Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Sách giáo khoa - một thực thể với nhiều hình thái tồn tại

Dựa trên lý thuyết hoạt động, nhóm Cánh Buồm quan niệm rằng sách giáo khoa là một thực thể với nhiều hình thái tồn tại, thay vì quan niệm cho rằng sách giáo khoa là nơi cất giữ kiến thức.

Ngày 27/9 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra một sự kiện quan trọng liên quan đến giáo dục. Hội thảo “Chào Lớp Một!” đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền. Đây là buổi ra mắt chính thức bộ sách giáo khoa lớp Một của một nhóm nghiên cứu giáo dục độc lập mang tên Cánh Buồm do nhà nghiên cứu sư phạm Phạm Toàn khởi xướng.

Ngài Giám đốc của L’Espace – công dân của đất nước sản sinh ra nhà giáo dục lỗi lạc Jean-Jacques Rousseau – quả là có con mắt tinh đời. Theo chỗ tôi biết, đây là lần thứ hai trung tâm L’Espace tổ chức hội thảo về chủ đề giáo dục (tháng 11-2009 hội thảo Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em). Mới thấy đôi khi người ngoài lại tỉnh táo hơn người nhà!

Vậy, công việc của Nhóm Cánh Buồm có gì mới? Hay nói chính xác hơn, bộ sách lớp Một của Nhóm Cánh Buồm có những điểm gì khác so với bộ sách giáo khoa lớp Một hiện đang được sử dụng trong nhà trường phổ thông?

Cái mới và điểm khác biệt căn bản của Nhóm Cánh Buồm chính là nằm ở bộ sách giáo khoa. Nói đi nói lại, nói xa nói gần thì mọi cải cách rút cục đều phải đưa ra một chương trình học được cụ thể hóa bằng một bộ sách giáo khoa nào đó. Nhà trường của nước Mỹ không có khái niệm “sách giáo khoa chính thức” không có nghĩa là họ không cần có sách giáo khoa. Điểm khác biệt chỉ nằm ở chỗ họ thay đổi quan niệm về thế nào là “sách giáo khoa” mà thôi.

Về căn bản, giáo dục bao gồm ba chủ thể: học sinh – thầy giáo – vật liệu học (trong đó sách giáo khoa là cái cốt lõi). Không thể cải cách học sinh, điều này là đương nhiên. Chỉ có thể cải cách những quan niệm giáo dục của ông thầy và cải cách quan niệm về sách giáo khoa. Nếu không, mọi cải cách giáo dục thực chất chỉ là những lần thay sách giáo khoa, những lần tái bản có sửa đổi cuốn sách giáo khoa!

Quan niệm về sách giáo khoa theo Nhóm Cánh Buồm đã thay thế tư duy kinh nghiệm, giáo điều coi sách giáo khoa là nơi cất giữ kiến thức.

Dựa trên lý thuyết hoạt động, Nhóm Cánh Buồm đã quan niệm rằng sách giáo khoa là một thực thể với nhiều hình thái tồn tại, trong đó ba hình thái tồn tại chính là:

Hình thái tồn tại thứ nhất và hình thái cơ bản của sách giáo khoa là những việc làm của học sinh do giáo viên tổ chức trong từng tiết học. Ở môn Tiếng Việt lớp Một, chẳng hạn, thì những việc làm đó bao gồm thao tác phát âm, thao tác phân tích âm, thao tác ghi lại và đem dùng. Học sinh phải tự làm lấy những việc này, không ai làm hộ, giống như trước tuổi đến trường thì các em phải tự lẫy, tự bò, tự trườn, tự đi v.v. không ai làm hộ được. Và sách giáo khoa là những gì mà học sinh “tìm ra” trong quá trình tự làm nói trên.

Ở sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một đang được dùng trong nhà trường hiện nay thì ngay từ tiết thứ nhất học sinh được dạy chữ “e” bằng cách thầy giáo đọc “chữ e”rồi cả lớp đọc theo, sau đó các em được yêu cầu tập viết chữ “e”. Cái tính chất “áp đặt” của cuốn sách giáo khoa kiểu này chính là nằm ở chỗ đó.

Hình thái tồn tại thứ hai của sách giáo khoa là những gì đọng lại trong đầu của học sinh sau mỗi tiết học. Trước khi kết thúc mỗi tiết học giáo viên dành một chút thời gian để yêu cầu học sinh nói lại xem các em đã làm những việc gì trong tiết vừa rồi. Thậm chí các em có quyền ghi theo cách riêng của mình những điều mới học! Ở lớp học thầy giảng giải – trò ghi nhớ, học sinh hầu như không thể kể lại nổi các em đã làm những gì! Nghiên cứu cho thấy chỉ có 30% học sinh ghi nhớ được 70% những gì chúng nghe bằng tai trong một tiết học bình thường.

