ tiền lương đối với giáo viên. Thực hiện trả lương xứng đáng cho giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên thể hiện được năng lực và giữ gìn được phẩm giá đồng thời cải cách hệ thống các trường sư phạm, đổi mới tuyển dụng đi đôi với sàng lọc, là những giải pháp căn bản để xây dựng đội ngũ nhà giáo và chỉ trên cơ sở đó mới có thể nâng cao vị thế của nhà giáo trong xã hội và bảo đảm sự nghiệp giáo dục phát triển nhanh và bền vững.

Phải chấn chỉnh, kiện toàn các cơ quan quản lý và điều hành giáo dục.

Giáo dục là một ngành lớn, có tính tổng hợp, tác động mạnh mẽ và sâu sắc về nhiều mặt kinh tế-chính trị-xã hội, đòi hỏi cơ quan quản lý và các cán bộ quản lý phải có có tầm bao quát: chẳng những phải có năng lực quản lý về nghiệp vụ chuyên ngành là khoa học giáo dục mà còn phải có năng lực quản lý xã hội, quản lý hành chính, quản lý các nguồn đầu tư trong đó có tài chính, đất đai... Ngành giáo dục đã đúng khi xác định đổi mới quản lý là khâu đột phá. Tuy nhiên, trước những vấn đề gai góc đang đặt ra đối với sự nghiệp giáo dục, công chúng đang mong muốn cơ quan và cán bộ quản lý giáo dục thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, tính mô phạm, chuyên nghiệp và minh bạch. Hiện nay, rất cần phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của mỗi ngành, mỗi cấp ở trung ương và địa phương trong lĩnh vực giáo dục; cần tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch với sự giám sát chặt chẽ và thực sự có hiệu lực của cộng đồng/ xã hội. Hơn bao giờ hết, cần phải có một hệ thống giải pháp khoa học, căn bản, đồng bộ để khắc phục những yếu kém, lạc hậu trong lĩnh vực giáo dục thay vì những chủ trương đổi mới từng mảng riêng rẽ như vừa qua. Để làm được điều đó, các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục phải thực sự coi trọng việc tổ chức nghiên cứu khoa học giáo dục và các khoa học liên quan đến hoạt động giáo dục.

Qua sự kiện Ngô Bảo Châu, chúng ta càng mong mỏi đất nước sẽ có nhiều nhân tài trong nhiều lĩnh vực bởi chúng ta tin rằng nhân tài tạo ra sức bật cho sự phát triển của đất nước. Nhưng rồi chúng ta cũng thấy, nhân tài muốn phát huy được năng lực, tạo ra được sức bật cho cả một lĩnh vực thì cần có một tập thể các nhà chuyên môn, một không gian thuận lợi cho hoạt động tư duy và sáng tạo, và Nhà nước phải có chính sách đúng đắn với trí thức và đãi ngộ đặc biệt đối với nhân tài. Mặt khác, nhân tài chỉ xuất hiện nhiều lên trên nền tảng dân trí cao và nhân lực được đào tạo trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tóm lại, để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhất thiết phải có một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại, một nền giáo dục đủ sức tạo ra chất lượng và hiệu quả cao trong hoạt động đào tạo con người - chủ thể của sự nghiệp phát triển đồng thời là nguồn lực không bao giờ cạn kiệt cho sự nghiệp phát triển. Hiện nay Đảng đang tiến hành đại hội ở các đảng bộ, chuẩn bị để đầu năm 2011 tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11. Nhân dân đang hướng về Đảng, mong muốn bằng những lựa chọn và quyết định đúng đắn, Đại hội Đảng sẽ mở ra một giai đoạn mới trên lộ trình phát triển của đất nước. Và trong việc xác định chiến lược phát triển mười, mười lăm năm tới của đất nước, rất mong các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm đầy đủ đến một vấn đề tối quan trọng là sự nghiệp phát triển giáo dục - sự nghiệp “trồng người cho cả trăm năm” như chúng ta hằng tâm niệm./

Bộ GD-ĐT và Ban Tuyên giáo Trung ương: Nghiên cứu quyết sách đổi mới toàn diện giáo dục

(GD TP.HCM – Hà Nội): - Chiều 21-10, tại trụ sở Bộ GD-ĐT đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp về giáo dục giữa Bộ GD-ĐT và Ban Tuyên giáo Trung ương.
Theo đó, trong năm 2010-2011, hai bên phối hợp nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về quyết sách đổi mới căn bản, sâu sắc, toàn diện GD-ĐT trong giai đoạn 2011-2020 và đến 2030; tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị của BCH TƯ khóa VIII về việc thực hiện phổ cập giáo dục THCS; đánh giá việc triển khai chương trình các môn học về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường; báo cáo Thường trực Ban Bí thư về tình hình phát triển các trường ngoài công lập…
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT vừa là sự nghiệp chung, vừa là trách nhiệm, góp sức giải quyết những vấn đề căn bản dưới hình thức đóng góp ý kiến trong sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo, cùng nhau chung sức giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội. Ông Tô Huy Rứa cũng nêu rõ, việc ký kết này có đầy đủ cơ sở để tin tưởng rằng sự phối hợp công tác giữa hai cơ quan ngày càng tốt hơn; phải tập trung làm nhiều hơn nói, lấy hiệu quả công việc làm trọng tâm. Trên tinh thần đó, trước mắt, hai bên cần lựa chọn một số công việc đòi hỏi tính cấp thiết, khả thi.
Ng.HuêBáo giáo dục TPHCM: http://giaoduc.edu.vn 

Hiệu trưởng tự tìm cho mình cách ứng xử phù hợp



Những buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ (như trong ảnh) không nhất thiết phải do hiệu trưởng chỉ đạo. Ảnh: T.L

Tiêu chuẩn cụ thể về mẫu người hiệu trưởng toàn năng? Theo tôi, mỗi người quản lý đều có thế mạnh và sở trường của mình, cũng như những mặt còn hạn chế, người quản lý giỏi phải là người biết cầu toàn, lắng nghe ý kiến đóng góp của tập thể, đồng nghiệp… để luôn hoàn thiện bản thân, cũng như hoàn thành thuận lợi công việc của mình.
Theo tôi thì trong quản lý, để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và được sự đồng thuận của tập thể, của mọi người thì người lãnh đạo nên dung hòa tính cách của cả hai vị hiệu trưởng A và B như trong đề thi đã nêu.
1. Với cách làm việc của người hiệu trưởng A, mọi người thấy rằng ông là một hiệu trưởng nhiệt tình, tích cực và năng động, là người rất lo lắng đến công việc, luôn quan tâm tới mọi hoạt động của cơ quan. Chúng ta cần lắm một vị hiệu trưởng xăng xái như thế. Cũng do quá nhiệt tình mà ông không ngần ngại tham gia trực tiếp trong mọi công việc. Có lẽ do ông sợ người khác không làm được nên tự mình “xắn tay áo ra làm” cho xong mọi việc và xem ra ông cũng có nhiều năng lực.
Nhưng nếu cứ ôm đồm nhiều việc như thế thì liệu đến lúc nào đó ông có kiệt sức không? Ông đã bộc lộ cái tài năng, cái nhiệt tình ấy quá mức, đôi khi là không cần thiết, nên đã vô tình “chiếm” việc của mọi người, quên đi rằng sự thành công của một tập thể không thể chỉ xuất phát từ một hay một vài cá nhân. Hoạt động dạy và học trong nhà trường thường giao cho phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, việc hiệu trưởng thường xuyên đi dự giờ góp ý cho giáo viên là tốt nhưng tránh dự giờ quá nhiều, có khi còn tạo nên “áp lực” cho nhiều giáo viên, đôi khi còn làm vai trò của phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sẽ bị “lu mờ”.
Mọi người nhìn ông tích cực hăng hái, cho ông là người hiệu trưởng toàn năng (có khi ông tự nghĩ vậy?). Theo tôi, đã là cán bộ quản lý, hiệu trưởng phải biết chỉ đạo tầm xa, phân cấp công việc rõ ràng cho từng người, từng bộ phận để các cá nhân tự chịu trách nhiệm công việc của mình. Quan trọng là người thủ trưởng phải biết điều phối guồng máy trong cơ quan để lúc nào công việc cũng được giải quyết trôi chảy và trọn vẹn. Tuy nhiên, không phải cấp dưới nào cũng biết làm việc nên có khi hiệu trưởng còn phải “cầm tay chỉ việc” để anh em quen dần. Phải biết tin tưởng cấp dưới và phân công đúng việc, đúng sở trường của họ. Đừng mang tâm lý ngại giao việc cho anh em mà phải để cho họ trải nghiệm vì qua đó con người ta mới thành thạo và có thêm nhiều kinh nghiệm.
Chưa hết, với cách làm việc của ông sẽ dẫn đến thói ỷ lại trong đội ngũ cán bộ. Nếu ai cũng suy nghĩ rằng “việc ấy đã có hiệu trưởng lo” thì khó mà phát triển được một tập thể sư phạm tốt và vững mạnh. Người lãnh đạo phải biết đâu là việc cần làm và không nên làm, dù mình có thể làm được. Chúng ta có thể làm hết mọi công việc ở nhà vì đó là chuyện trong gia đình nhưng đến cơ quan lại khác, nhất là đối với cán bộ quản lý. Vì ở cơ quan có rất nhiều con mắt dòm ngó, trong đó có cán bộ, giáo viên, công nhân viên thuộc cấp của mình. Nên chăng, ông dành nhiều thời gian để hướng dẫn, động viên, lắng nghe và tạo mọi điều kiện để giáo viên hoàn thành công việc thì nhất định ông sẽ thành công với vai trò là “đầu tàu” của nhà trường.
2. Trái với cách làm việc theo lối ôm đồm ở trên còn nhiều tồn tại, thì phong cách của hiệu trưởng B cũng có nhiều điều cần bàn luận. Mặt mạnh của ông là biết phân định rõ công việc và trách nhiệm cho đội ngũ cấp dưới khiến họ tự chịu trách nhiệm với công việc, ông quản lý bằng kế hoạch, ngay việc chào cờ đầu tuần giao cho phụ trách Đội quán xuyến, công việc trong nhà trường diễn ra nhẹ nhàng, phát huy được tính chủ động của mọi người. Có điều ông chỉ biết nghe báo cáo của từng bộ phận mà quên mất công tác đôn đốc, kiểm tra - vốn là vai trò của người hiệu trưởng. Từ đó, ta có thể dễ dàng thấy rằng với cách làm việc của ông B thì chẳng bao lâu tập thể sư phạm sẽ đi vào lối mòn, trì trệ, thiếu sáng tạo trong mọi hoạt động. Quả là một cách làm quan liêu trong một thế giới đầy năng động như hiện nay.
Thêm một chi tiết góp phần “làm xấu” hình tượng của ông trước toàn trường “Giờ chào cờ đầu tuần ông cứ ung dung ngồi trong phòng uống nước. Tổng phụ trách cho học sinh xếp hàng đâu ra đấy, rồi trịnh trọng giới thiệu danh xưng của mình, ông mới thủng thẳng bước ra…”. Ngoài căn bệnh quan liêu, ông còn mang thêm căn bệnh hình thức, lễ nghi không cần thiết khi phải xuất hiện bất ngờ như một vị khách lạ giữa tràng pháo tay của người quen. Ông đã vô tình quên mất vai trò gương mẫu của mình, lẽ ra ông là người đến sớm nhất nhưng hóa ra ông lại là người trễ nhất. Trong thực tế, có nhiều hiệu trưởng suốt ngày chỉ ngồi uống nước trà, dự tiệc và lo công tác đối ngoại còn mọi việc tại trường đều phó mặc cho các thành viên khác trong ban giám hiệu. Có người còn nói đùa, hình như các hiệu trưởng này chỉ có mỗi một việc là… ký duyệt các loại giấy tờ.
Theo tôi, hiệu trưởng B cần hòa đồng với mọi người hơn và nhạy bén trong công tác đôn đốc, kiểm tra, biết lắng nghe, thấu hiểu ý kiến anh em thì hiệu quả công việc sẽ cao hơn.
Thực hiện chủ đề “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, vai trò của người hiệu trưởng càng được chú trọng nhiều hơn. Một người hiệu trưởng trong giai đoạn mới sẽ phải tự tìm cho mình cách ứng xử phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, người hiệu trưởng phải biết tổ chức, sắp xếp các hoạt động trong nhà trường, mạnh dạn giao việc cho các bộ phận và thường xuyên kiểm tra xem họ có gặp khó khăn, trở ngại nào cần giúp đỡ, giúp họ hoàn thành công việc một cách hiệu quả.
Lương Vân Yến
(GV Trường THCS Nguyễn Du, Gò Vấp)
Báo giáo dục TPHCM: http://giaoduc.edu.vn

Tìm cách “gỡ” từ gốc

TT - Toàn dân đang mong mỏi một cuộc cải cách giáo dục thành công để nước ta có một nền giáo dục “trung thực, lành mạnh và hiện đại”, như ý kiến rất xác đáng của nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Cần nghiên cứu nghiêm túc để cải cách từ những vấn đề căn bản của giáo dục. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Đa Phước (TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học mới 2010-2011 - Ảnh: Như Hùng



Muốn vậy cuộc cải cách sắp tới phải khắc phục được những nguyên nhân khiến nền giáo dục nước ta lạc hậu, thiếu trung thực và kém lành mạnh.

Bớt áp đặt

Cơ chế quản lý điều hành giáo dục hiện nay vẫn nặng tính chất quan liêu bao cấp. Mọi việc được quyết định ở cấp trên, được chỉ đạo bằng mệnh lệnh hành chính hay phong trào. Cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành. Khi cấp trên muốn đạt chỉ tiêu cao nhất, cấp dưới phải cố đạt 100% hoặc xấp xỉ tỉ lệ đó, bất kể hoàn cảnh và điều kiện như thế nào.

Chính những áp lực do cơ chế này tạo ra đã dẫn tới “bệnh thành tích”, thể hiện rõ qua hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”, “bằng thật học giả” và kết quả cao chót vót của các kỳ thi. Cơ chế quản lý điều hành đã làm nền giáo dục trở nên thiếu trung thực.

Khi “bệnh thành tích” kết hợp với nạn tham nhũng và tiêu cực, giá trị đích thực của giáo dục càng bị tổn hại nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, cơ chế này tạo nên sự độc quyền cung cấp học vấn theo lối áp đặt từ trên xuống. Cả nước áp dụng duy nhất một bộ sách giáo khoa (SGK) do Bộ GD-ĐT ban hành. Giáo viên chỉ được sử dụng cuốn SGK duy nhất đó để giảng dạy theo chỉ đạo “SGK là pháp lệnh”.

Sự chỉ đạo này biến giáo viên thành công cụ thuyết minh SGK, hạn chế mọi khả năng sáng tạo của họ, dẫn tới tình trạng “thầy đọc trò chép” để học sinh học thuộc lòng như vẹt. Đổi mới dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, giáo viên rất khó xoay xở vì vẫn phải bám sát SGK.

Mặc dù bộ tuyên bố không coi SGK là “pháp lệnh” nữa, kêu gọi “nói không với đọc chép”... nhưng lại phát hành sách Chuẩn kiến thức - kỹ năng để làm “pháp lệnh” thay cho SGK, mọi sự vẫn nguyên như cũ.

Cơ chế này cần được tháo gỡ bằng cách giảm bớt những chỉ tiêu, quyết định của cấp trên áp đặt cho cấp dưới; trao quyền tự chủ và tự quyết định cho những người trực tiếp làm việc ở cơ sở mà quan trọng nhất là giáo viên.

Tránh lẫn lộn chức năng

Việc Đảng dự kiến “sau năm 2015 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới” cho thấy tính cấp bách của vấn đề.

Chương trình học hiện hành (sản phẩm của cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông vừa mới hoàn thành) có rất nhiều thiếu sót và nhược điểm đã bị xã hội phê phán: quá tải đối với học sinh nhưng lại kém hiệu lực, nặng tính hàn lâm khoa cử mà nhẹ tính thực hành, thiếu gắn kết và ứng dụng vào đời sống...

Các thiếu sót và nhược điểm đó đều có chung một nguyên nhân: chương trình được xây dựng thiếu cơ sở khoa học. Chương trình của mỗi môn học được giao cho các chuyên gia của môn học đó soạn thảo mà thiếu sự chủ trì của các nhà giáo dục chuyên ngành phát triển chương trình học.

Bởi thế, các nguyên lý của ngành khoa học này không được áp dụng trong việc xây dựng chương trình học đó, nên mọi mục tiêu giáo dục đáp ứng yêu cầu của cuộc sống đều bị bỏ qua.

Bên cạnh đó còn có sự lẫn lộn về chức năng giữa chương trình học với SGK. Quán triệt triết lý và các nguyên lý giáo dục, chương trình học vạch rõ tôn chỉ của nền giáo dục, mục đích của từng cấp học và mục tiêu của từng môn học. Từ đó, chương trình quy định nội dung các môn học (với tổng thời gian dành cho nó), chỉ dẫn các phương pháp dạy học và cách thức đánh giá trình độ học sinh.

Chương trình học chính là văn kiện pháp lý để cung cấp cho giáo viên thực hiện, để quản lý giáo dục và tổ chức thi cử. Tuy nhiên, ở nước ta chương trình học chỉ được dùng làm đề cương biên soạn SGK, rồi trao luôn chức năng của chương trình học cho SGK khi nó được coi là “pháp lệnh”.

Sự lẫn lộn này rất tai hại vì nó ràng buộc giáo viên vào một cuốn SGK duy nhất, mà lẽ ra họ chỉ phải thực hiện đúng chương trình, còn sử dụng SGK nào thuộc về quyền lựa chọn của họ.

Tiến sĩ giáo dục LÊ VINH QUỐC

------------
Để nghiên cứu khoa học giáo dục dẫn đường

Nghiên cứu phần nói về giáo dục trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần XI, đối chiếu với nghị quyết của đại hội trước và đối chiếu với thực trạng giáo dục đang diễn ra, người dân không khỏi băn khoăn.

Dường như chúng ta có thừa chủ trương đúng, mục tiêu tốt đẹp nhưng còn cần một bộ khung pháp lý và phát triển một nền tảng triết lý tinh thần phù hợp, bảo đảm cho việc thực hiện những chủ trương và mục tiêu ấy.

Vấn đề bây giờ là làm sao rút ngắn khoảng cách giữa mục tiêu và hiện thực.

Thực tế chúng ta thiếu cơ sở lý thuyết cho những cải cách giáo dục, không có đội ngũ chuyên gia dẫn đường cho cải cách nên mọi việc chỉ làm theo quán tính và kinh nghiệm, dẫn đến nhiều dự án tốn kém mà không hiệu quả.

Chúng ta cũng thiếu những nghiên cứu thật sự nghiêm túc về khoa học giáo dục. Nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tế những năm gần đây như hiện tượng thương mại hóa giáo dục, tham nhũng trong giáo dục, bạo lực học đường... cần được khảo sát và phân tích một cách thấu đáo với những dữ liệu đầy đủ để tìm hướng khắc phục.

Nhiều vấn đề trọng đại như quy hoạch tổng thể hệ thống giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo dục... cần được quyết định trên cơ sở nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc.

Nghiên cứu về khoa học giáo dục để cung cấp dữ liệu cho bản vẽ thiết kế ngôi nhà giáo dục. Thiếu đầu tư cho khoa học giáo dục chẳng khác nào xây ngôi nhà theo một bản vẽ chỉ dựa trên ước muốn và tưởng tượng.

Ở Hoa Kỳ, Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục là một đơn vị được thành lập theo một đạo luật của quốc hội, viện trưởng do tổng thống trực tiếp bổ nhiệm với sự tham vấn và chấp thuận của thượng viện, tức là nhân sự này được quyết định ở cấp cao nhất về mặt lập pháp và hành pháp của một quốc gia, cho thấy Chính phủ Hoa Kỳ coi trọng như thế nào tầm vóc lớn lao và ý nghĩa quan trọng của việc phát triển khoa học giáo dục.

Sứ mạng của viện này là cung cấp cho giới lãnh đạo quốc gia sự hiểu biết và kiến thức cơ bản rộng rãi về giáo dục, từ cấp mầm non cho đến giáo dục đại học, cũng như mang lại cho các nhà nghiên cứu, các nhà làm chính sách, các nhà giáo dục, phụ huynh, sinh viên và công chúng những thông tin đáng tin cậy về toàn bộ hoạt động giáo dục.

Trung Quốc cũng có hàng trăm cơ quan nghiên cứu như vậy.

Trong bối cảnh thực tiễn của VN hiện nay, việc xem xét kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển khoa học giáo dục nhằm mở rộng tầm nhìn, củng cố chiến lược hoạt động của các tổ chức nghiên cứu về khoa học giáo dục ở VN để phục vụ việc đổi mới giáo dục là một việc cần thiết và cấp bách.

Nghiên cứu khoa học giáo dục, đặc biệt là nghiên cứu về giáo dục quốc tế, rất cần được đẩy mạnh. Nghiên cứu khoa học giáo dục phải đi trước một bước để dẫn đường cho cải cách, để giảm bớt cái giá phải trả cho “thử và sai”, vì cái sai trong giáo dục có thể di hại cho cả đời người, cho cả dân tộc.

Tiến sĩ PHẠM THỊ LY (chuyên gia tư vấn, dự án giáo dục đại học 2, Bộ GD-ĐT)

Theo báo Tuổi trẻ: http://tuoitre.vn/

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Lương giáo viên nước ngoài 100 triệu đồng/tuần

CHƯƠNG TRÌNH TIÊN TIẾN:

(PL)- Ngày 19-10, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị sơ kết triển khai đào tạo chương trình tiên tiến trong 23 trường đại học trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết Việt Nam hiện có 23 trường đại học hợp tác với các trường đại học trên thế giới để triển khai đào tạo 35 chương trình tiên tiến (nhiều nhất là khối ngành kỹ thuật, công nghệ và khối ngành kinh tế). Phần lớn chương trình được đào tạo bằng tiếng Anh nhưng trường lại thiếu giáo viên có khả năng đứng lớp bằng tiếng Anh. PGS-TS Hoàng Quang Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho hay trường có hai chuyên ngành tiên tiến là điện tử viễn thông và hệ thống nhúng. Mỗi lần kết thúc đợt thỉnh giảng kéo dài hai tuần, nhà trường đã phải chi gần 200 triệu đồng để trả lương cho giáo viên.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc triển khai chương trình tiên tiến là giải pháp đột phá của ngành giáo dục. Vì vậy, Bộ GD&ĐT nên dành một phần kinh phí của Đề án 322 (Đề án “Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”) cho khoảng 5% sinh viên tham gia học chương trình này sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đối tác. Bộ GD&ĐT cũng nên làm việc với Bộ Tài chính để miễn thuế thu nhập đối với giảng viên nước ngoài và nghiên cứu đề xuất Chính phủ điều chỉnh một số phương thức hỗ trợ cho sinh viên, nhất là sinh viên theo học các ngành khó tuyển sinh…
T.NHƯ

Bộ GD-ĐT không thể là hiệu trưởng tất cả ĐH

ĐÓNG GÓP CHO DỰ THẢO QUY CHẾ THI VÀ TUYỂN SINH NĂM 2011:
Lời nói đầu:
Bộ không phải là ban giám hiệu
Việc áp dụng ba chung trong tuyển sinh có thể đỡ tốn kém vì đã dồn được thành một lần thi chung. Tuy nhiên, đó là câu chuyện cách đây tám năm, nay không phù hợp nữa bởi nhiều nguyên nhân. Bộ GD&ĐT chỉ nên là cơ quan có chức năng quản lý, xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện, thanh tra, xử lý vi phạm của các trường chứ không nên quản lý cả việc chỉ tiêu, đề thi… giống như một ban giám hiệu chung của cả nước như vậy.
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
----------------
Trong tuần qua, Bộ GD&ĐT đã họp với đại diện một số trường ĐH trọng điểm của miền Bắc để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy chế thi và tuyển sinh năm học 2011.

Theo một quan chức của Bộ và đại diện một số trường, việc thi “ba chung” (chung đề, chung đợt và chung kết quả) cần được mổ xẻ bởi có nhiều điểm bất hợp lý, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Nhiều chuyên gia cho rằng áp dụng thi “ba chung” Bộ GD&ĐT đã ôm quá nhiều việc mà lẽ ra các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Hệ lụy của “ba chung” là sự lãng phí ngân sách của nhà nước. Song lãng phí lớn nhất là không thể làm cho môi trường giáo dục phát triển. Tất cả nhốt chung một rọ hay một kích thước ai mặc cũng vừa thì không thể phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Bộ tự làm khổ mình
Giáo sự, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, phân tích: Duy trì “ba chung” là Bộ tự làm khổ Bộ, tự biến mình thành một ban giám hiệu cả nước. Thầy Đinh Văn Chỉnh, Phó Hiệu trưởng trường này, cho rằng đây là năm thứ tám áp dụng, ưu-nhược “ba chung” đã hiện rõ. Vì “ba chung” mà nhiều thí sinh có học lực rất tốt, thi 24 điểm vẫn trượt (vì ngành mình đăng ký thi lấy 25 điểm). Chuyển sang ngành khác thì cũng trượt nốt vì trường đã tuyển đủ chỉ tiêu. Theo thầy Chính, đó là sự thiệt thòi cho sinh viên, nhất là sinh viên giỏi. Vì vậy, Bộ nên giao tất cả việc đó cho các trường. Trường nào đào tạo tốt tự nổi lên, còn trường nào chạy theo số lượng, chạy theo đồng tiền, không vì chất lượng sẽ tự đào thải mình. Lúc này, Bộ chỉ cần phát huy vai trò giám sát.
Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (Đà Nẵng) Trần Văn Nam cũng thừa nhận “ba chung” khiến cho lượng hồ sơ ảo tăng cao (khoảng 20%-25% là hồ sơ ảo).
Thí sinh căng thẳng, mệt mỏi trong kỳ thi “ba chung” hằng năm. Nhiều thí sinh điểm cao vẫn bị rớt oan do hậu quả “ba chung”. Ảnh: TỐ NHƯ
Quy chế tuyển sinh các năm qua cho phép áp dụng điểm ưu tiên theo đối tượng đối với những trường ở vùng khó tuyển sinh nhưng trường nào muốn áp dụng thì phải có đơn xin phép. Tuy nhiên, theo lời một quan chức trong ngành giáo dục, cơ chế này cũng là khe hở để một số trường mới mở tự liệt vào dạng trường được xem xét. Đây cũng là sự kéo dài cơ chế xin-cho, tạo mất công bằng trong tuyển sinh.
Quyền tự chủ của trường: Ở đâu? Đến mức nào?
Hiện nay nhiều trường đang quan tâm nhất đến vấn đề: Bộ có trao quyền tự chủ cho các trường không? Trao quyền đến đâu? Và vai trò của Bộ như thế nào trong vấn đề tự chủ này? Trao quyền tự chủ đồng nghĩa với việc trao quyền tuyển sinh cho trường. Bộ ra đề và quản lý đề thi, các trường sẽ tổ chức thi và đặt hàng từ nguồn đề thi của Bộ. Chỉ tiêu và điểm chuẩn là hai vấn đề có quan hệ mật thiết, từ chỉ tiêu để định ra điểm chuẩn. Thế nhưng Bộ đã lấy cơ sở nào để ra chỉ tiêu? Nếu giải đáp được những câu hỏi này sẽ trả lời được tại sao có hiện tượng “trường tuyển vượt nhưng lại có trường không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có ngành phải đóng cửa”. Mốc điểm sàn 13 điểm, Bộ đã dựa trên dự báo nào?
Việc tuyển sinh hệ vừa làm vừa học đang vướng. Nhiều doanh nghiệp nói rằng chất lượng sinh viên ra trường hệ này không đủ điều kiện để tuyển dụng. Nên chăng Bộ hãy đứng ra làm chính sách, xây dựng cơ chế để tuyển sinh cho phù hợp với nhu cầu đào tạo của xã hội.
TỐ NHƯ


Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

VỤ GS BỊ TỐ ĐẠO VĂN ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ DANH HIỆU NHÀ GIÁO NHÂN DÂN

Ông Ngô Đức Thọ khiếu nại tới bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến đóng góp cho danh sách hơn 100 nhà giáo sẽ được xét phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2010.

Trong đó có GS-TS Nguyễn Đình Hương, Chủ tịch Hội đồng chức danh ngành kinh tế, là tác giả quyển sách Việt Nam hướng tới nền giáo dục hiện đại (NXB Giáo dục, 2009), bị tố cáo là đạo văn từ cuốn sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (do ông Ngô Đức Thọ chủ biên).

Trả lời câu hỏi Bộ có ý kiến gì với trường hợp của GS Hương, ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết cho NXB Giáo dục - nơi in cuốn sách mà dư luận cho là đã đạo văn đã có văn bản khẳng định không có chuyện đó. Chính vì vậy, GS Hương được cơ sở đề cử. Ông Quý cũng cho rằng đơn vị đã in cuốn sách có vấn đề phải có trách nhiệm làm rõ để trả lời cho người đi kiện và dư luận về toàn bộ sự việc.

Cũng trong chiều qua (13-10), ông Ngô Đức Thọ, chủ biên cuốn sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, cho biết ngay khi vụ việc được báo đăng tải đến nay, ông không nhận được bất kỳ đơn thư trả lời và phúc đáp nào của NXB Giáo dục như vị lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nói. Ngoài ra, sáng 12-10, ông đã trực tiếp gửi đơn và toàn bộ tài liệu liên quan đến việc GS Hương đã đạo sách của ông đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

T.NHƯ
Theo http://phapluattp.vn 

Rộ mốt "hành chính": Thất tình cũng có giấy chứng nhận!

         Hiện nay trong giới trẻ Trung Quốc đang thịnh hành trào lưu tự tạo cho mình tấm giấy chứng nhận có hình thức y hệt các giấy tờ hợp pháp nhưng với những nội dung nghịch ngợm như: "Giấy chứng nhận đang yêu", "Giấy chứng nhận độc thân"…Gần đây, ghé thăm nhiều cửa hàng chuyên thiết kế và in loại giấy chứng nhận này tại thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), phóng viên Trường Sa tin chiều phản ánh, chỉ với 4-5 NDT, tức khoảng 15.000 VND, người mua đã có trong tay một tấm giấy chứng nhận trông không khác gì những giấy chứng nhận “xịn” thường thấy, với công đoạn in cũng khá cầu kì.


"Giấy chứng nhận đang yêu" và "Giấy chứng nhận người vợ tốt": Thoạt nhìn không khác gì tấm bằng tốt nghiệp của học sinh phổ thông