Hình thái tồn tại thứ ba của sách giáo khoa là những gì giáo viên dự kiến sẽ dạy cho học sinh. Đây chính là lúc đòi hỏi nghiệp vụ sư phạm của giáo viên hoặc nói đúng hơn đây chính là lúc đòi hỏi nghiệp vụ biên soạn sách giáo khoa. Tức là, (1) sách giáo khoa phải cung cấp các việc làm để học sinh thực hiện và qua đó chiếm lĩnh kiến thức. Nhà sư phạm sẽ quyết định kiến thức nào học sinh sẽ học, và; (2) các việc làm của học sinh phải diễn ra theo “chuỗi” lô-gich tuần tự. Chẳng hạn, sách dạy Tiếng Anh lớp Một của Nhóm Cánh Buồm bắt đầu dạy các “âm” rồi sau đó mới dạy “danh từ” v.v. Sách dạy tiếng Anh lớp Một hiện đang được dùng trong nhà trường thì bắt đầu dạy ngay vào câu để đạt mục tiêu “giao tiếp”. Học sinh thực chất phải ghi nhớ thụ động các câu dùng vào “giao tiếp” đó.

Ngoài những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ sư phạm, sự kiện ra đời bộ sách giáo khoa của Nhóm Cánh Buồm có thể còn cung cấp những gợi ý khác liên quan đến những vấn đề vĩ mô chẳng hạn như chương trình học thống nhất toàn quốc, rồi hệ thống tổ chức nhà trường v.v.

Giải quyết thấu đáo những vấn đề trên tức là có thể giải tỏa nỗi nghi ngại có thể nảy sinh ở các bậc phụ huynh khi họ được giới thiệu những bộ sách “thực nghiệm”, bởi cái chữ này thường được liên hệ với cái gì không chính thống, chính thức. Khác hẳn với việc lựa chọn sữa bột để nuôi con trưởng thành về mặt cơ thể, các bậc phụ huynh lại không có sự lựa chọn nào khác khi giao phó việc học tập của con cái mình cho nhà trường. Độc quyền sách giáo khoa là con dao hai lưỡi. Nếu sách giáo khoa độc quyền là đúng thì đó quả là điều may mắn lớn cho trẻ em. Nhưng nếu sách giáo khoa đó sai thì thảm họa thật khủng khiếp.

Riêng việc hiện nay mỗi năm hơn nửa triệu học sinh có tương lai cuộc đời bị chặn đứng trước cánh cửa trường đại học đã là một sự thất bại hiển nhiên của sách giáo khoa đang sử dụng. Sự áp đặt trong giáo dục là nguyên nhân số một của chán học, của không thể học được (vì nghe giảng giải mà không hiểu), của bỏ học, của nạn học thêm, chạy điểm v.v. Chỉ riêng trong vấn đề này cách làm của Nhóm Cánh Buồm đã khác hẳn. Nhóm kiến nghị trong đề án cải cách giáo dục của họ về một bậc Phổ thông Cơ sở (cách họ gọi bậc Tiểu học) kéo dài trong 8 năm. Không có thi đầu ra, đầu vào. Sau khi kết thúc bậc Phổ thông Cơ sở, học sinh sẽ chọn (kết hợp với được phỏng vấn để xác định thiên hướng) hoặc trường Phổ thông Hướng nghiệp (để vào trường dạy nghề) hoặc trường Phổ thông Chuyên khoa cơ bản (để tập nghiên cứu, chuẩn bị cho bậc đại học). Sách giáo khoa đúng cộng với cách tổ chức đúng (với nhiều luồng) sẽ tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em. Chí ít điều đó cũng loại bỏ được hiện tượng mỗi năm hàng trăm nghìn người trẻ tuổi trượt đại học tủi thân ngồi nhà ao ước số phận may mắn của nhân tài đất nước thành danh ở nước ngoài!

Mặt khác, làm rõ những vấn đề nói trên cũng giải tỏa tâm lý lúng túng rất dễ xảy ra ở những người làm luật. Họ sẽ bình tĩnh hơn và công bằng hơn trước sự xuất hiện những bộ sách giáo khoa thi đua nhau, tại vì ngay sau khi bộ sách lớp Một của Nhóm Cánh Buồm ra mắt thì lập tức đã có tiếng nói cầm đèn chạy trước… luật, rằng sách giáo khoa của các nhóm nghiên cứu chỉ có giá trị ở khía cạnh nghiên cứu, không được phép đưa vào chương trình chính khóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và rằng nếu muốn áp dụng thì phải sửa luật!

Thử hỏi trên đời này có luật nào cao hơn luật đi từ những đòi hỏi không thể cưỡng nổi của cuộc sống hiện đại ngày hôm nay, tức là kỳ cùng đó là những đòi hỏi của trẻ em của ngay ngày hôm nay – trẻ em là những thực thể còn nguyên vẹn, còn mang trong mình những tiềm năng ẩn số, chúng là những gì Tự nhiên nhất. Và Ăng-ghen từng nói rằng kẻ nào dám chống lại Tự nhiên, kẻ đó nhất định sẽ bị trừng phạt!
Tác giả: Phạm Anh Tuấn
Theo http://tiasang.com.vn (Bộ KH-CN) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét